Năm 2015, Bộ Tư pháp đã kiểm tra gần 2.400 văn bản và phát hiện 48 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, hiệu lực, hình thức (trong đó có 19 văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ và 29 văn bản của địa phương); 459 văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật. Đến năm 2016, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) - Bộ Tư pháp kiểm tra hơn 3.000 văn bản QPPL, phát hiện 124 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.
Đã kịp “vào cuộc sống”
Trong số các văn bản bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” năm 2016, đáng chú ý nhất là Thông tư số 58/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó có quy định bắt buộc người dân đổi giấy phép lái xe (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) từ bìa giấy sang vật liệu PET vì không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất, cũng như tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Người dân Hà Nội đổ xô đổi giấy phép lái xe do Thông tư số 58/2015 của Bộ Giao thông Vận tải
Cuối năm 2016, Cục Kiểm tra văn bản QPPL cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh hủy bỏ 2 quyết định về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long vì trái pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp. Đó là Quyết định số 4088/2015 về việc ban hành Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Quyết định số 3625/2015 về việc tạm dừng việc đóng mới thay thế tàu vỏ gỗ hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.
Theo quy định hiện hành của Luật Ban hành văn bản QPPL, sau khi văn bản được ban hành, trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan ban hành văn bản phải gửi văn bản đó đến cơ quan kiểm tra văn bản để kiểm tra. Tuy nhiên, việc chấp hành quy định này của một số cơ quan, đơn vị thời gian qua còn chưa nghiêm nên dẫn tới có một số văn bản trái luật đã kịp “vào cuộc sống” trước khi bị “tuýt còi”.
Còn sợ đụng chạm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 15-4, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp, cho biết trung bình mỗi năm, đơn vị kiểm tra khoảng 3.000 - 4.000 văn bản QPPL. Việc phát hiện những văn bản không phù hợp, kịp thời ngăn chặn góp phần hạn chế được những tác động tiêu cực đến xã hội, người dân.
Tuy nhiên, ông Đồng Ngọc Ba cũng thừa nhận vẫn còn những văn bản trái pháp luật chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa thực sự quyết liệt đôn đốc để cơ quan ban hành văn bản xử lý trước khi văn bản có hiệu lực.
Lý giải nguyên nhân của việc này, ông Đồng Ngọc Ba cho rằng do hệ thống cơ quan kiểm tra văn bản của cả nước (tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện) chưa kiểm soát được đầy đủ, toàn diện và kịp thời về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản do các bộ, ngành, địa phương ngay sau khi ban hành.
“Một phần vì số lượng văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều; mặt khác, kiểm tra văn bản có thể đụng chạm lợi ích nhiều ngành, nhiều cấp; về nghiệp vụ chuyên môn phải rất thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm tính chính xác, khách quan” - ông Ba nhận định.
Bên cạnh đó, công tác xử lý văn bản trái pháp luật trong một số trường hợp chưa kịp thời, có trường hợp phát sinh hậu quả. Đáng chú ý, việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Vì vậy, cần kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật, nhất là những trường hợp nội dung văn bản trái pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, môi trường đầu tư kinh doanh, lợi ích của nhà nước và xã hội. “Việc xử lý văn bản trái pháp luật cần được thực hiện trước khi quy định phát sinh hậu quả, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp” - ông Ba nhấn mạnh.
Ông Đồng Ngọc Ba cho biết thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tập trung kiểm tra các văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao; ưu tiên kiểm tra văn bản gắn với giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Lĩnh vực kiểm tra sẽ tập trung vào bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp…
Sẽ yêu cầu Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai báo cáo
Liên quan tới việc UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản cấm cán bộ, nhân viên quay phim, chụp hình, ghi âm nội dung các cuộc họp, hội nghị, ông Đồng Ngọc Ba cho biết Cục Kiểm tra văn bản QPPL chưa tiếp cận nhưng qua báo chí đã nắm được. “Về nguyên tắc, đối với những văn bản của cấp huyện thì thẩm quyền kiểm tra, xử lý là chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và giám đốc Sở Tư pháp tỉnh phải có trách nhiệm kiểm tra. Đầu tuần này, chúng tôi sẽ kiểm tra văn bản và yêu cầu Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai báo cáo” - ông Ba cho biết.
Bình luận (0)