Bệnh nhân D.T.M. đang điều trị sau tai nạn bỏng do nổ bóng bay
Ngày 28-2, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng của Bệnh viện Đa khoa (BV) Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân nữ D.T.M (34 tuổi) ở phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, bị bỏng rộng vùng mặt, tay vì nổ chùm bóng bay. Ngoài ra, có 4 người khác bị ảnh hưởng bởi vụ nổ bóng này nhưng nhẹ hơn.
Bác sĩ Thống cho biết bệnh nhân được đưa đến viện ngày 26-2 trong tình trạng sốc nhẹ do bỏng. Bệnh nhân bỏng rộng vùng mặt, tay nên đau, rát và hoảng loạn. Nằm trên giường bệnh, bệnh nhân M. vẫn rất đau đớn sau tai nạn cách đây ít ngày. Theo người thân chị M., sau bữa tiệc mừng thọ một người thân, chị M. gom bóng lại để chia cho trẻ nhỏ chơi.
Trong lúc chị M. cùng vài người nữa đang lấy chùm bóng ra khỏi túi bóng thì cả chùm bóng bay phát nổ và bùng vào mặt và tay của chị M. khiến chị bỏng nặng. 4, 5 người khác đứng xa hơn nên chỉ bị bỏng ở tay. Người nhà bệnh nhân cho biết chùm bóng bay kép 20 quả lớn và 20 quả nhỏ lồng phía trong được gia đình mua trang trí cho lễ mừng thọ. “Các cháu nhỏ đứng vòng ngoài nên không cháu nào bị ảnh hưởng. Sau tai nạn này, chắc chắc gia đình tôi sẽ không cho các cháu chơi bóng"- người nhà bệnh nhân chia sẻ.
Theo bác sĩ Thống, sau 3 ngày điều trị, tình trạng sốc bỏng của bệnh nhân M. đã ổn định, nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm điều trị vì tổn thương bỏng rộng, ở vùng bị ảnh hưởng vùng thẩm mỹ.
Nữ bệnh nhân M. bị bỏng nặng
Bác sĩ Thống cũng cho biết ngoài bệnh nhân M., tại Khoa bỏng, một bệnh nhân khác cũng là nạn nhân của nổ bóng bay đã điều trị được 15 ngày. Cô gái này cho biết, ngày 14-2, tổ chức tiệc cho công ty, cô mua 55 quả bóng bay bơm khí. Cô và một bạn gái đưa chùm bóng bay từ sảnh chính vào một phòng nhỏ không có cửa sổ, nóng hơn phòng ở ngoài sảnh chính. Vừa qua cửa thì chùm bóng phát nổ khiến cô bị cháy xém tóc, mặt và tay. Cô gái đi cùng nhẹ hơn nên được xuất viện trước.
Bác sĩ Thống cho biết BV đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị bỏng mà thủ phạm là bóng bay. Mỗi năm, Khoa bỏng của bệnh viện này tiếp nhận hàng chục vụ tương tự, chủ yếu xảy ra vào thời điểm lễ hội, Tết, cưới xin... là những thời điểm bóng bay được sử dụng nhiều. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là người dân vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm của nó mà vẫn vô tư đùa nghịch, thậm chí là còn mua về cho trẻ con chơi. “Bóng bay có bơm khí hydro, chỉ cần có tàn thuốc chạm vào là quả bóng sẽ thủng, khí hydro thoát ra kết hợp với khí oxy gây nổ, tạo sức ép khiến cả chùm bóng nổ, có thể gây bỏng cho những người đứng gần bóng”- bác sĩ Thống cảnh báo.
Giới chuyên môn lưu ý với các trường hợp bị bỏng do nổ bóng bay, nạn nhân thường không bị bỏng sâu, nặng như bỏng xăng, lửa nhưng điều đáng lo ngại nhất là vấn đề thẩm mỹ. Bởi bóng bay bơm khí hydro phát nổ lửa thường chờm nhẹ, bốc nhanh nhưng lại rơi vào các chỗ hiểm trên người như đầu, mặt, cổ, tai và hai bàn tay. Chính vì thế, bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề thẩm mỹ. Điều lo ngại thứ hai với các trường hợp bị bỏng bóng bay là có nhiều nạn nhân, thường cả nhà cùng bị bỏng một lúc. “Bóng bay bơm khí hydro rất nguy hiểm nhưng người dân lại chủ quan, không nhận thấy mối nguy của nó. Tốt nhất người lớn không nên cho trẻ em chơi loại bóng này, bởi trẻ hiếu động, dễ khiến bóng tiếp xúc với các mối nguy gây phát nổ là nguồn lửa. Chỉ cần tàn thuốc lá của người xung quang vô tình bắn vào hoặc tác động mạnh của lực cũng khiến bóng phát nổ gây bỏng”- bác sĩ Thống khuyến cáo.
Bình luận (0)