Trong 3 nơi được chọn xây dựng thành đặc khu là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thì đảo Phú Quốc được đánh giá có nhiều lợi thế hơn. Phú Quốc nằm ở khu vực chiến lược biển Tây Nam, giàu tiềm năng, độc lập với đất liền, có điều kiện áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù và là không gian lý tưởng cho việc thí điểm xây dựng một mô hình đặc khu hành chính - kinh tế.
Bên ngoài một khách sạn sang trọng ở Phú Quốc
Thời gian qua, "phần cứng" trên đảo đã được quan tâm đầu tư tạo diện mạo mới. "Cổng trời" - sân bay quốc tế Phú Quốc, "cửa bể" - cảng biển quốc tế tổng hợp An Thới, Dương Đông; các đường trục Bắc - Nam, vòng quanh đảo và tuyến xương cá đã được xây dựng. Theo chân đường cáp ngầm xuyên biển đầu tiên ở nước ta dài nhất Đông Nam Á, đưa điện quốc gia vượt biển ra "đảo ngọc", đường cáp quang viễn thông cũng đã hình thành. Cùng với những công trình hạ tầng lớn trên đảo là nhiều dự án đầu tư tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nhất là các dự án du lịch lớn, xác lập nhiều kỷ lục, đang tạo ra sức hút mới.
Phú Quốc đang sở hữu nhiều kỷ lục quốc gia và quốc tế. Đây là hòn đảo lớn nhất nước. Sân bay quốc tế Phú Quốc là sân bay đầu tiên của cả nước được xây dựng mới từ sau năm 1975. Vườn thú thiên nhiên bán hoang dã Safari Phú Quốc (nằm trong tổ hợp dịch vụ du lịch thuộc dự án Khu Du lịch sinh thái Vinpearl có tổng vốn đầu tư 17.000 tỉ đồng) cũng là khu Safari đầu tiên, lớn nhất của cả nước… Nhiều người so sánh Phú Quốc với hình ảnh Đà Nẵng, thậm chí còn vượt qua TP miền Trung năng động này với các dự án kỷ lục như cáp treo Hòn Thơm dài hơn cáp treo Bà Nà, vốn chung một nhà đầu tư.
Thực ra, Phú Quốc đang như một đại công trường. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 50.000 lao động là ngư dân từ khắp mọi miền đất nước đến Phú Quốc; hơn 20.000 lao động làm việc ở các công trình, có nơi hằng ngày trên 2.000 công nhân. Việc phát triển "nóng" như vậy đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý của địa phương. Đặc biệt, tình hình an ninh - trật tự ở Phú Quốc có nhiều diễn biến phức tạp do các lực lượng lao động phổ thông đổ về đây rất lớn. Chỉ riêng số vụ tai nạn giao thông, huyện đảo này đã chiếm 50% toàn tỉnh Kiên Giang. Số vụ trọng án xảy ra nhiều hơn. Phú Quốc bao đời nay vốn rất bình yên, đêm đến nhiều nhà dân ngủ không đóng cửa nhưng hiện nay có nguy cơ trở thành túi chứa tệ nạn. Người bể hụi, trốn nợ, trốn lệnh truy nã... cũng chạy ra Phú Quốc.
Tội phạm ở đâu cũng có nhưng Phú Quốc là "đảo ngọc", khách du lịch đến đây sẵn sàng trả phí cao hơn trong đất liền nên họ có quyền đòi hỏi được cung cấp "sản phẩm dịch vụ chất lượng cao". Những gì đang diễn ra ở Phú Quốc trong thời gian qua rất đáng lo ngại. Vì thế, cần làm sạch môi trường xã hội, quản lý tốt hơn và xây dựng một cộng đồng dân cư sạch.
Văn hóa bản địa, ý thức, niềm tự hào, ham muốn làm giàu từ "đảo ngọc" sẽ biến mỗi người dân trở thành một "đại sứ tiếp thị" cho Phú Quốc. Họ sẽ là yếu tố kết nối văn hóa "đảo ngọc" với cộng đồng khác trong nước và quốc tế. Cùng với văn hóa, xã hội là yêu cầu đầu tư, bảo vệ môi trường. Sự phát triển quá nóng của Phú Quốc gần đây đã mang đến thực tế: bộ máy công quyền quá tải, ô nhiễm môi trường. Ngoài các dự án đầu tư cục bộ thì hệ thống xử lý nước thải, rác thải, Phú Quốc gần như chưa có gì.
Phú Quốc có trở thành thiên đường du lịch? Tương lai của Phú Quốc ra sao?... Tất cả phụ thuộc vào cách ứng xử khôn ngoan, có trách nhiệm của con người đối với đảo ngọc hiện nay!
Bình luận (0)