Bị chi phối bởi yếu tố truyền thống
Tuy vậy, cho đến nay, Luật Nhân quyền Quốc tế dường như chưa thể được vận dụng để bảo vệ quyền kết hôn của những người đồng tính, cho dù Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1966, Việt Nam trở thành thành viên từ năm 1982) bảo vệ quyền kết hôn của mọi người tại điều 23 (gia đình là một tế bào cơ bản của xã hội, cần phải được Nhà nước và xã hội bảo hộ; quyền kết hôn và lập gia đình của nam và nữ đến tuổi kết hôn phải được thừa nhận).
Ủy ban Nhân quyền - cơ quan có thẩm quyền giám sát việc thực thi ICCPR - rất dè dặt khi đề cập về hôn nhân đồng tính. Trong một vụ khiếu nại vào năm 1999, nguyên đơn là 4 nữ công dân khởi kiện New Zealand vì cho rằng luật chỉ cho phép những người khác giới kết hôn là vi phạm quyền kết hôn của họ. Ủy ban đã bác đơn khiếu nại vì lập luận: Quy định tại điều 23 là “nam và nữ” có quyền kết hôn, chứ không phải là “mọi người” hay “mỗi người” như các điều khoản về các quyền khác hàm ý rằng công ước chỉ bảo vệ sự kết hợp giữa 2 người khác giới.
Ở cấp quốc gia, Luật Hôn nhân - Gia đình mang đậm dấu ấn của văn hóa và truyền thống, dân tộc. Ngành luật này chịu ảnh hưởng rất lớn từ truyền thống, tôn giáo, quan điểm về chức năng của gia đình, quan hệ vợ chồng, cha mẹ với con cái, cũng như quan niệm về tự do cá nhân… Ở góc độ này, việc hơn 10 quốc gia trên thế giới chấp nhận hôn nhân đồng tính là đã đi trước cả Luật Nhân quyền Quốc tế. Nhưng việc chưa có quốc gia nào trong số đó thuộc về châu Á phần nào phản ánh sự chậm thay đổi của các truyền thống Nho giáo (Hàn Quốc, Việt Nam…), Phật giáo (Thái Lan, Campuchia…) hay Hồi giáo (Indonesia, Pakistan…). Hầu hết các nước này trước khi công nhận thì đã chấp nhận, đồng thời đã có luật quy định về chung sống có đăng ký.
Sửa luật theo hướng cởi mở, tiến bộ hơn
Truyền thống văn hóa Việt Nam vốn đề cao chức năng duy trì nòi giống của gia đình, dòng tộc. Dẫu vậy, điều này đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều phụ nữ ngày nay đã chủ động lựa chọn cuộc sống đơn thân và mạnh mẽ tuyên bố đây là lối sống của mình. Xã hội dần chấp nhận những người nữ cá tính này. Bởi lẽ, nguyên tắc phổ quát là tự do cá nhân được tôn trọng chừng nào việc thực thi nó không xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người khác hay của cộng đồng. Vậy chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi: Hai người cùng giới tính yêu thương và chung sống với nhau có làm tổn hại đến những người xung quanh không? Về cơ bản là không.
Vậy những ngăn trở còn lại cơ bản là do những định kiến và thông tin, hiểu biết của xã hội về những người đồng tính. Những điều chúng ta chưa quen mắt, quen tai cần nhiều thời gian để có thể chấp nhận.
Nhưng thực tiễn rõ ràng là những người đồng tính, ước tính khoảng 3%-5% dân số, đang chịu nhiều thiệt thòi và kỳ thị. Ngoài vấn đề hôn nhân, không ít người đang bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, ngoài xã hội, trong khi là một cá nhân, họ có các quyền tự do, danh dự và sự riêng tư mà các chủ thể khác phải tôn trọng. Các cơ quan chức năng dường như chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nhóm xã hội yếu thế này.
Các cơ quan hữu trách và các cơ quan truyền thông hãy tích cực hơn trong việc phổ biến thông tin để cộng đồng hiểu rõ thêm về những người đồng tính. Việc tạo điều kiện cho các tổ chức của họ hình thành, có tiếng nói trong xã hội cũng rất quan trọng và hữu ích cho cộng đồng. |
Bình luận (0)