Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ông Nguyễn Xuân Cường, là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn vào sáng 13-6. Hàng loạt vấn đề nóng về nông nghiệp và nông dân đã được thẳng thắn đề cập.
"Trông chờ cả hệ thống..." (!)
Là một trong số rất nhiều người chất vấn về những tồn tại của ngành chăn nuôi heo, đại biểu (ĐB) Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) hỏi: "Căn cứ vào đâu Bộ NN-PTNT quy hoạch ngành chăn nuôi với tổng đàn lợn năm 2015 là 32 triệu con nhưng trong năm 2016 mới đạt 29 triệu con mà đã dư thừa, lỗ nặng? Đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình?".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết nguyên nhân chính là tăng trưởng của ngành chăn nuôi quá nhanh trong thời gian ngắn, thịt các loại đã tăng từ 3,4 lên 5,6 triệu tấn. Thứ hai là tổ chức ngành hàng chưa tốt, có tới 3 triệu hộ chăn nuôi và cần phải "co" lại để tổ chức tốt hơn. "Cho đến lúc này khâu liên kết chỉ làm được 20%, còn lại là rất kém, các doanh nghiệp (DN) chế biến sâu rất ít. 90% là tiêu thụ theo kiểu truyền thống. Trong 3 khâu sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường thì hai khâu sau rất yếu" - ông Cường thừa nhận.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp QH vào ngày 13-6 Ảnh: NGUYỄN NAM
Cùng chia sẻ tâm tư với nông dân, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu thực tế nông dân Việt Nam rất chăm chỉ, cần cù nhưng cuộc sống vẫn rất vất vả. Bà Tâm hỏi thẳng: "Bộ trưởng có biết nông dân đang nghĩ gì về trách nhiệm của bộ trưởng? Đang mong muốn bộ trưởng làm gì để thể hiện trách nhiệm của mình?". Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đáp: "Nông dân không chỉ trông chờ mỗi bộ trưởng mà họ trông chờ cả hệ thống. Nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc thì "xã hội cũng sẽ xúm vào làm hết sức mình" và các vấn đề sẽ sớm được giải quyết".
Không đồng ý, ĐB Quyết Tâm cho rằng Quốc hội (QH) chất vấn bộ trưởng thì bộ trưởng phải trả lời về trách nhiệm của mình chứ không phải đặt vấn đề cho cả hệ thống chính trị. "Tôi gặp rất nhiều nông dân và có cảm nhận là chúng ta đang ứng xử với nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn rất nhiều lúng túng, theo kiểu cái gì dễ thì làm, cái gì khó thì chưa có giải pháp tập trung, đột phá. Chúng ta phải thấy đó là điều rất trăn trở và tôn trọng nông dân. Tôi xem truyền hình thấy có thứ trưởng Bộ NN-PTNT trả lời rằng sản phẩm dư thừa là do nông dân cứ thấy cái gì lợi là làm. Trả lời như vậy là thiếu trách nhiệm" - ĐB Tâm bày tỏ.
Trả lời chưa thấu đáo vụ tàu vỏ thép bị hỏng
ĐB Đặng Hoài Tân (Bình Định) đặt vấn đề nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi mới đóng đã hỏng, có những tàu phải nằm bờ, để lại nhiều hệ lụy xấu, đặc biệt nghiêm trọng là ảnh hưởng đến chính sách lớn của Đảng, nhà nước và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết về đội tàu đánh bắt xa bờ, các bộ ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản thực hiện. Đến giờ này đã đóng được 666 tàu, trong đó có 297 tàu sắt công suất lớn, phục vụ đánh bắt xa bờ. "Nhìn chung các chuyến ra khơi, theo bà con nhận xét, các tỉnh báo cáo về là phát huy được hiệu quả, bảo đảm an toàn" - Bộ trưởng Cường khẳng định và dẫn chứng ngư dân ở Nam Định, Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu đều báo về là làm ăn có lãi khi có tàu mới.
"Tuy nhiên, đã xuất hiện có tàu hư hỏng ở Bình Định, Phú Yên. Khi phát hiện, bộ đã ra văn bản yêu cầu các địa phương rà soát lại. Bình Định đã mời ngư dân và 2 đơn vị đóng tàu đối chất, làm rõ vấn đề. Về 19 tàu bị hỏng ở Bình Định do Công ty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu đóng, bộ đã yêu cầu 2 công ty này không được đóng mới, nếu tàu hỏng máy thì phải thay máy mới, hỏng sắt thì phải đóng lại sắt đúng chủng loại…" - Bộ trưởng cho biết thêm.
Theo "tư lệnh" ngành nông nghiệp, địa phương cũng đã thành lập cơ quan thẩm định độc lập, cả chuyên gia độc lập, đánh giá xem nguyên nhân cụ thể làm 19 tàu bị hỏng. Tỉnh cũng đã mời công an vào cuộc và khi có kết quả, bộ sẽ có các phương án tiếp theo.
Bấm nút tranh luận lại, ĐB Đặng Hoài Tân hỏi rõ: "Địa phương đang làm những việc bộ chỉ đạo rồi nhưng các doanh nghiệp đóng tàu là do bộ giới thiệu cho địa phương. Vậy trách nhiệm của bộ ở đâu?". Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định sau khi có kết luận về nguyên nhân cụ thể thì sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm.
Quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Được yêu cầu giải trình thêm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nguyên nhân của việc ngành nông nghiệp thời gian qua sức cạnh tranh còn thấp là chất lượng quy hoạch, sản xuất không gắn với nhu cầu của thị trường; khâu tổ chức sản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô chủ yếu là kinh tế hộ gia đình…
"Chúng ta xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, khi họ hạn chế nhập khẩu thì như một cái phanh, chúng ta bị ùn ứ lại" - Phó Thủ tướng nêu và nhấn mạnh giải pháp là hình thành các vùng sản xuất lớn, gắn với thị trường trong nước, quốc tế và gắn với xây dựng thương hiệu.
Bình luận (0)