xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nóng bỏng đất rừng

CAO NGUYÊN - ĐÌNH THI

Rất nhiều dự án giao đất rừng cho công ty quản lý, nhưng kém hiệu quả; không chỉ rừng bị tàn phá thêm mà còn gây ra xung đột, thậm chí án mạng kinh hoàng

Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã ồ ạt giao đất, giao rừng cho các doanh nghiệp (DN) tư nhân để thực hiện các dự án khoanh nuôi bảo vệ, trồng cao su, cây ăn trái. Phần lớn các DN đã buông lỏng quản lý khiến hàng chục ngàn hecta rừng tự nhiên bị xóa sổ, đất bị xâm chiếm.

Đồng loạt xin trả

Theo đề xuất đã được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2009-2020, các tỉnh Tây Nguyên sẽ trồng mới 100.000 ha cao su. UBND các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển đổi hàng ngàn hecta rừng, đất rừng để trồng cao su. Đến năm 2015, diện tích rừng đã chuyển trồng cao su toàn vùng lên tới 164.000 ha, gấp 1,5 lần so với chủ trương cho phép. Nhiều cánh rừng giàu, xanh tốt bỗng nhiên bị xếp vào rừng nghèo kiệt để trồng cao su và giờ chỉ là bãi đất trống.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Nông cho thấy đến nay, toàn tỉnh đã giao, cho thuê 41 dự án với tổng diện tích hơn 31.000 ha cho các DN để khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cao su và các loại cây công nghiệp khác. Theo quyết định được phê duyệt, các DN phải quản lý, bảo vệ hơn 14.000 ha rừng, trồng rừng hơn 10.000 ha. Thế nhưng, sau ít năm giao cho DN, hiện có gần 5.000 ha rừng bị tàn phá. Việc trồng rừng được đánh giá không đạt hiệu quả, nhiều dự án không triển khai thực hiện.

Đối với Công ty TNHH Long Sơn - nơi vừa xảy ra vụ tranh chấp đất đai khiến 3 người chết, 16 người bị thương - được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê 1.079 ha đất lâm nghiệp tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để trồng cao su, trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Diện tích rừng trong khu vực dự án phải bảo vệ hơn 500 ha nhưng đến nay chỉ còn... 6 ha. Bên cạnh đó, do buông lỏng quản lý nên 979/1.079 ha đã bị người dân xâm chiếm.


Người dân chặt phá rừng thông để lấy đất canh tác ở tỉnh Gia Lai Ảnh: HOÀNG THANH

Người dân chặt phá rừng thông để lấy đất canh tác ở tỉnh Gia Lai Ảnh: HOÀNG THANH


Phần lớn diện tích rừng của tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty Hoàng Nguyễn ở huyện Ea H’leo bị tàn phá Ảnh: CAO NGUYÊN

Phần lớn diện tích rừng của tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty Hoàng Nguyễn ở huyện Ea H’leo bị tàn phá Ảnh: CAO NGUYÊN

Cũng tại Đắk Nông, sau khi được UBND tỉnh cho thuê 1.200 ha đất lâm nghiệp, Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt (huyện Đắk Song) được giao quản lý, bảo vệ hơn 993 ha rừng tự nhiên. Đến nay, công ty đã để 893,5 ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm, thiệt hại 145 tỉ đồng. Sau khi làm mất hơn 86% diện tích rừng được giao, công ty này đã gửi tờ trình đến UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị trả lại... rừng. Hiện còn nhiều DN khác sau khi “hoàn thành” việc phá rừng, đất bị xâm chiếm cũng xin được trả lại đất rừng.

Một số DN sau khi nhận đất rừng, cơ quan chức năng không liên hệ được. Điển hình, Công ty TNHH Thịnh An Khương (huyện Đắk G’long) năm 2008 được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 2.600 ha. Năm 2014, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện dự án nhưng không liên hệ được với chủ đầu tư. Qua tìm hiểu của sở, hiện nay, công ty không thực hiện dự án, toàn bộ diện tích dự án đã bị người dân lấn chiếm.

Bất hợp tác

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, các dự án ít quan tâm đến công tác bảo vệ rừng, lực lượng bảo vệ rừng còn hạn chế, buông lỏng quản lý bảo vệ rừng. Điều đáng nói, việc cho thuê đất, thuê rừng chỉ thu về được khoảng 6 tỉ đồng nhưng chỉ tính riêng 17 dự án với diện tích khoảng 2.600 ha rừng bị phá đã thiệt hại lên tới 272 tỉ đồng. Không chỉ vậy, phần lớn diện tích rừng bị phá đã bị người dân xâm chiếm trái phép.

Huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng được xem là “điểm nóng” phá rừng trái phép. Toàn huyện có 79.010 ha quy hoạch rừng và đất rừng (chiếm 54% tổng diện tích). Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý nên đang có đến hàng chục dự án tại các tiểu khu 444, 445, 460, 614, 524, 418, 375... để xảy ra tình trạng mất rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép.

Theo đó, các DN để xảy ra tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất rừng, gồm: Công ty Cổ phần Hà Phong, Công ty Nguyên liệu giấy Tân Mai, Công ty TNHH An Nguyễn, Công ty TNHH Nhựa Khang Thịnh, Công ty TNHH Minh Tú, Công ty TNHH Vĩnh Lộc và Công ty TNHH Vĩnh Tiến. Theo kết quả kiểm tra của UBND xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, các DN này đều không cung cấp được các phương án trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và các phương án thực hiện dự án mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt.

Phần lớn diện tích rừng và đất rừng do Công ty TNHH An Nguyễn quản lý đã bị người dân lấn chiếm trồng cà phê. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ diện tích đất rừng tại Công ty TNHH Vĩnh Lộc và Công ty TNHH Vĩnh Tiến đang bị 2 công ty đào xới trồng cà phê.

Ngoài ra, một số công ty nhận đất rừng giải tỏa xong nhưng không thực hiện dự án, để đất trống tạo điều kiện cho người dân lấn chiếm dẫn đến tranh chấp gây mất an ninh trật tự.

Theo ông Nguyễn Đình Gắn, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi, tình trạng khai phá và lấn chiếm đất rừng diễn ra ngày càng phức tạp tại một số công ty nhận giao khoán trồng, phục hồi và phát triển rừng nhưng không thực hiện theo đúng chức năng mới để rừng mất, đất đai bị tranh chấp khiến an ninh trật tự địa phương không ổn định. Trong tháng 9-2016, Ban Lâm nghiệp xã đã mời một số chủ dự án được giao rừng, đất rừng để làm rõ tình trạng khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép nhưng không có công ty nào hợp tác...

Yêu cầu bồi thường

Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết gần đây, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát lại các dự án giao đất, giao rừng cho DN. Tuy nhiên, sau vụ án mạng liên quan đến Công ty Long Sơn vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, đưa ra phương án xử lý. Theo đó, đối với những DN để mất đất, mất rừng, tỉnh sẽ thu hồi một phần hoặc toàn bộ dự án. Từ giá trị thiệt hại được thẩm định, tỉnh sẽ buộc DN phải bồi thường, sau đó tùy theo mức độ mà xem xét xử lý hình sự việc để mất rừng.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk cũng đã cho phép 90 DN khảo sát, lập 104 dự án đầu tư trồng rừng, trồng cao su và một số loại cây nông - lâm nghiệp khác. Tuy nhiên, rất nhiều dự án không hiệu quả, trong khi rừng được giao quản lý thì bị tàn phá nghiêm trọng. Điều đáng nói là nhiều diện tích giao cho DN là rừng khộp, đất đai cằn cỗi rất khó tái tạo rừng nên nguy cơ trở thành... “sa mạc”. Tháng 7-2009, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định cho Công ty TNHH Hoàng Nguyễn thuê 438 ha đất lâm nghiệp (chủ yếu là rừng khộp) tại huyện Ea H’leo để trồng cao su và khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng. Hiện phần lớn diện tích rừng đã bị tàn phá, đang đứng trước nguy cơ biến thành vùng trắng.

Thủy điện chậm trồng rừng thay thế

Theo Bộ NN-PTNT, các tỉnh Tây Nguyên phải trồng rừng thay thế là 21.879 ha. Trong đó, trồng thay thế do chuyển sang làm thủy điện là 8.764 ha, chuyển sang mục đích kinh doanh 930 ha, mục đích công cộng là hơn 12.000 ha. Thế nhưng, đến giữa năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên chỉ mới trồng được 4.860 ha.

Tại tỉnh Đắk Nông, các dự án thủy điện phải trồng rừng thay thế 1.000 ha nhưng chỉ trồng được hơn 100 ha. Việc trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện ở tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ mới thực hiện được gần 200 ha trong khi kế hoạch phải trồng mới là 1.200 ha.C.Nguyên

Dân tranh chấp đất với công ty lâm nghiệp

Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cùng chính quyền địa phương phát hiện tại Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Ya Hội có 771/1.300 ha đã bị người dân lấn chiếm, trong đó diện tích đất có rừng là 181 ha. Tại BQL rừng phòng hộ Bắc An Khê có hơn 72 ha đất rừng phòng hộ nhưng giờ không còn một bóng cây; hơn 1.190 ha đất rừng sản xuất bị người dân lấn chiếm. Nguyên nhân mất rừng là do chủ rừng buông lỏng quản lý.

Tại BQL rừng phòng hộ Đắk Đoa, người dân lén lút vào chặt phá, ken cây ở các khu vực rừng thông trồng. Nhiều khu vực, người dân xâm chiếm đất rừng đã trồng hồ tiêu, cà phê, chanh dây mọc lên xanh tốt, thậm chí kéo dây điện, đào giếng. Theo kết quả kiểm tra năm 2014 của UBND huyện Mang Yang, người dân phá rừng thông, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở tiểu khu 496, 499 với diện tích 129,3 ha, có 204 thửa đất bị chiếm và được phân chia.

Ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng Phòng Quy hoạch - Đo đạc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, cho biết trước tình trạng người dân tranh chấp đất với các công ty lâm nghiệp, các loại đất phân định không rõ ràng, đơn vị đang đo đạc để phân định rõ các loại đất. Về chuyện dân lấn chiếm đất của các lâm trường, ông Thư thừa nhận có nhưng không nhiều (!?). “Trước đây là khoanh bao nên có nhiều phần đất người dân đã canh tác nhưng khi các lâm trường thành lập sau vẫn giao đất diện tích này. Bây giờ, tiến hành đo lại là tách bạch từng loại đất để quản lý” - ông Thư nói và cho biết sở dĩ trước đây đo khoanh có nhiều bất cập là vì thiếu kinh phí.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo