Chiều 30-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt tờ trình của cơ quan này về việc thí điểm triển khai dự án xây dựng hệ thống giám sát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên 2 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Xã hội hóa “phạt nguội”
Theo tờ trình được phê duyệt, tổng mức đầu tư của dự án hơn 210 tỉ đồng, từ nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó, dự án thí điểm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 65 tỉ đồng, do Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT làm chủ đầu tư; dự án thí điểm trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình khoảng 151 tỉ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Hanel.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ lắp đặt 58 hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm an toàn giao thông, trong đó có 42 hệ thống camera lắp đặt tại 22 vị trí trên tuyến chính có chức năng tự động phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm. Ngoài ra, có 16 hệ thống camera lắp đặt tại 6 trạm thu phí phục vụ nhận diện biển kiểm soát phương tiện và phát tín hiệu cảnh báo (đèn, còi) cho lực lượng CSGT, cùng với 4 hệ thống máy đo tốc độ tự động có ghi hình. Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình có 35 điểm lắp đặt giám sát tốc độ, phát hiện, ghi nhận vi phạm đồng thời phân tích nhận dạng, biển kiểm soát để cảnh báo cho lực lượng CSGT xử lý vi phạm.
“Ngay trong tháng 11 này sẽ lắp đặt camera trên 2 tuyến cao tốc, kinh phí không lấy từ ngân sách. Chúng tôi rất đồng tình và ủng hộ việc xã hội hóa này” - ông Huyện nói.
Ông Huyện cho biết chi phí xây lắp hạ tầng kỹ thuật của dự án được áp dụng theo hình thức BTO. Theo đó, Công ty Giải pháp công nghệ FPT ứng vốn triển khai đầu tư cho phần việc này để kịp với yêu cầu tiến độ của dự án. Để hoàn vốn đầu tư và chi phí quản lý vận hành, bảo trì hệ thống, chủ đầu tư sẽ được trích 0,8% tổng doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Sau khi triển khai dự án, toàn bộ hệ thống hạ tầng truyền dẫn cáp quang, điện được chuyển giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý và vận hành.
Đối với chi phí mua sắm thiết bị và phần mềm, áp dụng theo hình thức BOO (đầu tư, kinh doanh, sở hữu). Nguồn thu để hoàn vốn đầu tư và chi phí quản lý vận hành, bảo trì hệ thống được trích 2,8% từ tổng doanh thu phí trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đối với tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, hình thức thu hồi vốn của nhà đầu tư cũng tương tự.
Cần nhân rộng
Việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam mạnh dạn mời gọi tư nhân tham gia vào dự án trên xuất phát từ hiệu quả của việc “phạt nguội” thông qua camera triển khai tại Hà Nội và một số địa phương khác trong thời gian qua.
Trong năm 2014, Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội lắp đặt 500 camera. Trong đó, 100 camera đo đếm phương tiện, 100 camera kiểm tra toàn bộ xe vi phạm giao thông đường bộ và 300 camera giám sát các hoạt động giao thông trên địa bàn thủ đô.
Nhờ lắp đặt hệ thống này, từ tháng 1 đến cuối tháng 7-2015, CSGT Hà Nội đã xử phạt hơn 900 trường hợp vi phạm giao thông. Các vi phạm được phát hiện chủ yếu là không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; đi không đúng phần đường, làn đường; quay đầu xe sai quy định. Ghi nhận từ hệ thống xử lý qua camera cho thấy trung bình mỗi ngày, tại một ngã tư, số phương tiện bị phát hiện vi phạm thông qua hệ thống hình ảnh lên đến 25-30 trường hợp.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cho biết việc gắn camera giám sát mang lại rất nhiều hiệu quả nên cần được nhân rộng.
Mang lại nhiều lợi ích
Đề cập hiệu quả sử dụng camera giám sát phương tiện vi phạm, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định công nghệ này phát hiện cả ô tô, mô tô, xe máy vi phạm cả ngày và đêm với độ chính xác cao. Mức độ chính xác ban ngày trên 95%, ban đêm trên 90%. Thông tin xử lý vi phạm có đầy đủ hình ảnh và video ghi lại, làm bằng chứng xác thực để xử lý.
Với hiệu quả như vậy, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng việc lắp camera “phạt nguội” trên đường cao tốc sẽ góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân; từng bước hoàn thiện việc đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, giảm bớt sự có mặt của CSGT trên đường nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình trật tự an toàn giao thông. “Dự án thí điểm ở cả 2 tuyến cao tốc cũng là tiền đề và căn cứ để Bộ Giao thông Vận tải xem xét việc tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống kiểm soát giao thông trên những tuyến cao tốc khác” - ông Huyện nhấn mạnh.
Lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng khẳng định nếu lắp được camera nhiều trên đường phố, chắc chắn ý thức của người tham gia giao thông sẽ nâng lên rõ rệt.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, khẳng định ông rất ủng hộ cơ quan quản lý sử dụng hệ thống giám sát giao thông thông minh, trong đó có việc lắp camera để theo dõi trật tự an toàn giao thông cũng như để “phạt nguội” người vi phạm. Việc “phạt nguội”, nhiều nước trên thế giới đã làm từ lâu và rất hiệu quả. Việt Nam cũng cần nhân rộng hình thức này. Tuy nhiên, ông Sanh băn khoăn việc xử lý vi phạm bằng hình thức “phạt nguội” không dễ dàng, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, khi tình trạng xe không chính chủ, xe dùng biển số giả và xe từ các tỉnh, thành khác đến rất nhiều. Do đó, cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm để việc nhân rộng tới đây đạt hiệu quả hơn.
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM, đánh giá camera giám sát vi phạm giao thông là cánh tay đắc lực cho CSGT trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Từ đầu năm đến nay, đã có 20.000 người bị “phạt nguội” do vi phạm giao thông. Hầu hết những người vi phạm đều tuân thủ theo quy định pháp luật, hiệu quả xử phạt cao.
Về đề xuất mời tư nhân lắp đặt camera, một cán bộ Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn cho rằng nên áp dụng vì cách làm như vậy sẽ giảm bớt ngân sách, nhân lực. Theo cán bộ này, 2 tuyến cao tốc TP HCM-Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã trang bị hệ thống camera giám sát nên không cần mời tư nhân tham gia. Do đó, TP nên cho đấu thầu lắp đặt camera giao thông thực hiện tại các tuyến đường trên địa bàn; nơi xảy ra kẹt xe; nơi người lưu thông thường vi phạm các lỗi vượt đèn đỏ, không bật đèn tín hiệu, lưu thông trên vỉa hè... Số tiền xử phạt từ “phạt nguội” sẽ trích phần trăm cho đơn vị đầu tư cho đến khi hoàn vốn, như vậy nhà nước được lợi mà hiệu quả xử phạt vi phạm giao thông cũng được tăng cao.
Nguyễn Văn
Bình luận (0)