Bức xúc về việc UBND xã Diễn Hạnh (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đặt ra nhiều khoản thu vô lý, không minh bạch, mới đây gần 100 hộ dân nghèo của xã này đã đồng thuận ký tên vào đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ các khoản thu này từ năm 2011 tới nay.
Thu 5 năm nhưng huyện không biết
Ông Phạm Công Định (ngụ xã Diễn Hạnh) bức xúc: “Làm đường, xây dựng nhà văn hóa mà bắt chúng tôi đóng 900.000 đồng/nhân khẩu tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng là vô lý. Nhà ít người còn đỡ, nhà nhiều người phải đóng tới 6-7 triệu đồng thì đào đâu ra tiền nạp cho xã”. Trả lời cho những bức xúc trên, ông Tăng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Diễn Hạnh, nói: “Xã đã mời các hộ dân có ý kiến phản đối để tìm hiểu nguyện vọng của bà con. Thời gian tới, những khoản đóng góp nào người dân không đồng tình thì sẽ bỏ”.
Ông Vương Đình Dũng (ngụ xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; bên phải) trình bày bức xúc trước những khoản lạm thu của địa phương Ảnh: NGỌC ĐỨC
Liên quan đến vấn đề người dân xã Nghi Thái phản ánh một năm phải đóng hơn 20 loại quỹ, phí và nhiều khoản thu khác, phóng viên Báo Người Lao Động đã có buổi làm việc với đại diện UBND huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Nghi Lộc, tỏ ra rất bất ngờ trước việc UBND xã Nghi Thái thu tiền của người dân nhiều đến vậy. Ông Hải cho đây là trường hợp cá biệt, chứ trên địa bàn huyện không có xã nào thu nhiều như thế. “Đến giờ huyện mới nắm được thông tin. Huyện sẽ lập đoàn kiểm tra làm rõ việc thu các loại quỹ, phí tại xã Nghi Thái. Cụ thể sẽ làm rõ các vấn đề như cơ sở pháp lý của việc đưa ra khoản thu trên; sau khi thu sẽ chi các khoản tiền trên như thế nào để có kết luận trả lời cho người dân rõ” - ông Hải nói.
Cũng liên quan đến vấn đề lạm thu ở xã Nghi Thái, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, cho biết: UBND huyện Nghi Lộc đã nhận một số đơn thư của người dân xã Nghi Thái về các khoản thu. UBND huyện sẽ cho kiểm tra, xác minh các khoản thu của xóm, xã có đúng quy định hay không.
Xã Nghi Thái đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014. UBND xã đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hoành tráng để chạy theo chuẩn nông thôn mới, trong đó có nhà văn hóa cộng đồng xã. Những công trình này đã làm xã cạn tiền nên nợ các nhà thầu xây dựng cả chục tỉ đồng. UBND xã đã có “sáng kiến” thu các khoản ngoài quy định để trả nợ.
Ông Nguyễn Văn Lợi (ngụ xóm Thái Học, xã Nghi Thái) bức xúc: “Lúc thì bảo nợ trên 20 tỉ, lúc thì hơn 10 tỉ tiền xây dựng nông thôn mới. Người dân chúng tôi rất muốn biết cụ thể bây giờ xã còn nợ bao nhiêu tiền, lúc nào thì chúng tôi mới hết cái cảnh hằng năm phải è cổ ra đóng góp tiền cho xã trả nợ”.
Người dân đồng thuận (?!)
Mặc dù mấy năm trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều văn bản chấn chỉnh, xóa bỏ nhiều khoản thu vô lý để giảm bớt sức đóng góp của người dân. Tỉnh Thanh Hóa cũng có nhiều chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này nhưng tại nhiều vùng quê, nhiều loại phí vẫn được vẽ ra để buộc người dân đóng góp trên tinh thần “tự nguyện”.
Theo báo cáo của UBND huyện Nông Cống, tại thôn Thành Liên, xã Trường Sơn thu 8 loại quỹ. Việc thu này do cấp thôn chủ trương để có thêm tiền hỗ trợ hoạt động cho 5 đoàn thể tại đây. Lý giải về các khoản thu này, ông Nguyễn Trọng Chính, Bí thư Chi bộ thôn Thành Liên, cho rằng tất cả khoản đóng góp trên đều được thông qua nghị quyết của thôn và được các cử tri đồng tình ủng hộ, nhất trí cao. “17 năm tham gia hội đồng của thôn, tôi chưa thấy ai phản đối bao giờ vì những việc làm của chúng tôi rất thiết thực!” - ông Chính quả quyết.
Còn ông Lê Đức Thuận, Phó Phòng Tài chính huyện Nông Cống, cho rằng các khoản thu của thôn như thế là nhiều. Theo quy định hiện hành, chỉ cần hơn 50% người dân đồng thuận thì được chấp nhận thông qua. Tuy nhiên, cần phải xem xét thu như thế có quá sức dân hay không.
Khẳng định về vấn đề này, ông Lê Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, chỉ đạo UBND xã Trường Sơn phải có văn bản giải trình, trên cơ sở đó huyện xem xét đúng sai thế nào để đưa ra hình thức xử lý tập thể, cá nhân liên quan. “Trường Sơn là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện. Việc huy động sức dân là rất cần thiết, thế nhưng kêu gọi đóng góp phải thực hiện đúng mục đích, dân chủ, được nhân dân đồng tình, tránh tình trạng quá sức của người dân” - ông Hùng nói.
Trước việc người dân phản ánh nhiều khoản thu vô lý ở các thôn của xã Minh Lộc, UBND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cũng đã vào cuộc xác minh và yêu cầu địa phương trả lại 2 khoản thu cho người dân là quỹ “hoạt động hội trại thanh thiếu niên hằng năm” và “quỹ hội nghị thôn”. UBND huyện Hậu Lộc cũng yêu cầu dừng ngay việc vận động đóng góp đối với trẻ em dưới 6 tuổi; kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc thu các quỹ không đúng quy định.
Kiểm tra toàn bộ các khoản thu quỹ, phí
Trước những phản ánh của người dân phải đóng quá nhiều các khoản quỹ, phí, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đã chỉ đạo UBND huyện Nghi Lộc tiến hành kiểm tra việc thu nhiều loại quỹ, phí ở xã Nghi Thái. Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, huyện sẽ lập đoàn tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ việc thu các loại quỹ, phí trên địa bàn huyện.
Bình luận (0)