Đại diện Bến xe Miền Đông cho biết vì lượng khách đổ về bến quá đông nên nơi đây đã huy động hơn 3.600 đầu xe để phục vụ.
Tất bật tìm vé
Tối 3-2 (tức 25 tháng chạp), anh Trần Văn Hùng (quê Hà Tĩnh) ra Bến xe Miền Đông để mua vé về quê cùng gia đình. Sau khi liên hệ với nhân viên một số quầy tìm vé giường nằm của các hãng xe Mai Linh, Phương Trang... nhưng đều được trả lời hết vé, anh Hùng quyết định mua vé ngồi để về Hà Tĩnh với giá 1 triệu đồng/vé. “Trước đây, tôi đã mua vé tàu nhưng vì nghỉ muộn nên tính không về và trả lại. Nay gia đình điện vào giục về nên mới rơi vào cảnh này” - anh Hùng than.
Theo ghi nhận tại khu vực Bến xe Miền Đông vào sáng 4-2, lượng khách đổ về đây tăng đột biến, nhiều người ngồi bệt dưới sân chờ xe. Ngoài những hành khách đã đặt mua vé từ trước cũng có không ít người chủ quan nên không mua được vé như mong muốn. Do không mua được vé giường nằm của các hãng xe có uy tín, họ phải mua vé ngồi hoặc vé tăng cường. Được biết, hiện Bến xe Miền Đông có 217 doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động, các hãng này đều đã tăng cường tối đa xe để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Ngoài ra, bến xe đã chuẩn bị thêm 60 xe buýt để giải tỏa hành khách. Do người dân ồ ạt đổ về Bến xe Miền Đông nên một số tuyến đường lân cận như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Quốc lộ 13 bị ùn tắc, nhất là giờ cao điểm. Tại khu vực Bến xe An Sương, Bến xe Ngã Tư Ga, trong 2 ngày qua, lượng hành khách đón xe về quê cũng tăng cao.
Nâng giá vé sai quy định
Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết đây là thời điểm người dân đổ về bến để mua vé, đón xe đông nhất trong năm. Mặt khác, do nhu cầu đi lại của người dân ngày càng cao nên lượng vé giường nằm của các hãng hầu như đã bán hết. Chỉ tính riêng ngày 1-2 (23 tháng chạp), lượng khách về bến đã lên con số hơn 23.000 lượt/ngày. Đến ngày 2-2 (24 tháng chạp) tăng lên 43.000-44.000 lượt/ngày. Lượng khách năm nay đông nhất vào các ngày 4 và 5-2 (26 và 27 tháng chạp) với khoảng 50.000 lượt/ngày. Theo ông Hải, mặc dù Bến xe Miền Đông có hơn 90% doanh nghiệp chạy tuyến các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Đông, Tây Nguyên đã đầu tư xe giường nằm nhưng do nhu cầu của người dân ngày càng cao nên vẫn chưa đáp ứng đủ. “Để đáp ứng nhu cầu này, một số hãng thuê xe hợp đồng du lịch rồi đưa vào bến phục vụ hành khách nhưng chủ yếu là xe ghế ngồi” - ông Hải thông tin.
Đại diện Bến xe Miền Tây cho biết nơi đây đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP HCM cấp 500 phù hiệu xe tăng cường để giải tỏa khách. “Trong ngày 7-2 (29 tháng chạp), bến sẽ tổ chức 2 chuyến xe “vét” để đón những hành khách cuối cùng” - đại diện Bến xe Miền Tây nói.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Thượng Thanh Hải xác nhận có hiện tượng một số hãng xe bán vé với giá sai quy định so với niêm yết. Ban Quản lý Bến xe Miền Đông đang làm việc với các hãng, yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng này, đồng thời trả lại số tiền đã thu sai quy định cho hành khách. “Chúng tôi sẽ cáo với Sở Tài chính để xử lý các hãng xe bán vé sai quy định, đồng thời khuyến cáo hành khách trước khi mua vé nên xem xét kỹ giá niêm yết có đóng dấu đỏ của cơ quan chức năng. Trong trường hợp phát hiện giá vé sai quy định thì thông báo với ban quản lý để xử lý” - ông Hải nói.
Xe “dù”, bến “cóc” bắt đầu rầm rộ
Trong 2 ngày 3 và 4-2, lượng khách đổ về các tỉnh miền Bắc, miền Trung tăng đột biến nên tình trạng xe “dù”, bến “cóc” đã tái xuất. Theo ghi nhận tại các tuyến đường xung quanh Bến xe Miền Đông, Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức); Quốc lộ 1 đoạn từ ngã tư An Sương (quận 12) đến ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức)…, xe “dù” bắt khách dọc đường diễn ra khá rầm rộ. Trong đó, tại Trạm xăng Thanh Bình 1 trên Quốc lộ 1 (phường Tam Bình, quận Thủ Đức), mỗi ngày có hàng chục xe tấp vào đổ xăng để đón khách…
Bình luận (0)