Thảo luận tại tổ về dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), chiều 26-5, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Trần Du Lịch cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân vi phạm pháp luật. Theo ĐB Lịch, quy định về xử phạt hành chính hiện hành quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Bảo vệ lợi ích xã hội
Cùng tổ TP HCM, ĐB Đỗ Văn Đương phân tích: “Tại sao xử được hành chính, kinh tế nhưng không xử được hình sự. Không thể bỏ tù, xử bắn nhưng có thể đình chỉ, cấm hoạt động, phạt tiền” - ĐB Đương đề nghị.
Đồng tình, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cũng cho rằng cần xử lý hành vi phạm tội của pháp nhân thật nghiêm minh, đủ sức răn đe, nhất là việc trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Thiếu tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nhận định việc xử phạt hành chính đối với pháp nhân không giải quyết được vấn đề mà phải xử lý hình sự mới bảo đảm quyền lợi cho người bị hại nói riêng và xã hội nói chung. ĐB Độ phân tích nếu quy trách nhiệm cho 1 người thì người bị truy cứu phải bồi thường, pháp nhân không phải bồi thường mà vụ gây ô nhiễm môi trường của Vedan, Nikotex Thanh Hóa là ví dụ.
Ngoài ra, nếu xử lý bằng biện pháp hình sự đối với pháp nhân thì cơ quan nhà nước có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại đó chứ không phải người dân. “Xử hành chính thì tự người dân phải chứng minh như vụ Vedan thì người dân chứng minh thế nào được!” - Thiếu tướng Độ dẫn chứng.
Không được nhu mì
Nhiều ĐB tổ TP HCM đề nghị chưa nên bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình là cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh như dự luật đề xuất.
ĐB Lê Đông Phong ủng hộ giảm hình phạt tử hình theo hướng giảm tội danh, giảm chủ thể nhưng đối với một số loại tội phạm thì chưa nên bỏ án tử hình. “Đừng vì áp lực làm luật mà chúng ta hạ khung hình phạt, cũng đừng vì nước ta chưa xử tội chống phá loài người nhiều mà giảm hình phạt đối với tội này” - ông Phong dẫn giải và đề nghị trong bối cảnh hiện nay, chưa nên bỏ tử hình tội cướp tài sản, phá hủy công trình an ninh quốc gia, vận chuyển trái phép chất ma túy. “Đối với tội tuyên truyền chống, phá nhà nước cũng nên giữ tử hình vì nó đe dọa sự ổn định, vững vàng của chế độ. Nhiều ý kiến cho rằng tử hình là ảnh hưởng nhân quyền nhưng theo tôi, nhân quyền cao nhất là sự ổn định chính trị của một chế độ, trong đó nhân dân được hạnh phúc” - ĐB Phong nhấn mạnh.
ĐB Đỗ Văn Đương cũng đề nghị chưa nên bỏ tội phá bỏ những công trình quan trọng và dẫn chứng đập Sông Đà, đường dây 500 KV… chỉ cần sập cột điện là toàn bộ hoạt động sản xuất rối loạn. “Một chính sách hình sự nhu mì sẽ làm nhiều người ảnh hưởng. Phải cứng rắn như lửa đỏ để cho người phạm tội sờ vào thấy sợ và những người khác không dám lăm le” - ĐB Đương nói.
Làm nhẹ tội tham nhũng?
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh băn khoăn không hiểu vì sao dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) lại theo hướng giảm nhẹ hình phạt từ ở tù xuống phạt tiền với một số tội mà cả nước đang quyết liệt đấu tranh, trong đó có tham nhũng. “Trước không có phạt tiền, mức thấp nhất là ở tù, giờ lại đề nghị phạt tiền. Có phải chúng ta đang phi hình sự hóa, làm nhẹ tội phạm. Như vậy là không được” - ĐB Ánh nêu ý kiến.
Cũng với tội tham nhũng, ĐB Đỗ Văn Đương đồng ý bỏ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. “Khi nào bắt được thì truy cứu đến tận cùng chứ không phải hết thời hiệu là thoát” - ĐB Đương nói.
Bình luận (0)