. Phóng viên: Sau khi có kết quả phân tích AMS từ các nhà khoa học Nhật Bản, bà có tiếp tục say sưa theo đuổi việc xác định nguồn gốc những hạt “lúa cổ” không ?
- PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội: Kết quả AMS là không thích hợp với những hạt thóc chưa chết. Trong khi đó, đây là lần đầu tiên cơ quan Institute of Accelerator Analysis Ltd tại Nhật Bản phân tích mẫu vật còn sống như thế này. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục gửi sang Nhật Bản những hạt thóc đã cháy sém để có cơ sở xác định niên đại.
. Hạt thóc sau 3.000 năm sẽ hóa thạch, thưa bà?
- Không hẳn như vậy vì ở Trung Quốc đã tìm thấy hạt thóc tồn tại tới 7.000-8.000 năm ở trong điều kiện giống như ở Thành Dền. Đây là vấn đề rất phức tạp. Tôi có tham kiến các nhà nông học Nhật Bản và được họ cho biết nếu trong môi trường hiếm khí có những hạt thóc có tuổi đời rất lớn vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Tuy nhiên, khi đưa ra ngoài không khí thì sẽ ngả màu đen.
. Hiện nay, bảo quản khả năng sinh sản của hạt lúa tối đa 100 năm trong một điều kiện hết sức nghiêm ngặt, vậy thì tuổi đời 3.000 năm của những hạt lúa do bà và các cộng sự phát hiện liệu có thực tế không?
- Tôi biết việc này. Đúng là xét về khoa học, đây là chuyện phi lý nhưng cũng phải thấy rằng hiện tượng đã xảy ra thì phải làm rõ, cần có thái độ khoa học đối với việc này. Từ đầu đến cuối, tôi không khẳng định những hạt lúa này là 3.000 năm tuổi mà chỉ nói rằng đây là những hạt thóc đãi được từ đất lấy từ hố rác bếp trong tầng văn hóa Đồng Đậu, có niên đại cách đây 3.000 năm.
. Vậy sao Viện Di truyền nông nghiệp đã dừng việc này?
- Họ dừng cũng đúng vì lúc đầu, chúng tôi cũng muốn họ phối hợp thực hiện chương trình liên ngành nhưng họ đã không đồng ý sau khi có kết quả. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm là khi khai quật sẽ mời các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác cùng tham gia và bảo quản chặt đất khai quật. Quan điểm của tôi là sẽ tiếp tục làm từng bước đối với việc này và nhờ thêm sự giúp đỡ từ các nơi khác.
Hành trình “lúa cổ” - Vào cuối tháng 4, đầu 5-2010, Bộ môn Khảo cổ học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tìm thấy một số hạt lúa tại tầng đất có niên đại 3.000 năm ở di chỉ Thành Dền (xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội). - Đầu tháng 5-2010, những hạt “lúa cổ” này bất ngờ nảy mầm và thu hút sự quan tâm của giới khoa học. - Đầu tháng 6, một số mẫu vỏ trấu của “lúa cổ” được gửi sang Nhật Bản xét nghiệm. - Tháng 8, những cây “lúa cổ” trổ bông. - Ngày 21-8, Viện Di truyền nông nghiệp tổ chức hội thảo khoa học và kết luận giống lúa khai quật tại Thành Dền là lúa hiện đại. - Cuối tháng 9-2010, phía Nhật công bố kết quả tương tự. |
Bình luận (0)