Đấy chỉ là con số sơ tính từ các trại nuôi trồng thủy sản và số lượng hải sản chết được gom để tiêu hủy. Thiệt hại hẳn lớn hơn nhiều vì còn số hải sản chết không dạt vào bờ hay không được gom để hủy, là hàng loạt tàu thuyền của ngư dân phải nằm bờ vì đánh bắt hải sản về cũng không ai mua. Nhưng thiệt hại lớn hơn cả chính là sự bất an của hàng triệu người dân miền Trung trước thảm họa lạ chưa từng thấy.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ phó Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT), cơ quan chức năng đã lấy 42 mẫu cá, 7 mẫu trầm tích, hàng chục mẫu nước đưa đi xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Kết quả ban đầu cho thấy môi trường, pH, độ muối, ôxy tự nhiên đều bình thường... cho phép loại bỏ nguyên nhân dịch bệnh cũng như yếu tố môi trường nước. Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc, Cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Bắc thì cho rằng do tác động bởi chất độc rất mạnh. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám thì lấp lửng rằng “không phải do dịch bệnh hay môi trường nước mà do độc tố, đó có thể là độc tố sinh học, hóa học hay một loại độc tố khác”...
Như vậy là với một hệ thống dày đặc các bộ, ngành, cơ quan chức năng, viện nghiên cứu và hằng hà sa số chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ về môi trường biển, thay vì người dân sẽ nhận được những cảnh báo thì thực tế là sau những 20 ngày xảy ra thảm họa vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Sự chậm trễ này là rất khó hiểu trong bối cảnh mà một người am hiểu về lĩnh vực này như ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), khẳng định là với công nghệ máy móc có sẵn ở rất nhiều cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc lấy mẫu, cho kết quả chỉ mất 2-3 ngày.
Vậy thì dân tình không hoang mang mới lạ?
Đau nhưng cũng phải “cảm ơn” thảm họa cá chết bởi nhờ đó mà dân chúng biết Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (KCN Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) có hệ thống xả thải được phép đổ ra biển và xả đến 12.000 m3/ngày nhưng xả thế nào, ai kiểm soát chất lượng xả thải thì... chịu.
Chưa vội để nói thảm họa cá chết ở miền Trung là do độc tố từ nước thải của Formosa. Nhưng nếu đúng như thế thì họ cũng dư thời gian và cơ hội để hóa giải vi phạm khi đường xả thải đi ngầm trong lòng biển còn Bộ Công Thương mãi đến ngày 22-4 mới có công văn hỏa tốc gửi Formosa về việc cử đoàn công tác làm việc từ ngày 26-4 về tình hình bảo vệ môi trường tại công ty này, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chỉ quản trên thông số quan trắc và thiết kế. Với cách quản lý kiểu này thì nguy cơ còn lắm thảm họa.
Bài học từ việc Vedan xả thải giết chết sông Thị Vải ở miền Đông Nam Bộ vào năm 2008 hẳn nhiều người chưa quên!
Bình luận (0)