Điều đáng nói là nhiều dự án lớn đang được tỉnh Phú Yên cho triển khai theo cơ chế đặc thù: Cho phép nhà đầu tư vừa thi công vừa làm các thủ tục. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho rằng cơ chế này sẽ giúp triển khai nhanh các dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở một địa phương mà xưa nay chỉ được biết nhiều là vựa lúa miền Trung (!).
Thế nhưng, cơ chế này đang bị biến tướng thành “tiền trảm hậu tấu”, phá trước, báo sau, xem như chuyện đã rồi ở nhiều dự án lớn.
Gần một tháng trước, báo chí phát hiện tỉnh Phú Yên vội vã cho đốn hạ hơn 273 ha rừng tự nhiên tại 2 tiểu khu 310 và 311 ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh để giao đất cho Công ty CP Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên trồng cỏ nuôi bò. Dù chưa có phương án trồng rừng thay thế như quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt buộc trước khi triển khai dự án nhưng tỉnh Phú Yên vẫn bất chấp, cho hạ cây rừng và chủ đầu tư báo cáo phương án trồng rừng sau. Chỉ đến khi báo chí lên tiếng, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra thì tỉnh Phú Yên mới ra lệnh tạm dừng chặt cây. Đến lúc này đã có hơn 11 ha rừng đã bị đốn sạch.
Với vụ việc mới nhất vừa xảy ra, một lần nữa, dư luận lại không thể hiểu chủ trương “tiền trảm hậu tấu” của tỉnh Phú Yên khi cho đốn hạ gần 116 ha rừng phòng hộ ven biển xã An Phú, TP Tuy Hòa để giao đất cho Công ty TNHH New City Việt Nam làm sân golf nhằm kịp đón khách đến với cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN tổ chức ở tỉnh này vào tháng 7 tới. Nó khó hiểu vì cho đốn hạ một diện tích lớn rừng phòng hộ được ví như tấm chắn cát và gió biển tấn công vào TP Tuy Hòa trong lúc chưa có quyết định giao đất, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và đặc biệt là chưa được chuyển từ mục đích sử dụng rừng sang mục đích ngoài lâm nghiệp.
Để chuyển mục đích sử dụng một diện tích lớn rừng phòng hộ như thế, thẩm quyền thuộc về Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng chưa được trình đến Thủ tướng nhưng rừng đã bị chặt gần hết. Phải chăng tỉnh Phú Yên đã đưa Thủ tướng vào một việc khó, khi mọi chuyện đã rồi?
“Nhanh thì nhanh nhưng không ai nói nhanh thì phải làm sai, làm thiếu cả. Phải thượng tôn pháp luật” - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên từng nói như vậy về dự án này. Vậy mà không hiểu sao vẫn cứ để việc làm rất ẩu ấy diễn ra.
Đoàn thanh tra của Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thanh tra toàn diện việc chuyển mục đích sử dụng rừng đối với tất cả dự án có liên quan đến rừng từ năm 2012 đến nay ở tỉnh Phú Yên. Kết luận thanh tra sẽ được công bố vào ngày 22-5 tới.
Dẫu kết luận thanh tra thế nào thì hơn 11 ha rừng tự nhiên ở huyện Sông Hinh và gần 116 ha rừng phòng hộ ở TP Tuy Hòa cũng đã biến mất. Và đó là hậu quả của cách làm phá trước, báo sau đang xảy ra ở tỉnh Phú Yên.
Bình luận (0)