Đất nước ta phát triển mạnh mẽ nhưng cũng đang trải qua nhiều cam go, thử thách. Lạm phát kéo dài, CPI tăng cao, dù đã có những biện pháp quyết liệt của Nhà nước nhưng sản xuất trong nước và đời sống của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn; những hành động gây hấn của Trung Quốc khiến an ninh trên biển của chúng ta bị đe dọa.
Đây chính là lúc thử thách bản lĩnh của mỗi người Việt Nam, nhất là những người lãnh đạo chèo lái con thuyền đất nước. Và cũng chính những ngày này, chúng ta càng thêm nhớ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có bí danh thân mật là Sáu Dân, nhân tròn 3 năm ngày ông ra đi mãi mãi.
Giàu bản lĩnh và tình cảm
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, ông Sáu Dân luôn thể hiện đầy đủ bản lĩnh cách mạng. Trong vai trò người đứng đầu Chính phủ lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn hội nhập và đổi mới, ông đã đưa ra và trực tiếp tổ chức thực hiện nhiều quyết sách quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc sảo.
Ông đã góp phần quan trọng vào việc hòa giải, hòa hợp dân tộc vì sự phát triển bền vững của đất nước. Dân trong ông Sáu Dân là toàn dân tộc Việt Nam, mọi người Việt Nam trên tinh thần hòa giải và yêu thương.
Ở từng chặng đường chiến tranh hay hòa bình, tấm lòng và hoạt động của ông Sáu Dân hướng về gần gũi nhất với những người ở đầu sóng ngọn gió, gánh vác và hy sinh nhiều nhất; những người nghèo thiếu thốn và thiệt thòi, tập trung vào những tầng lớp động lực là trí thức, tuổi trẻ, người lính và sĩ quan thời chiến, doanh nhân trong xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lần về thăm cán bộ, công nhân công trình điện 500 KV
tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Ảnh: TTXVN
Trong lòng dân tộc, ông là con người của sự hài hòa tình cảm và lý trí. Trong hoạt động xã hội, ông là con người của sự hài hòa giữa tư duy xa rộng, quan điểm cơ bản và cách làm thiết thực, cụ thể đến chi tiết. Trong cuộc sống, chung cũng như riêng, ông là con người của sự hài hòa giữa biết dâng đi và biết nhận về, biết cống hiến hết mình và biết thưởng thức đích đáng.
Ông là con người của sự hài hòa giữa cõi người và sự sống. Ông sống với những con người và cũng sống với những vùng đất, cảm nhận ý nghĩa và vẻ đẹp của cỏ cây, hoa lá, chim muông, sự dịu dàng và dữ dội của biển cả, sự hùng vĩ và uy nghiêm của núi cao, sự phì nhiêu và rộng lượng của đồng bằng, ánh nắng lộng lẫy của mặt trời, tia sáng lung linh của vầng trăng. Người chiến sĩ ấy rất nghệ sĩ và người nghệ sĩ ấy rất chiến sĩ!
Người khai đường, dẫn lối
Lúc còn tại vị cũng như khi đã nghỉ hưu, ông Sáu Dân luôn hết lòng vì sự phát triển của đất nước, lăn lộn ở những nơi gặp khó khăn cần tháo gỡ và hết sức gần gũi với mọi tầng lớp xã hội.
Tôi chẳng thể nào quên những lần cùng ông lặn lội trên đồng ruộng, ngồi thuyền ngang dọc sông nước Nam Bộ để rồi được nghe ông giảng giải, khái quát, khẳng định chiến lược “sống chung với lũ”.
Ý tưởng của ông chính là nhờ thấm nhuần quan điểm chỉ dạy của cổ nhân: “dân vi bản”; hun đúc, suy ngẫm, lấy kinh nghiệm từ trong dân. Đó cũng là một triết lý sống sâu sắc, biện chứng và mạnh mẽ. Ngẫm ra, triết lý sống ấy càng đúng trong thời điểm hiện tại khi mà đất nước và mỗi người chúng ta đang và sẽ phải đối mặt lâu dài với những thách thức.
Có lẽ, ông Sáu Dân còn được xem là một trong những người tiên phong trong việc đưa Việt Nam mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới. Cho tới cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, nền kinh tế Việt Nam vẫn là kinh tế chỉ huy, trì trệ, lạc hậu.
Một quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa; có nhiều sông ngòi, kênh rạch; hai đồng bằng rộng lớn, tươi mát là tiềm năng trở thành vựa lúa cho cả thế giới nhưng phải chịu cảnh thiếu đói triền miên chỉ vì sự ấu trĩ trong quản lý kinh tế.
Nhiều người cho rằng việc mở cửa hội nhập ở Việt Nam giai đoạn đó là hành động bắt buộc, vì quá nghèo khổ do nền kinh tế chỉ huy lạc hậu, bí quá đành phải mở cửa!
Tuy nhiên, phải thừa nhận sự can đảm của những người tiên phong đã góp công lớn. Thời đó, nếu không dám làm, dám chịu trách nhiệm thì cũng dễ bị “chụp mũ”. Đây âu cũng là bản lĩnh chính trị của ông Sáu Dân.
Nếu không mở cửa hội nhập, có thể hình dung nền kinh tế chúng ta sẽ ngày càng chậm lụt sau gần 20 năm hòa bình, thống nhất đất nước (kể từ năm 1975); không biết tình hình thế giới ra sao, tiến bộ và thay đổi mạnh mẽ như thế nào.
Các tin tức về sự thiếu vắng giao thương, đóng cửa với thế giới của một số quốc gia như Triều Tiên, Cuba… dẫn tới đời sống người dân gian khổ như thế nào, đến nay chúng ta đã được biết và do vậy càng phải ghi nhận tầm quan trọng của những người dám tiên phong, đốt lên những ngọn lửa nhỏ, khai mở cánh cửa nặng nề, những thành trì cũ kỹ lạc hậu.
Cái hay của những người dám nghĩ, dám làm như ông Sáu Dân là tư duy đột phá, chịu lắng nghe cái mới, hấp thu các tinh hoa của tri thức mới, luôn làm mới mình, luôn muốn cống hiến cho đất nước cả khi ở thời trai trẻ lẫn ở tuổi xế chiều.
Ông Sáu Dân với nhiều hình ảnh còn đọng lại trên báo chí qua các hoạt động đa năng trên những lĩnh vực khác nhau với thật nhiều năng lượng, không biết mệt mỏi, là tấm gương sáng cho những ai tự nhận mình là con người của thời đại mới.
Truyền lửa cho đời sau
Trong dịp kỷ niệm 3 năm ngày ông Sáu Dân đi xa và trong những ngày “nóng bỏng” này, thật xúc động và vững lòng khi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dõng dạc, mạnh mẽ tuyên bố trong bài phát biểu tại buổi lễ hưởng ứng ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển - Hải đảo Việt Nam 2011 vào tối 8-6 ở TP Nha Trang (Khánh Hòa): “Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của Việt Nam.
Chúng ta kiên trì, chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của chúng ta”.
Theo Việt Nam sử lược, khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sắp mất (năm 1300), ông đã nói với vua Trần Anh Tông: “Dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả”.
Hồ Chủ tịch cũng từng nhắc về câu nói của người xưa: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Cũng chính tư tưởng “lấy dân làm gốc” ấy đã tạo nên phong cách, bản lĩnh Võ Văn Kiệt. Và hôm nay, tư tưởng ấy vẫn là nền tảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các quyết sách, hành động của những đồng chí, những người kế nhiệm ông.
Trí tuệ và bản lĩnh Võ Văn Kiệt - Sáu Dân đang được nhắc đến nhiều hơn và lan tỏa rộng hơn. Học tập, rèn luyện trí tuệ và bản lĩnh ấy sẽ tạo thêm sức mạnh để chúng ta vươn ra biển lớn, cho ra đời những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân và phù hợp với quy luật phát triển bền vững.
Nhìn xa,trông rộng
Về quản lý kinh tế, hồi những năm 1980, Nhà nước còn cấm sở hữu vàng. Tôi được nghe người có trách nhiệm kể lại khi ấy, đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn.
Lúc đó, đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Võ Văn Kiệt đã ký quyết định cho phép kinh doanh vàng. Chỉ trong 2 tháng sau, có hơn 100 cửa hàng mua bán vàng, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế.
Suy rộng ra, ngày nay, việc cấm kinh doanh vàng trái phép, đôla hóa “chợ đen” là các giải pháp tình thế, có tác dụng nhất thời nhưng cái chính là không được để ngoại tệ, vàng cất trữ, “nằm chết” trong dân.
Để cho người dân tin vào đồng tiền của Việt Nam, Nhà nước phải đầu tư công cho thật hiệu quả, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phát triển, biến nguồn vốn ngoại tệ và vàng cất trữ trong dân thành vốn kinh doanh.
T.V.T |
Khánh thành công trình tri ân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
(NLĐ) - Sáng 11-6, tại xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình Công viên Văn hóa và bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Công viên này nằm ở đầu kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5 cũ), do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang làm chủ đầu tư, tổng kinh phí 4,7 tỉ đồng. Công viên có diện tích 4.628 m2, trong đó phần sân lễ khoảng 1.250 m2, tâm điểm là bia tưởng niệm được lát đá granite, trên đỉnh bia có chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Cắt băng khánh thành công trình vào sáng 11-6. Ảnh: TTXVN
Phần mỹ thuật điêu khắc, tạo hình và thiết kế do họa sĩ Dương Đình Chiến, nguyên phó chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh An Giang, và ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thực hiện.
Đây là công trình nhằm tri ân vị Thủ tướng có tầm nhìn chiến lược, chủ trương đào các tuyến kênh để tháo chua, rửa phèn cho vùng Lạc Quới - An Giang sang tận tỉnh Kiên Giang, biển Tây. Trước đó, nhằm ghi dấu công lao của cố Thủ tướng, tại kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh An Giang khóa VII đã ban hành Nghị quyết 04 đặt lại tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt.
Q.Dũng |
Bình luận (0)