* Phóng viên: Thưa ông, trước những thông tin trái chiều của các nhân chứng, quá trình thanh tra đã được tiến hành như thế nào?
- Ông Lại Xuân Thanh: Từ ngày 26-4 đến 9-5, Thanh tra Hàng không đã làm việc trực tiếp với các nhân chứng, tiếp viên, nhân viên an ninh hàng không, nhân viên mặt đất liên quan trực tiếp đến chuyến bay VN1169.
Nhóm điều tra đã tổ chức cuộc đối chất giữa một số tiếp viên với các nhân viên mặt đất tại Đà Nẵng của Vietnam Airlines (VNA); tổ chức thực nghiệm trên khoang máy bay Boeing 777-200ER về giai đoạn áp giải hành khách Lê Minh Khương xuống máy bay. Tổng cộng có 27 nhân chứng cung cấp thông tin.
Vụ rắc rối của HLV Lê Minh Khương trên máy bay Vietnam Airlines đang được dư luận quan tâm
* Rắc rối bắt nguồn từ việc ông Khương không được trả lại boarding pass (cuống thẻ lên máy bay). Có nhân chứng nào xác nhận ông Khương nhận lại cuống thẻ hay không?
HLV Lê Minh Khương khẳng định mình “không gây rối”. Luật sư Trần Thu Nam, người đại diện hợp pháp của ông Khương, cho biết sẽ có những hành động cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho ông Khương. |
- Chúng tôi đã xác minh lại chi tiết này. Tại Đà Nẵng, hành khách Lê Minh Khương đã yêu cầu được xuống cùng với bố là ông Lê Văn Vượng, nên đã đưa cuống thẻ để làm thủ tục. Nhưng vì máy bay cất cánh sớm hơn dự kiến nên ông Khương đồng ý tiếp tục bay, không xuống nữa. Nhân viên mặt đất và tiếp viên xác nhận đã trả lại cho ông Khương cuống thẻ 37J trước khi đóng cửa máy bay.
Còn ông Lê Minh Khương khẳng định chưa nhận được cuống thẻ nhưng không nhớ là đã đưa cho tiếp viên thẻ 37J (của ông Lê Văn Vượng) hay cuống thẻ 37H của mình. Ông Lê Văn Vượng đã xác nhận với thanh tra là đã cầm thẻ 37J, như vậy là cuống thẻ đã được trả lại.
* Trong vụ việc này, tiếp viên của VNA có lỗi không, thưa ông?
- Nếu tiếp viên hoặc nhân viên mặt đất làm mất cuống thẻ của khách thì là lỗi của nhân viên hãng hàng không. Nhưng trường hợp này không xác định được hành khách Lê Minh Khương đưa một hay 2 cuống thẻ và thực tế là đã có một cuống thẻ được trả lại.
Khi ông Khương đòi cuống thẻ (ngoài thẻ 37J của ông Lê Văn Vượng đã nhận lại), trong tay tiếp viên không có nên đã giải thích sẽ in lại cuống thẻ cho ông Khương khi hạ cánh tại Tân Sơn Nhất. Như vậy, tiếp viên đã xử lý đúng.
* Nhân viên an ninh đã sử dụng vũ lực đối với một hành khách không có vũ khí liệu có thái quá không, thưa ông?
- Kết quả thanh tra cho thấy 4 nhân viên an ninh hàng không không dùng công cụ hỗ trợ để cưỡng chế. Thông tin nói ông Khương bị gí dùi cui điện là không chính xác, vì nhân viên an ninh không mang dùi cui điện, chỉ đem theo roi điện, bộ đàm và còng số 8.
Trong quá trình cưỡng chế, nhân viên an ninh có sử dụng các biện pháp nghiệp vụ như lôi người, bẻ ngón tay khi ông Khương bám vào cửa, rút roi điện để thị uy vì ông Khương chống đối bằng cách trì người xuống sàn, ôm chặt ghế, nắm chặt tay nắm cửa máy bay.
* Ông Khương không đồng ý ký vào biên bản của Cục Hàng không, vậy cục sẽ giải quyết thế nào?
- Biên bản được đưa ra căn cứ vào kết luận xác minh vụ việc. Nếu ông Khương thấy không thỏa đáng có thể kiện ra tòa để đòi quyền lợi của mình.
Về phía Thanh tra Hàng không, sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Khương. Khung phạt tối đa từ 1 đến 3 triệu đồng và trường hợp này sẽ bị áp mức cao nhất do không có sự hợp tác của người vi phạm.
Kết luận của Cục Hàng không Việt Nam
Chiều 18-5, Cục Hàng không Việt Nam đã ra thông báo kết luận xác minh vụ việc trên chuyến bay VN1169 ngày 18-4. Nội dung như sau:
“Hành khách Lê Minh Khương đã có hành vi gây rối trên chuyến bay, vi phạm điều 16 của Nghị định 81/2010/NĐ-CP về an ninh hàng không dân dụng, cần phải được xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của điều 12 Nghị định 60/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Hành vi của ông Khương đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các hành khách khác trên chuyến bay, gây thiệt hại cho VNA. Việc đánh mất boarding pass (nếu có) cũng không thể biện hộ cho hành vi gây rối, làm mất kỷ luật trật tự trên máy bay.
Tiếp viên đã xử lý một cách lịch sự, phù hợp, bảo đảm quyền lợi của hành khách. Việc tiếp viên báo cáo tình hình hành khách gây rối với cơ trưởng là chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật. Cơ trưởng quyết định cho tàu bay quay lại sân đỗ là chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật vì hành vi của ông Khương đã khiến cho tàu bay không đủ điều kiện an ninh, an toàn để cất cánh, phải quay lại sân đỗ. Việc cưỡng chế của nhân viên an ninh là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật.
Chánh Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Khương”.
P.Anh |
Bình luận (0)