Ngày 19-11, Quốc hội (QH) đã dành thời gian thảo luận tại tổ về dự án Luật Dược (sửa đổi).
Dược phẩm đội nhiều chi phí
Theo báo cáo, qua 10 năm thi hành Luật Dược, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% tổng số thuốc. Số liệu thống kê năm 2014 cho thấy bình quân, mỗi người Việt Nam sử dụng 31 USD cho tiền thuốc, trong đó 50% dùng để mua thuốc ngoại nhập.
Tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TP HCM, cho rằng chính sách phát triển công nghiệp dược vẫn thiếu định hướng, chưa được đầu tư đúng mức nên phát triển tự phát. Về mạng lưới lưu thông phân phối, theo bà Lan, hiện nay có quá nhiều trung gian nên sản phẩm dược khi đến tay người dân thì đội rất nhiều chi phí, đó là lý do khiến giá thuốc tăng cao. “Quyền phân phối trực tiếp của các hãng dược phẩm nước ngoài ra sao, vấn đề này chúng ta còn né tránh. Hiện nay, các công ty nước ngoài phân phối dược phẩm qua các doanh nghiệp trong nước nhưng các doanh nghiệp này chỉ ngồi không hưởng chiết khấu, còn lại tất cả đều do công ty dược nước ngoài chi phối” - bà Lan nêu thực tế.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) bức xúc: “Chợ quê nào cũng có hiệu thuốc và bán kháng sinh tràn lan. Luật làm sao phải quản lý mặt hàng này tốt hơn”. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) cho rằng phải đưa vào luật quy định nhà thuốc phải bán thuốc theo toa.
Tiếp thu ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có nhiều vấn đề ĐB phản ánh là đúng nhưng lại không có trong Luật Dược mà được quy định trong các luật khác. Chẳng hạn, thuốc giả thì đưa vào Bộ Luật Hình sự; việc quản lý giá thuốc, ngành y tế đang thực hiện theo Luật Đấu thầu và Luật Giá.
Nhà thuốc chưa thực hiện nghiêm quy định
Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày, việc sửa đổi Luật Dược lần này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Dược năm 2005 cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập.
Về việc có ĐB cho rằng hiện nay mua thuốc “dễ như mua rau”, không cần toa, bên lề kỳ họp QH, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải sở dĩ có hiện tượng này là do người dân suy nghĩ đơn giản, không muốn đi khám bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa thể bao phủ đến mọi nơi nên mỗi khi bị bệnh, người dân thường tìm đến các tiệm thuốc. Mặt khác, các nhà thuốc đạt chuẩn GPP (thực hành tốt nhà thuốc) không thực hiện nghiêm quy định bán hàng theo toa.
Theo Bộ trưởng Kim Tiến, sẽ tiếp tục ban hành quy định về bán thuốc cần phải có toa ở các quầy thuốc bán lẻ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc người dân sẽ được lợi gì khi Luật Dược (sửa đổi) được thông qua, người đứng đầu ngành y khẳng định người dân sẽ dễ dàng tiếp cận thuốc mới, thuốc tốt với giá cả và chất lượng tốt hơn. Thuốc sử dụng trong khám chữa bệnh cũng được quản lý chặt chẽ hơn để tránh xảy ra kháng thuốc, lạm dụng thuốc.
Ra ngõ gặp chủ tịch hội
Cùng ngày, thảo luận dự án Luật Về hội, ĐB Lê Nam ví von: “Ra ngõ là gặp chủ tịch hội”. Theo ĐB đến từ Thanh Hóa, phải rạch ròi hội nào được thành lập theo yêu cầu của Đảng và nhà nước, hội nào tự nguyện thành lập.
Sáng 19-11, QH đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) với tỉ lệ tán thành 85,83%. Luật quy định về hoạt động ATTTM, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm ATTTM; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTTM; kinh doanh trong lĩnh vực ATTTM; phát triển nguồn nhân lực ATTTM; quản lý nhà nước về ATTTM.
Bình luận (0)