Tại khu du lịch sinh thái bên bờ sông Sài Gòn, ông Nguyễn Cao Kỳ đã trả lời phỏng vấn xung quanh việc VN gia nhập WTO.
.Tại Việt Nam, ông ở nhà riêng hay ở khách sạn?
- Từ ngày về nước đến giờ tôi toàn ở khách sạn. Hiện tôi đang ở khách sạn Sheraton Sài Gòn tại TP HCM.
. Ông đánh giá thế nào về thuận lợi, khó khăn khi Việt Nam gia nhập WTO?
- Tôi nghĩ mình phải nhìn thấy cái thuận lợi trước đã. Thuận lợi là chắc chắn rồi. Tất nhiên mình đang từ giai đoạn này bước sang giai đoạn khác thì cũng phải có khó khăn. Phải tự nhìn mình trước để thấy phải thay đổi làm cho mình phù hợp với hoàn cảnh mới thôi.
Anh đang là một người nông dân chẳng hạn, mà bây giờ trở thành thương gia. Muốn trở thành một người giàu có thì phải thay đổi lối sống, thay lối tư duy. Tôi không bao giờ dùng cụm từ “sẽ khó khăn” vì nó không đúng nghĩa lắm.
Mình đang ở chỗ này mà muốn vượt lên tất nhiên phải có trở ngại chứ đâu phải tự nhiên mà có thuận lợi được, đúng không? Nhiều người không hiểu nên cứ hay nói sẽ gặp khó khăn, gây ấn tượng như là sắp đi vào thiên la địa võng ấy. Tôi thấy nhiều người, cả báo chí nữa, cứ nói sẽ gặp khó khăn, phải thế này phải thế khác.
Sau cuộc đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập WTO vừa qua, báo chí Mỹ nói nhiều đến thắng lợi của phía Mỹ. Họ khuếch trương rằng Việt Nam sẽ phải mở cửa một số lĩnh vực có lợi cho Mỹ như dịch vụ, viễn thông, tài chính... Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Tôi thấy hay nhất là khi hai nước đã thỏa thuận xong vấn đề mậu dịch thì hai bên đều “lưỡng lợi”. Chẳng bao giờ có chuyện chỉ anh có lợi còn tôi thì không. Thí dụ, thị trường của Mỹ sẽ mở đàng hoàng và hàng hóa của Việt Nam (vào Mỹ) thuế má sẽ ít hơn. Đối với mình, cái đó có lợi lớn đấy chứ.
. Khi Việt Nam gia nhập WTO, luật lệ sẽ rõ ràng hơn. Ông có nghĩ rằng các Cty Mỹ và những người Việt đang định cư ở nước ngoài sẽ có thuận lợi hơn trong việc mời gọi các nhà đầu tư vào Việt Nam không?
- Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Tôi về nước, đi nhiều nơi, thấy chỗ nào cũng muốn mở mang hết. Người ta tìm gặp tôi để hỏi xem có thể kêu gọi đầu tư được không?
Tôi tìm hiểu thêm, thấy rằng với luật lệ và cách thức làm ăn như bây giờ vẫn không khác mấy so với cách đây từ 8-10 năm thì rất khó làm ăn đối với các nhà đầu tư ngoại quốc, đặc biệt là những Cty thật sự tư bản. Làm ăn, đầu tư ngày nay mà vẫn cứ phải luồn, lách, không đàng hoàng sẽ rất khó mời gọi các nhà đầu tư lớn.
Tôi vẫn nói với các quan chức ở trung ương và các anh em ở địa phương rằng mình phải chiều các nhà đầu tư chứ. Đằng này nhìn những điều đã xảy ra, thấy đối với những người mang tiền vào đầu tư thì cứ như mình ban ơn huệ cho họ hay sao ấy.
Mà có lẽ là ơn huệ thật, ở chỗ đáng lẽ 10 đồng thì chỉ tính họ 1 đồng. Như vậy có phải là ơn huệ hay không? Tất cả những điều đó tôi thấy không giống ai cả. Nó không nghiêm chỉnh.
Tôi nói rằng đối với các nhà đại tư bản thì các anh quên chuyện ơn huệ ấy đi. Các nhà đại tư bản đi chỗ nào cũng được trải chiếu mời gọi nên họ có quyền lựa chọn. Trong hai năm qua, tôi thấy những người mà tôi giới thiệu về làm ăn ở Việt Nam họ cũng không hồ hởi lắm đâu. Mới đầu họ hăng hái nhưng khi đụng chạm vào thực tế thì họ nản.
. Trong 2 năm qua đã nhiều lần ông về sống ở Việt Nam, ông cảm nhận như thế nào về tình hình kinh tế đất nước?
- Việc ký thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương Việt – Mỹ về WTO, trên phương diện thương mại có lẽ từ đây trở đi Việt Nam mới thực sự mở cánh cửa cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những tư bản Mỹ. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy dân tư bản Mỹ thứ thiệt họ có ấn tượng chưa tốt về môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Nhưng gần đây thấy ông Bill Gates đến thăm Việt Nam, rồi việc đạt được thỏa thuận Việt Nam-Hoa Kỳ về WTO, tôi nghĩ đó là sự bắt đầu một thời kỳ mới của Việt Nam. Khi hòa nhập vào cộng đồng chung của thế giới, tất nhiên mình phải chơi theo luật lệ chung thôi.
Có nghĩa là tương lai trong các lĩnh vực kinh tế, tài chánh… chúng ta phải tuân thủ luật. Trước hết, sắp tới ta sẽ tăng được rất nhiều đầu tư, góp vốn, góp sức từ nước ngoài. Chúng ta có thể quan hệ trực tiếp với Mỹ, không cần phải đi qua các khâu trung gian. Chúng ta sẽ bắt đầu một chế độ pháp trị trên lĩnh vực kinh tế, cải cách.
Người ta cứ hay nói thể chế dân chủ, vậy căn bản của thể chế dân chủ là gì? Là pháp trị, đúng không? Như vậy bắt đầu từ pháp trị trong lĩnh vực mở mang kinh tế, rồi giáo dục, tài chánh, dần dần lan sang các lãnh vực khác, làm việc gì cũng phải theo luật hết.
Báo chí, quần chúng ai cũng thấy chức năng của các cơ quan chồng chéo lên nhau. Tôi rất vui thấy báo chí trong nước công khai nói lên chuyện đó. Tôi vẫn nói với mấy anh em ở hải ngoại rằng các cậu cứ nói là độc tài với thế này thế nọ, chứ bây giờ về nước các cậu sẽ thấy tự do báo chí ở trong nước có thể nói là hơn thời của mình (thời chính quyền Sài Gòn trước 1975-PV) rồi.
Điều mừng là các anh em báo chí trong nước họ biết sử dụng đúng mức quyền của họ chứ không sử dụng để làm bậy. Lĩnh vực nào cũng có luật lệ, có pháp trị như vậy tức là thể chế dân chủ rồi.
. Theo ông, thời gian tới Việt Nam cần ưu tiên lĩnh vực gì khi chính thức gia nhập WTO?
- Tôi thấy việc đầu tiên là phải nâng cao sự hiểu biết của đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước và doanh nhân về luật lệ của WTO. Nhưng tôi nghĩ chính họ cũng nhận thấy điều đó rồi và sẽ tự chuẩn bị thôi.
. Có điều gì ông thấy khác với sự chờ đợi của ông trước khi ông từ Mỹ về nước không?
-Có thể nói khi về nước, những gì tôi nhìn thấy không làm tôi ngạc nhiên. Đó là những điều tôi chờ đợi và tôi luôn lạc quan. Gần đây chúng ta thấy các nhà lãnh đạo và cả báo chí trong nước đã dám đứng ra nhận những sai lầm khuyết điểm của họ. Đó là những dấu hiệu tốt.
. Ông bình luận gì về thành tựu đổi mới ở Việt Nam?
- Phải công nhận đời sống bây giờ khá hơn. Con cháu tôi cũng nói bây giờ sướng hơn trước nhiều. Thời ông Nguyễn Văn Linh đã nhận ra chế độ bao cấp có nhiều hạn chế và đã khắc phục.
Tuy nhiên tổ chức hành chánh hiện vẫn còn chồng chéo, kém hiệu quả. Tôi thấy lòng dân hồ hởi là có thật. Bây giờ chỉ cần cải cách cái hệ thống hành chánh nữa là sự tiến bộ sẽ vượt bực.
. Ông có ý định về định cư lâu dài tại Việt Nam không?
- Có chứ. Chỉ còn 3 cái xuân nữa là tôi 80 tuổi rồi. Tôi nghĩ có lẽ tôi phải về Sơn Tây. Sắp tới ra Hà Nội tôi sẽ nhờ anh em mua cho tôi một nơi để khi nào tôi ra đi thì có chỗ mà lo chuyện hậu sự. Tôi muốn ở lâu dài trong nước lắm.
. Về sống ở Việt Nam, ông có cảm nhận được sự ấm áp của người xa xứ nay trở về quê hương hay không?
- Cái đó không chỉ tôi mà tất cả các anh em ở hải ngoại đều cảm nhận được như vậy. Về nước ai cũng cảm thấy ấm áp lắm. Bây giờ nhiều người hàng năm nghỉ hè là về Việt Nam. Còn đặc biệt với tôi, tôi cảm thấy quá ấm áp. Chắc tôi được trời thương.
Đi đâu tôi cũng được mọi người đối xử như anh em vậy. Họ ngồi uống nước chè với tôi rất thoải mái. Điều đó nâng đỡ tinh thần cho tôi nhiều lắm. Chính những anh em ở bên Mỹ cũng như gia đình tôi đều mừng cho tôi và nói rằng mỗi lần tôi từ Việt Nam trở lại Mỹ nhìn người thấy khỏe ra và tươi lắm.
. Sắp tới trở lại Mỹ ông sẽ đưa ra thông điệp gì đối với bà con Việt Nam định cư ở Hoa Kỳ cũng như những người bạn doanh nhân Mỹ của ông?
-Tôi sắp về New York để gặp những nhà ngân hàng, tài chánh Mỹ. Đạt được thỏa thuận về WTO giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa qua là rất thuận lợi cho giới kinh doanh. Gặp ai tôi cũng sẽ nói như từ 2 năm nay vậy thôi. Bây giờ có điều kiện nói mạnh hơn.
Chẳng hạn như việc khui ra vụ PMU 18 vừa rồi, tôi sẽ dùng để nói với bên ngoài rằng không phải trong nước che đậy chuyện tham nhũng đâu. Chính quyền thực tâm muốn giải quyết nạn tham nhũng. Điều đó sẽ làm cho các nhà tư bản Mỹ cảm thấy yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
. Theo ông, sắp tới việc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam có khó khăn gì không?
- Không. Chẳng có khó khăn gì đâu. Quyền lực của Tòa Bạch ốc ngày nay tuy không còn mạnh như 20 năm trước đây nhưng vẫn còn nhiều uy lực lắm. Hơn nữa, đây là việc làm đúng đắn.
Bình luận (0)