xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phải gấp rút thu hồi "đất vàng"

Thy Thơ - Trường Hoàng - Phan Anh - Lê Phong

TP HCM sẽ ngăn chặn việc sử dụng đất sai mục đích, sai đối tượng, đồng thời tổ chức đấu giá công khai

Theo tài liệu chúng tôi có được, Công ty Cổ phần (CP) Lưới thép Bình Tây CP hóa vào năm 2013; trong đó, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel - đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương) là cổ đông chi phối, nắm giữ hơn 40% CP.

Làm trái quy định

Do nằm trong diện di dời nên nhiều năm trước, Công ty CP Lưới thép Bình Tây đã chuyển toàn bộ nhà máy tại khu đất 13.016 m2, số 425 Âu Cơ (số cũ là 117), phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP HCM và khu đất 4.086 m2 số 165/5 Nguyễn Văn Luông, phường 6, quận 6, TP HCM về KCN Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Hai khu đất này được UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vào tháng 3-2006. Theo đó, thời hạn sử dụng đến hết tháng 12-2006 với hình thức thuê đất trả tiền hằng năm. Đồng thời, Công ty CP Lưới thép Bình Tây quản lý sử dụng đất đúng quy định, không được xây mới, chuyển nhượng, cho thuê lại…

Thế nhưng, theo Bộ Công Thương, sổ đỏ mà UBND TP HCM cấp chỉ có tính chất tạm thời để làm cơ sở cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ tài chính cho Công ty CP Lưới thép Bình Tây di dời do sản xuất gây ô nhiễm, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Bộ Công Thương cũng thừa nhận sổ đỏ của 2 khu đất 425 Âu Cơ và 165/5 Nguyễn Văn Luông đã hết hạn cách đây hơn 10 năm. Thế nhưng, đến nay, Công ty CP Lưới thép Bình Tây đang quản lý và nộp tiền thuê 2 khu đất này, việc cho thuê hay chấm dứt cho thuê thuộc quyền của địa phương.

Đại diện VnSteel cho biết trên cơ sở quy hoạch của TP HCM đối với 2 khu đất mà Công ty CP Lưới thép Bình Tây đã di dời là đất đô thị, dịch vụ, thương mại nên công ty đã hợp tác đầu tư với 2 doanh nghiệp (DN) khác để xin phép UBND TP chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại.

Đáng nói là khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì Công ty CP Lưới thép Bình Tây đã cho rất nhiều cá nhân, tổ chức thuê lại 2 khu đất trên để làm bãi đỗ xe, nhà hàng, xưởng sản xuất, kho hàng hóa…

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy qua hơn 10 năm sử dụng 2 khu đất của nhà nước (sau khi sổ đỏ đã hết hạn - PV), Công ty CP Lưới thép Bình Tây chỉ trả cho nhà nước tiền thuê khu đất 425 Âu Cơ khoảng 1,1 tỉ đồng/năm, khu đất 165/5 Nguyễn Văn Luông gần 270 triệu đồng/năm. Trong khi đó, số tiền thu được từ việc cho thuê lại mặt bằng là bao nhiêu thì chỉ Công ty CP Lưới thép Bình Tây biết.

Phải gấp rút thu hồi đất vàng - Ảnh 1.

Lô đất ở địa chỉ 792 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6, TP HCM là 1 trong 3 lô đất mà Công ty CP Lưới thép Bình Tây đang quản lýẢnh: Lê Phong

Đề cập việc sử dụng đất công, GS-TS Trần Ngọc Thơ, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, dẫn câu chuyện: Chủ nhà cho người khác thuê mặt bằng kinh doanh ở trước cửa ra vào hầm để xe. Mỗi khi lái xe về nhà, vị chủ nhà đó phải xin phép người thuê mới cho xe vào được tầng hầm. Như thế, để khỏi phải xin xỏ người khác, tại sao chủ nhà không thu hồi mặt bằng? "Tương tự, một DN của Bộ Công Thương thuê đất nhà nước trên đất TP HCM thì không có lý do gì mà UBND TP HCM phải xin phép Bộ Công Thương khi muốn sử dụng khu đất đó. Mặt khác, bên thuê không sử dụng mà cho thuê lại trong cả chục năm, tại sao UBND TP HCM không chấm dứt cho thuê, thu hồi đất để sử dụng vào mục đích cấp thiết khác" - ông Thơ đặt vấn đề.

Theo GS-TS Trần Ngọc Thơ, DN thuê đất của nhà nước rồi cho thuê lại là hết sức vô lý. Do đó ngay từ bây giờ, nhà nước cần xem xét năng lực hoạt động của từng DN để phân bổ đất đai. Ví dụ, DN thuê hoặc được cấp 10.000 m2 đất nhưng quy mô sản xuất chỉ tăng 10%, tức chỉ có năng lực sử dụng 1.000 m2 thì nhà nước cần nhanh chóng thu hồi các diện tích đất không sử dụng nhằm tránh tình trạng quyền sử dụng đất từ nhà nước bị chuyển sang tư nhân.

Cho thuê như… cho không

Tại buổi giám sát công tác quản lý, sử dụng và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước ở Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà TP vừa qua, ông Cao Thanh Bình, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, thông tin khi đi khảo sát đã phát hiện một vị trí đất hơn 200 m2 trên đường Cách Mạng Tháng Tám mà cho thuê chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Theo ông Bình, cho thuê mức giá như vậy thì nhà nước quá thất thu và hiện nay, cho thuê theo Quyết định 3396 năm 1994 thật sự gần như là cho không. Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP HCM - thông tin Sở Tài chính đã trình UBND TP giá cho thuê lâu rồi nhưng UBND TP vẫn chưa điều chỉnh.

Trong khi đó, Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà TP cho biết tính đến ngày 30-3-2017, đơn vị đang quản lý 619 căn nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước với 1.884 hộ; đã bán 6.447 căn với 11.036 hộ. Nhà thuộc sở hữu nhà nước cho thuê sản xuất - kinh doanh là 499 địa chỉ, trong đó số công ty đang quản lý là 369 căn, đã bán hoặc chuyển giao cho đơn vị khác theo quyết định của UBND TP là 130 căn.

Theo ông Hoàng Hải Đăng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), trước đây, theo Văn bản số 6650 năm 2008 của UBND TP thì có 158 địa chỉ nhà, đất được quản lý. Sau đó, tại Văn bản 766 năm 2013 của UBND TP, UBND TP tách bán nhà đất số 145ED Bình Thới, quận 11 thành 2 địa chỉ 145E và 145D nên thành 159 địa chỉ. Sau thời gian tổ chức thực hiện, xử lý theo chỉ đạo của UBND TP, đến nay, Resco đã chuyển giao 106 địa chỉ nhà, đất cho các đơn vị khác quản lý, sử dụng, chuyển đổi công năng… và bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất 14 địa chỉ nhà đất, đã và đang được Chi cục Tài chính DN ghi giảm tài sản. Do vậy, hiện Resco quản lý thực tế là 39 địa chỉ nhà, đất.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), nhìn nhận vấn đề "chảy máu" đất công diễn ra nhiều ở TP và gây bức xúc trong dư luận. Lý giải về việc một số đơn vị dù hết hạn sử dụng đất nhưng vẫn còn sử dụng và cho đơn vị khác thuê lại, ông Thắng cho biết khi hết hợp đồng, UBND TP sẽ ban hành quyết định thu hồi nhưng nhiều đơn vị chây ì trong việc thực hiện. "Giải pháp trước mắt là TP sẽ ngăn chặn việc sử dụng đất sai mục đích, sai đối tượng, đồng thời tổ chức đấu giá công khai. Về lâu dài, Sở TN-MT sẽ kiến nghị UBND TP giao cho một đầu mối trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm khi các đơn vị dùng sai mục đích gây thất thoát đất công" - ông Thắng nói.


Kiến nghị khẩn trương rà soát các loại đất

Theo ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP HCM (viết tắt là Trung tâm), đến tháng 12-2016, Trung tâm đã tiếp nhận 88 khu đất với tổng diện tích 204 ha. Trong đó, đấu giá thành là 16 khu với tổng diện tích hơn 2,1 ha; chuyển giao cho các đơn vị khác 22 khu với diện tích hơn 13,1 ha; đang triển khai công tác đấu giá 10 khu với diện tích hơn 5 ha; đang quản lý 29 khu với diện tích hơn 183 ha; đã thu hồi xử lý vướng hộ dân 11 khu với gần 1 ha; đang xử lý thu hồi 21 khu với diện tích hơn 8 ha.

Ông Lực kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND quận, huyện khẩn trương phối hợp với Trung tâm rà soát các loại đất, hiện trạng, nguồn gốc hình thành tài sản trên đất và pháp lý sử dụng đất làm cơ sở cho việc xử lý tài sản trên đất thu hồi cũng như phục vụ cho việc nghiên cứu, tạo quỹ đất làm vốn đối ứng cho các hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) của TP.

Thanh tra đất công ở huyện Côn Đảo

Ngày 13-6, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kết thúc quá trình thanh tra đất đai tại khu vật tư cũ (khu K), huyện Côn Đảo và sẽ có báo cáo cụ thể về vụ việc. Đây là khu vực có tổng diện tích hơn 6.600 m2 , nằm ở trung tâm huyện Côn Đảo và được coi là "đất vàng" của nơi này.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Côn Đảo cho tạm ngưng tất cả giao dịch liên quan khu K. UBND huyện Côn Đảo chỉ đạo trưởng phòng tư pháp huyện, giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai, trưởng phòng TN-MT huyện ngừng ngay việc tiếp nhận và giải quyết tất cả giao dịch liên quan đến đất đai, xây dựng tại khu vực này.

Liên quan đến vụ việc trên, trong năm 2017, nhiều hộ dân sống tại khu K bức xúc trước việc họ sinh sống nhiều năm nay thì không được hợp thức hóa quyền sử dụng đất nhưng mảnh đất này lại được chính quyền phân lô trên giấy tờ cho người khác.

Theo tìm hiểu, những lô đất trên thuộc các đường Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Võ Thị Sáu, Hồ Thanh Tòng. Từ năm 2004 đến 2008, UBND huyện Côn Đảo đã phân lô, cấp quyền sử dụng đất cho 23 hộ dân tại các khu 5, 6, 7 (huyện Côn Đảo). Thậm chí, có những hộ dân thường trú tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tỉnh Thái Bình, mỗi hộ trung bình 200 m2, có lô lên tới 450 m2.

Ng.Giang

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo