Từ nhiều năm nay, người dân xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An phải đóng rất nhiều loại quỹ, phí do thôn và xã đưa ra. Bức xúc, người dân nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện.
Gánh hơn 20 loại quỹ
Người dân ở xã Nghi Thái từ nhiều năm nay đã rất khổ sở với các loại quỹ, phí từ UBND xã ấn xuống. Cụ thể, năm 2016, người dân xóm Thái Sơn phải đóng 23 loại quỹ, phí. Trong đó, UBND xã thu 12 loại, như: quỹ thú y, xây dựng cơ sở hạ tầng, vì người nghèo, chất độc da cam, văn hóa - xã hội, phụng dưỡng người già, phòng chống bão lụt, bảo trợ trẻ em... Còn “lãnh đạo” xóm Thái Sơn thu 11 khoản, như: quỹ dân sinh kinh tế, quỹ khuyến học, quỹ an ninh xóm, quỹ giao thông thủy lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng...
Không kìm nổi bức xúc, ông Lê Thanh L. (ngụ xóm Thái Sơn) cho biết năm nào cán bộ xã cũng đưa ra rất nhiều khoản thu rồi bắt dân phải đóng. Nhà ông có 4 người, mỗi năm phải đóng từ 1,5-2 triệu đồng, nhiều hộ khác phải đóng tới 3 hoặc 4 triệu đồng. “Có nhiều khoản thu rất vô lý như hộ nào nuôi bò mỗi năm phải đóng cho xã 33.000 đồng/con. Bò bị bệnh gọi thú y tiêm thuốc thì người dân phải trả tiền, không biết đây là khoản thu gì” - ông L. ngao ngán.
Người dân xóm Thái Học, xã Nghi Thái cũng “nổi da gà” với hàng chục khoản thu vô tội vạ. Ông Vương Đình Dũng (SN 1967, ngụ xóm Thái Học) bị tật cả hai chân đi không vững, ở trong căn nhà lụp xụp cũng không thoát khỏi những khoản thu bắt buộc do địa phương đưa ra.
“Tôi bị tàn tật từ nhỏ, nhiều năm nay đau ốm thường xuyên. Cách đây 2 năm, vợ tôi mất để lại một con trai nhỏ. Nhà quá nghèo, sức khỏe tôi quá kém không làm ăn gì được nên sống nhờ vào sự giúp đỡ của anh em và bà con làng xóm. Thế nhưng năm nào cán bộ xóm, xã cũng bắt đóng rất nhiều loại quỹ, phí” - ông Dũng nói rồi đưa ra một mớ giấy tờ ghi lại các khoản quỹ, phí hằng năm phải nộp. Theo đó, năm 2016, hai cha con người đàn ông tàn tật này phải đóng hơn 800.000 đồng cho các loại quỹ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều xóm của xã Nghi Thái, người dân một năm phải đóng rất nhiều khoản thu. Nhà ít cũng mất khoảng 1,5-2 triệu đồng, nhà đông người phải đóng 2-3 triệu đồng/năm. Có nhiều loại quỹ, xã đã thu nhưng xóm vẫn tiếp tục thu. Cụ thể như quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng năm 2016, một nhân khẩu phải đóng 200.000 đồng cho UBND xã và cán bộ xóm thu thêm 300.000 đồng/khẩu. Trước đó, năm 2014 cũng loại quỹ này, một nhân khẩu phải đóng cho UBND xã tới 400.000 đồng.
Điều rất bức xúc là nếu không đóng các loại quỹ do xã “đẻ” ra, khi người dân cần chứng thực các loại giấy tờ thì UBND xã không đồng ý. Bởi vậy dù khó khăn đến đâu, người dân cũng phải vay mượn để đóng đầy đủ. “Mỗi lần ra xã xin đóng dấu hay chứng thực giấy tờ, họ đều kiểm tra mình đã đóng các loại quỹ, phí chưa. Nếu chưa đóng thì đừng mong họ chứng” - một người dân ở xã Nghi Thái bất bình.
Nghèo cũng không thoát
Còn tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, theo thông báo của thôn Phúc Thọ và Thành Liên, 6 tháng đầu năm 2016, người dân phải đóng gần 20 khoản thu. Trong đó, thu theo quy định chỉ có 2 loại quỹ, còn lại hầu hết là do UBND xã, các đoàn thể và thôn tự vẽ ra để tận thu.
Cụ thể: Hợp tác xã nông nghiệp có 2 khoản gồm: thu theo nghị quyết đại hội xã viên 32.500 đồng/sào ruộng; phí thủy nông nội đồng 11.250 đồng/sào. UBND xã thu quỹ kênh mương 32.500 đồng/sào; quỹ đầu tư công và phát triển sản xuất 40.000 đồng/khẩu; quỹ an ninh - quốc phòng 40.000 đồng/hộ; quỹ phòng chống thiên tai 15.000 đồng/lao động. Ngoài ra, UBND xã còn thu hộ giùm các tổ chức xã hội, gồm: quỹ đền ơn đáp nghĩa 15.000 đồng/lao động; quỹ chăm sóc trẻ em, người cao tuổi 6.500 đồng/khẩu; quỹ khuyến học xã 6.500 đồng/khẩu; quỹ tổ an ninh xã hội 6.000 đồng/hộ. Các khoản thu tại làng (thôn, xóm), gồm: quỹ làng 6,5 kg lúa/lao động; quỹ văn hóa làng 5 kg/khẩu; quỹ an ninh xã hội 2 kg/hộ, quỹ bảo vệ thủy lợi 5 kg/sào, quỹ thiếu niên nhi đồng 1 kg/hộ...
Hộ gia đình anh H. (ngụ xã Trường Sơn) cho biết nhà có 4 khẩu, mẹ anh đã già và tàn tật. Nhà nghèo quá nên anh đành để vợ, con về ngoại sống để khỏi phải đóng những khoản thu mà thôn, xã đưa ra. “Theo thông báo, 2 vụ trong năm nay, gia đình tôi có 2 nhân khẩu phải đóng 2,7 triệu đồng. Mẹ tôi là người tàn tật, ở xã được miễn nhưng ở làng thì không. Bà con ở làng họ than đóng góp nhiều quá nhưng ai cũng ngại nên không dám phản đối” - anh H. cho hay. Cũng theo anh H., gia đình anh có vài sào ruộng, vợ chồng không có công việc ổn định nên rất khó khăn. Sau mỗi vụ mùa, anh phải đi đây đó kiếm thêm việc làm.
Chung tình trạng như huyện Nông Cống, một số xã của huyện Hậu Lộc cũng “vẽ” ra nhiều loại quỹ để bắt dân đóng nhưng luôn rêu rao là “trên tinh thần tự nguyện”. Thông báo đóng tiền gửi xuống tận từng nhà người dân. Nào là quỹ thiếu niên, bóng đá 30.000 đồng/khẩu/năm; phúc lợi xã hội 20.000 đồng/khẩu/năm; quỹ thôn làng văn hóa 20.000 đồng/khẩu/năm... Nói là tự nguyện nhưng đố ai không đóng bởi khi đi chứng giấy tờ thì bị làm khó đủ điều.
Nhỏ không tha, già không thương
Ngoài phải đóng hàng loạt khoản thu, trẻ mới lọt lòng đến người già không còn sức lao động tại thôn Phúc Thọ, Yên Minh của xã Trường Sơn còn phải “gánh” thêm khoản tiền xây nghĩa trang. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, thôn Yên Minh và Phúc Thọ xây nghĩa trang và tạm thu mỗi nhân khẩu 150.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Tình, Trưởng làng Phúc Thọ, cho biết: “Số tiền trên chỉ là tạm thu. Sau này khi xây dựng xong còn phải cân đối lại, nếu thiếu sẽ đóng tiếp. Người già, cao tuổi thì đóng theo khả năng, nếu trẻ nhỏ không đóng thì bố mẹ sẽ phải đóng với mức cao hơn”.
Kỳ tới: Đủ kiểu tận thu
Bình luận (0)