Nhiều diện tích rừng trồng theo Quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ vẫn bị cưỡng chế thu hồi
Không nằm trong kế hoạch vẫn thu hồi
Năm 2005, ông Tạ Đức Quyn (ngụ thị xã Đồng Xoài), đại diện các hộ khác, được giao khoán 30 ha tại khoảnh 1 tiểu khu 177 để trồng cao su, điều và keo lai. Qua kiểm tra hằng năm, cán bộ BQLRPH Bù Đăng đều có biên bản nghiệm thu rừng do ông Quyn đại diện trồng, đạt từ đạt 70% - 75%. Ngày 2-1-2005, dù không có thông báo cũng không nằm trong kế hoạch cưỡng chế, thu hồi, 4 ha điều và cao su (trong diện tích 30 ha ông Quyn và các hộ nhận khoán trồng) vẫn bị đoàn cưỡng chế huyện Bù Đăng dọn sạch.
Tương tự, tháng 8-2010, bà Lê Thị Hà (ngụ xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) làm đơn xin nhận khoán và được BQLRPH Bù Đăng ký hợp đồng giao khoán 5 ha khoảnh 7 tiểu khu 175 theo Quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ (về việc trồng mới 5 triệu ha rừng); đồng thời bà Hà nhượng thành quả lao động trên đất của các ông, bà: Nguyễn Phương Thanh, Nguyễn Thị Màu, Nguyễn Văn Kỳ… để trồng rừng trên tổng diện tích 12 ha. Trong lúc chưa hết thời hạn hợp đồng cũng không vi phạm điều gì trong hợp đồng nhận khoán, ngày 20-12-2011, đoàn cưỡng chế vào ủi sạch 12 ha cây điều (đã thu hoạch), keo lai và sao đen trồng theo thiết kế của Nhà nước mà không hề có sự thỏa thuận hay đền bù.
Biểu hiện rõ nhất của việc lợi dụng cưỡng chế để cày ủi tài sản người dân là trường hợp bà Lê Thị Phượng (ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú). Tháng 5-2011, bà Phượng được giao khoán đất tại khoảnh 3 tiểu khu 173 trồng cây sao xen cao su. Chiều 24-3, đoàn cưỡng chế vào ủi nát cây trồng của bà Phượng, dù tiểu khu 173 hoàn toàn không có trong diện tích thu hồi. Tiếp đó, đoàn cưỡng chế cũng ủi cây trồng của ông Đặng Văn Tiên (ngụ xã Đăk Nhau, huyện Bù Đăng) cũng nhận khoán đất để trồng sao đen tại tiểu khu 173!
Chính quyền huyện lúng túng
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Phục vụ quỹ xóa đói giảm nghèo thì thu hồi 1.100 ha hay nhiều hơn? Ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, trả lời: “1.100 ha thuộc dự án an sinh của tỉnh, số diện tích còn lại thuộc dự án của huyện”. Tuy nhiên, sau đó, lúc ông chủ tịch trả lời 1.100 ha, lúc lại 1.387 ha và cuối cùng khẳng định thu hồi 1.478 ha đất lâm nghiệp!
Ông Hoàng cho biết trong quá trình cưỡng chế thu hồi đất xâm canh, lấn chiếm phát sinh các hộ có hợp đồng nhận khoán với BQLRPH Bù Đăng. Các hợp đồng có tài sản trước năm 2007, có cây trồng dài ngày, kể cả trồng rừng sẽ bồi thường thiệt hại. Ông Hoàng cũng khẳng định không thu hồi đất ở tiểu khu 173, “ai làm sai người đó chịu trách nhiệm”. Ngoài ra, trong 36 hợp đồng do ông Thái Hữu Cam (nguyên giám đốc BQLRPH Bù Đăng - đã bị bắt tạm giam) ký đều trái luật.
Trong khi đó, ông Võ Thắng, Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Bù Đăng, lại khẳng định trong 36 hợp đồng, có 12 hợp đồng theo Quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ là đúng trình tự, thủ tục và người dân đều được hỗ trợ tiền đầu tư cây giống, chăm sóc. Còn 24 hợp đồng giao nhận khoán theo Nghị định 135 thiếu thủ tục.
Nhiều sai phạm Báo cáo số 13/BC-TTCP ngày 3-1 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc cưỡng chế, thu hồi đất lâm nghiệp tại tỉnh Bình Phước. Cụ thể: Thu hồi không đúng trình tự, thủ tục; tổ chức cưỡng chế thu hồi đất trên tất cả các loại rừng (kể cả rừng sản xuất); không ban hành quyết định cưỡng chế đến từng hộ cá nhân; không lập biên bản khi thi hành quyết định cưỡng chế; không kiểm đếm cây trồng trên diện tích đất bị thu hồi. Đối với diện tích đất của các hộ dân đã trồng cây từ trước năm 2004, thực tế dân không được hỗ trợ khi bị cưỡng chế thu hồi… Một số hộ dân bị thu hồi đất từ năm 2005-2006, đến nay vẫn không được giao đất để sản xuất. Sau khi thu hồi đất đã giao sai đối tượng, khi phát hiện thì thiếu kiên quyết xử lý. Về giao đất rừng nghèo kiệt ở một số doanh nghiệp không đúng chủ trương, mục đích đã được tỉnh phê duyệt, lấy đất do doanh nghiệp Nhà nước quản lý cho doanh nghiệp tư nhân mà chủ doanh nghiệp tư nhân là người thân của cán bộ lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước…
B.An |
Bình luận (0)