Anh Võ Dũng. ảnh: Phuntutoday
Vào tháng 9-1969, sau khi chạy gõ cửa chú Phan Triêm, Phó Ban Tổ chức Trung ương và các chú ở Vụ miền Nam để xin đi Nam, tôi được triệu tập đến Trường 105B, trường huấn luyện cán bộ đi B ở Hòa Bình. Chúng tôi được tập bắn súng, mang gạch, đi bộ để chuẩn bị đi B (về Nam). Tôi ở Chi (*) II đi Khu V. Hằng ngày, tôi vẫn được anh chị em chỉ cho một cậu thanh niên độ 18, 19 tuổi, người roi roi ở Chi I đi Nam Bộ:
Con ông to đấy. Nghe nói hư lắm nên ông bố gọi về Nam để rèn luyện.
Nghe anh em nói vậy, tôi thấy có cảm tình với con ông “quan” này, nhưng cậu ta ở chi khác nên tôi không làm quen vì sợ “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Dạo ấy, tôi học xong đại học đã 2 năm, đang làm ở Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương thì xin đi B.
Một hôm, vào tối thứ 7 Trường tổ chức liên hoan văn nghệ. Các bạn biết tôi võ vẽ làm thơ nên ép tôi lên đọc thơ. Tôi đọc bài “Ta sẽ trở về” nói lên nguyện vọng tha thiết về Nam của mình với lời dạo đầu là tôi viết để hưởng ứng bài thơ “Về đi em” của nhà thơ Lê Anh Xuân, một người anh tôi quen biết, kêu gọi các bạn học sinh miền Nam trở về quê hương chiến đấu. Xong cuộc liên hoan văn nghệ, trên đường về chi thì cậu ta níu tôi lại:
- Em là Dũng (tôi nhớ hình như cậu nói cậu là Phan Chí Dũng, bây giờ đi Nam cậu đổi là Võ Dũng cho giống họ ba cậu đang mang), em nghe anh đọc thơ tình cảm quá, lại có quen nhà thơ Lê Anh Xuân người Nam Bộ của em nên em muốn làm quen và từ nay anh em chơi với nhau.
Vậy là lúc rảnh, Dũng hay rủ tôi ra đồi nói chuyện chơi. Dũng bảo Dũng là con chú Sáu Dân (ngày ấy tôi cũng không tò mò hỏi chức vụ này nọ, tôi cứ chơi với Dũng như anh em thôi). Dũng ra Bắc có 2 anh em, Dũng và em gái nữa. Sau này tôi có gặp em lên trường thăm Dũng, em độ 12, 13 tuổi.
Dũng bảo, ba Dũng có ra Bắc họp một vài lần. Ba gửi Dũng cho mấy chú chăm sóc. Mấy chú nói sẽ lo cho Dũng còn hơn con mình. Nhưng đôi lúc Dũng chơi với con họ, con họ sai mà họ đổ cho Dũng này nọ, Dũng chán, bắt đầu nghịch ngợm, đánh lộn. Đứa nào “chơi” Dũng là Dũng “chơi” lại liền.
Đến năm 17, 18 tuổi, Dũng lại gặp chuyện buồn trong tình yêu đầu đời, vì thế Dũng bắt đầu “phản bội” luôn những cô gái khác. Dũng đưa cánh tay cho tôi xem dòng chữ màu xanh mà Dũng xăm: “Tôi là kẻ bất hạnh”. Tôi nói, cậu mà bất hạnh cái nỗi gì, tớ tới 24 tuổi mà chưa được cầm tay con gái. Dũng cười bảo, bất hạnh chớ, bất hạnh vì còn nhỏ mà đã hư thân mất nết, làm phiền lòng ông già.
Thế là Dũng bị các chú viết thư báo tin cho ba. Ba Dũng buồn lắm. Ông viết thư cho Dũng, Dũng lục dưới đáy ba-lô đưa cho tôi xem một lá thư. Bây giờ tôi nhớ đại ý: “Từ khi má con mất ba buồn lắm. Ba lại nghe các chú nói con rất hư, ba buồn hơn. Thôi, con hãy về đây, cha con mình có nhau, để ba có điều kiện giúp đỡ con tiến bộ, trưởng thành, để con sưởi ấm lòng ba…”. Nghe lời ông già, thế là Dũng tình nguyện về Nam. Các chú ở Ban Tổ chức Trung ương bảo:
- Các chú cho cháu đi máy bay qua Campuchia rồi giao liên đưa về chỗ ba cháu.
Dũng bảo:
- Thưa các chú. Con không đi máy bay đâu. Đã đi Nam là phải vượt Trường Sơn. Nhiều chú, bác, anh chị là cán bộ còn vượt Trường Sơn, con mới là học sinh lớp 9, làm sao con lại đi máy bay.
Dũng được phát võng ni-lông, bọc võng vải dù, nhưng lại từ chối, chỉ nhận như các anh chị là võng kaki và màn vải.
Những ngày hành quân, Dũng ở Chi I (đi Nam Bộ), tôi ở Chi II nhưng bao giờ Dũng cũng đi chậm lại để cùng đi với tôi. Dạo đó tôi được phân vào Khu V làm báo nên mang máy ảnh, thuốc rửa ảnh, giấy ảnh nhiều lại thêm tư trang nên rất nặng. Dũng nói, anh nhỏ con, lại yếu, mà mang nặng nên để em mang giúp gạo, ba-lô cho. Biết tôi nghiện thuốc lá nên Dũng mang thuốc lá theo (Dũng cũng hút ít) để thỉnh thoảng cho tôi một gói. Lạ nữa, là khi chúng tôi đến gần Khu V, tôi hết thuốc lá, xin Dũng, Dũng chỉ cho nhin nhín, bảo “Em hết rồi”.
Vào những ngày nghỉ dọc đường, Dũng thường đến chơi với tôi. Tôi quên nói, cùng đi với Dũng có một cậu lớn hơn Dũng mấy tuổi, tên là Quốc. Cậu ấy cũng rất mến tôi nên 3 anh em hay chơi với nhau. Chúng tôi thường tán gẫu, đánh tú lơ khơ là chính, ít nói chuyện gì khác. Một lần nghỉ, tôi tìm được một khóm lá lốt, đang hái thì Tuấn ở Chi III, đoàn đi Trị Thiên cũng xông vào hái. Chẳng rõ thế nào mà tôi và Tuấn to tiếng với nhau. Chợt Dũng từ đâu ùa tới, nạt nộ Tuấn:
- Mày “chơi” với anh hai tao hả mày, coi chừng tao “tẩn” đó.
Tôi biết Dũng thương tôi, nhưng bênh tôi không đúng, tôi nhớ cả tôi và Tuấn đều sai vì ăn nói hơi quá đà, tôi can Dũng:
- Thôi đi em, anh cũng sai mà.
Tôi dắt tay Dũng đi, Dũng càm ràm:
- Từ nay đứa nào “láo” anh cứ gọi em.
Càng đi vào phía Nam, sắp tới Khu V, Dũng càng chăm sóc, mang vác giúp tôi nhiều hơn. Một đêm, tôi nghe Chi trưởng báo ngày mai chúng tôi sẽ rẽ xuống Khu V. Tôi chạy sang Chi Nam Bộ chia tay Dũng và Quốc. Dũng cầm tay tôi rất lâu, không nói gì.
Sáng hôm sau, khi tôi đến đường rẽ về Khu V thì thấy Dũng và Quốc ngồi bên đường. Thấy tôi, hai cậu reo lên:
- Chi em đi trước rồi, bọn em xin phép ở lại để chia tay anh.
Dũng lấy từ trong ba lô ra 2 tút thuốc Tam Đảo bao bạc đưa tôi:
- Anh cầm đi mà hút, anh ghiền hơn em. Bữa trước em không cho anh biết em còn để dành thuốc, vì sợ anh “đục” mãi, hôm nay không còn để tặng anh lúc chia tay….
Ba anh em tôi ôm chặt nhau đứng rất lâu. Dũng rút từ trong túi áo ra một tờ giấy nho nhỏ đã ghi sẵn “Liên hệ em qua chú Sáu Dân, hòm thư…”
Sau đó Dũng cầm tay tôi bảo:
- Anh có làm thơ, viết báo thì cứ ghi tên Thanh Quế để người ta đọc trên đài, ghi trên báo, em sẽ nhận ra. (Khi đi Nam, tôi định sau này có viết gì sẽ lấy tên là Đông San Vĩ, cái tên tôi lấy bút danh để làm thơ từ hồi còn ở trường Học sinh miền Nam. Nhưng nghe Dũng dặn vậy nên sau này tôi lấy bút danh là Thanh Quế luôn).
Dũng lại ôm tôi, mắt rưng rưng:
- Thống nhất anh em mình nhớ tìm nhau nghe. Địa chỉ em đưa đó…
Suốt những năm tháng sau đó, chúng tôi không có dịp liên hệ nhau. Sau giải phóng Sài Gòn, tôi hỏi nhà thơ Diệp Minh Tuyền:
- Anh có biết chú Sáu Dân là ai không? Ổng bây giờ ở đâu?
Diệp Minh Tuyền hỏi lại tôi:
- Mày hỏi chú Sáu Dân làm gì?
- Tôi có quen với thằng Dũng con chú ấy, nó hẹn liên hệ gặp nó qua ổng.
Mắt Diệp Minh Tuyền sáng lên:
- Mày quen thằng Dũng à? Nó đi Nam một đợt với mày à?
- Đi một đợt.
- Tao báo mày một tin buồn: Thằng Dũng vào Nam, xin làm lính trinh sát ở Quân khu 9. Nó dũng cảm lắm, mọi người đều khen nó. Nó cứ bám đơn vị miết. Ông Lê Đức Anh, Tư lệnh Khu 9 được ai nói đó, biết thằng Dũng là con chú Sáu Dân (ông không biết chính chú Sáu Dân, Bí thư Khu 9 là người gửi Dũng vào lính trinh sát để rèn luyện phấn đấu) nên nhắn đơn vị đưa nó về Quân khu để đỡ tổn thất. Chưa kịp rút nó về thì nó hy sinh rồi. Tội nó quá. Tội chú Sáu nữa…
- Anh có biết thằng Quốc bạn thằng Dũng không?
- Thằng Quốc cũng hy sinh rồi.
Tôi đứng lặng hồi lâu ứa nước mắt rồi nói với anh Diệp Minh Tuyền:
- Chú Sáu Dân có ở Sài Gòn không? Tôi đến nhà thăm chú có được không?
Diệp Minh Tuyền cười có vẻ bí mật:
- Mày không biết chú Sáu Dân là ông Võ Văn Kiệt à (Lúc đó ông làm Chủ tịch Ban quân quản Sài Gòn-Gia Định).
Tôi sửng sốt:
- Thế à. Tôi đâu biết. Tôi chỉ nghĩ Dũng là con ông to to cỡ tá tiếc gì đó, chớ đâu có ngờ. Tôi chơi với nó vì tình anh em thôi. Bây giờ biết nó là con ông Kiệt… mà nó lại hy sinh rồi… thì thôi, tôi không đến tìm ông nữa… ngại quá…
Bây giờ, sau mấy chục năm đã trôi qua, ngồi viết lại những kỷ niệm này, tôi càng thương nhớ Dũng, một người em. Dũng, một con người nhìn bề ngoài cứ ngỡ là ngỗ ngược lắm nhưng đằm sâu bên trong là một con người giàu tình cảm, đầy ân tình ân nghĩa. Dũng ra chiến trường với tư cách một cậu bé “hư” bị cha mình kêu về rèn giũa và em đã rèn luyện hết mình, phấn đấu hết mình để làm nhiều việc có ích và đã hy sinh anh dũng.
Tôi còn muốn nói thêm điều này nữa: Người cha ở đây có chức vụ cao có thể can thiệp cho con mình đi học ở nước ngoài để bảo toàn tính mạng giữa đất nước đầy bom rơi đạn nổ và sau này, có kiến thức để có địa vị cao, có tiếng tăm. Nhưng không, ông đã gọi con mình quay lại chiến trường để tham gia chiến đấu và chính ông đã gởi con mình xuống cơ sở, làm một chiến sĩ trinh sát, một nhiệm vụ rất cần lòng dũng cảm, rất dễ hy sinh để rèn luyện con trưởng thành…
Người cha đó, người con đó là ông Võ Văn Kiệt và Dũng, con trai ông…
Bình luận (0)