Tuy văn bản này được cấp tốc thu hồi nhưng nó đã kịp hé mở phần nào bản chất của nhiều cuộc tổ chức phản biện xã hội.
Phản biện nhằm lấy ý kiến rộng rãi của người dân và các nhà chuyên môn để hoàn thiện một chính sách hoặc một dự án mà nó tác động lớn đến dân sinh. Thế nhưng, tổ chức phản biện chỉ để tìm ý kiến đồng thuận và sẵn sàng phản đòn, phủ đầu ý kiến trái chiều như cách làm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã triệt tiêu sự nỗ lực mang đến công bằng và lợi ích cao nhất của người dân.
Từ câu chuyện trên, chúng ta cũng dễ hình dung sự thất bại của các cuộc phản biện đối với nhiều dự án kinh tế tác động tiêu cực đến tài nguyên quốc gia mà người dân đang phải gánh chịu. Hàng trăm thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên đã nuốt chửng hàng vạn hecta rừng nhưng vẫn luôn được đồng thuận của… một bộ phận không ít người. Trạm thu phí mọc lên trùng trùng cũng được "đồng thuận" của các cơ quan chức năng để rồi từng ngày nó trở thành gánh nặng đối với cuộc sống của người dân trên khắp các miền đất nước.
Vì những mục đích khác nhau, nhiều cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư đã biến các cuộc phản biện thành sân chơi riêng để hợp thức hóa dự án mang đầy lợi nhuận mà mình đã quyết. Nhiều nhà khoa học "quân xanh" dễ dàng tham gia với ý kiến hời hợt để có được lợi ích cho riêng mình. Họ cố quên và quay lưng lại với quyền thụ hưởng hiển nhiên và lợi ích của số đông người dân đối với tài nguyên quốc gia. Khoa học là phục vụ nhưng ở nhiều vụ việc nó đã trở thành món hàng để mang ra mua bán. Trong bối cảnh này, ý kiến kiên quyết bảo vệ Sơn Trà của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, bị soi mói và nhận sự hằn học cũng là điều dễ hình dung.
Điều mà người dân đang hết sức lo lắng là xuất hiện tình trạng xã hội hóa đầu tư, giao dự án để nhà đầu tư bảo tồn thiên nhiên nhưng bằng nhiều cách để trục lợi tài nguyên. Với nhà đầu tư, lợi nhuận là mục đích tối thượng. Không thể có chuyện bỏ tiền đầu tư chỉ vì tấm lòng vị dân quảng đại bởi như thế, họ đã sớm trở thành nhà từ thiện.
Muốn bảo tồn thiên nhiên cần đánh giá toàn diện các tác động mà dự án đó gây ra và hơn ai hết, những người có trách nhiệm quản lý nhà nước phải biết lắng nghe, công tâm, vì lợi ích của nhân dân, đất nước, vì tương lai của thế hệ mai sau. Với nhà đầu tư, hãy chỉ rõ những đổi thay tích cực từ dự án, sự hồi sinh của những cánh rừng, vùng đất hơn là chăm bẳm vào những địa thế trọng yếu, cảnh quan hấp dẫn hoặc vịnh biển đẹp đẽ để tìm cái lợi cho riêng mình.
Nỗi đau từ sự cố môi trường mang tên Formosa vẫn còn đó, ám ảnh chết chóc từ thủy điện vẫn luôn thường trực nên đừng để người dân phải lo toan thêm về những dự án như Sơn Trà, thép Cà Ná, phá rừng phòng hộ để nuôi bò... Sinh thời, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng thế giới Martin Luther King từng nói: "Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn vì sự im lặng đáng sợ của người tốt".
Bình luận (0)