“Chợ người" nửa đêm nơi bến cá
0 giờ đêm, cái lạnh giăng khắp khu bến cá âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng). Cụ Nguyễn Thị Giá (quê Quế Sơn, Quảng Nam), tất tả rời xóm trọ Nại Hiên Đông (Sơn Trà) vớ vội quang gánh, tấm áo lạnh bạc màu rảo bước. Bến cá rực đèn cao áp, thêm những ánh đèn hắt lên từ giàn câu mực, tàu cá vừa cập bến.
60 tuổi, dáng người gầy nhom nhưng cụ Giá tỏ ra rắn rỏi, gánh trên vai những chậu cá nặng trĩu. Hơn nửa đời người gắn với bến cá mưu sinh, cụ Giá là một trong ít “lão phu” còn sót lại với nghề. Nhà 3 con gái, 1 con trai, cụ Giá hiện có đến 2 con gái cùng nối nghiệp.
“Nghề này chắc nó chọn người. Cứ làm riết thành quen. Đêm làm, ngày ngủ bù. Hôm nào mưa bão không đi được lại thấy nhớ nhớ cái mùi bến cá” - cụ Giá bộc bạch. Ngày nào cũng thế, cụ Giá thức dậy 0 giờ, cùng các “đồng nghiệp” tập kết bến cá.
Gọi là “chợ người” vì họ bán cái duy nhất là sức khỏe. Cụ Giá chẳng nhớ cái nghề này thịnh hành từ lúc nào. Chỉ biết theo quy luật cung-cầu, cánh tư thương, đầu nậu cần có một loại hình vận chuyển cá từ chợ ra chỗ tập trung, hoặc từ ghe thuyền lên chợ. Thế là cánh phu cá ra đời. Tất thảy đều là phụ nữ.
Chị Hồ Thị Xuân Thu (30 tuổi), con gái cụ Giá hơn chục năm theo mẹ, tạm gửi 2 con nhỏ ở quê Quế Sơn ra bến cá mưu sinh. Ngày đông tàu cập bến, hai mẹ con tất bật chẳng nhận ra nhau. Nhưng những tháng cuối năm biển động, cả hai mong từng chuyến hàng kiếm sống. Chị Thu bảo: Ngày nào “chạy” tốt kiếm được hơn trăm bạc, ngày ế thì vài chục nghìn. Có khi chẳng đủ bữa ăn sáng.
Hơi lạnh phả vào khuôn mặt hằn sâu vết nhăn nheo của bà Trần Thị Học (62 tuổi, Phú Lộc, Huế). Khó nhọc lắm, bà cất 2 quang cá nặng lên vai, cố rảo bước để kịp quay chuyến mới. Duyên số tình cờ đưa bà đến với bến cá, rồi gắn luôn đời mình mưu sinh tại đây.
Nói chuyện “nghỉ hưu”, bà cười buồn: Chỉ nằm xuống mới hết lo. Giờ còn sức thì còn cố, kiếm cái ăn qua ngày. Thời thiếu nữ, lăn lóc đủ nghề làm bánh, bán hàng dạo, bà Học dạt vào Đà Nẵng, rồi theo giới thiệu, bà về bến cá. Bà Học bảo: Nghề này “độc” lắm. Vốn ít, chỉ cần vài chục bạc cho đôi quang gánh, nhưng cái chính sức khỏe, bền bỉ, dẻo dai.
Theo ông Ngô Văn Cát, Phó Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang: Bến cá lúc cao điểm có trăm mấy mươi người “phu cá”. Tất cả hoạt động tự phát, tự thỏa thuận với nhau. Phần lớn đều ở xa, có hoàn cảnh khó khăn. Do không thuộc tổ chức quản lý nào nên dịp Tết không có sự hỗ trợ, chia sẻ như những đơn vị khác.
Nghề "đụng" vào vụ
19 tuổi, Nguyễn Thị Cẩm (Phước Sơn, Quảng Nam) trông già dặn hơn với tuổi. Chọn góc phố trên con đường Nguyễn Lương Bằng (Liên Chiểu, Đà Nẵng), Cẩm trầm buồn nhìn phố thị tấp nập đón Tết, sắm sửa đèn điện, hoa cảnh. Xe bò chở túi cát lư hương, chẳng mấy khách hỏi mua. “Gần chục năm, em theo nghề bán cát cận Tết, chẳng năm nào thấy ế ẩm như năm nay. Mỗi ngày bán được vài chục túi” - Cẩm nói.
Hai mẹ con Cẩm xin người quen dùng tạm mảnh đất trống, kêu xe tải cát, tất tả hong phơi, cho vào bao rảo bán khắp các con hẻm phố phường.
Cẩm bảo: Có bao người ta mua 10.000 đồng, nhưng có người chỉ trả 4.000-5.000 đồng. Mình lấy công làm lãi. Hơn tuần lễ mà bán chưa hết xe cát. Mỗi ngày, Cẩm rong ruổi hàng chục cây số, kéo xe bò cát nặng trịch. Theo bà Trần Thị Nhung (54 tuổi), mẹ Cẩm, bán ở dưới trung tâm đắt hàng hơn nhưng mẹ con bà không có xe máy để kéo. Lên mạn phía Bắc thành phố này, nếu có sức kéo xe đi nhiều nơi thì mới bán chạy, còn không ế lắm.
Nhà bà Nhung có 5 con, 3 người ra ở riêng. Năm nào, bà cùng Cẩm rời quê ra Đà Nẵng bán cát mưu sinh. Bà Nhung nhẩm tính: Mỗi vụ Tết hên lắm thì kiếm dăm ba triệu, về sắm ít đồ lễ cúng Tết, quần áo, và một số lương thực chính.
Tết về ai cũng chộn rộn, nhưng hai mẹ con bà Nhung ăm ắp trăn trở: Ông xã ở nhà ốm mấy hôm nay, tiền dành dụm bao nhiêu đổ vào chạy chữa cả. Nhung tranh thủ ngày bán cát, tối phụ một số nhà hàng chạy bàn, rửa bát, kiếm thêm thu nhập. “Bình thường nó đi làm may công nhưng thu nhập chỉ đủ chi tiêu trong ngày. Cận Tết làm mấy cái “nghề tạp” này mới hi vọng có tiền sắm Tết”, bà Nhung nói.
Dọc đường Hùng Vương, Trần Phú, Lê Duẩn, khu chợ Cồn, chợ Hàn... hàng chục xe cát tần tảo mưu sinh. Đang vào chính vụ nên ai cũng khá tất bật.
Chị Phạm Bích Hương (35 tuổi, quê Thăng Bình, Quảng Nam) cho hay: Hơn chục người cùng quê kéo ra Đà Nẵng bán cát dịp Tết. Nghề ít vốn, lấy công làm chính nhưng nếu gặp may sẽ cải thiện thu nhập.
Hai vợ chồng chị Hương, người bán cát, người tranh thủ “bắt mối” đánh lư đồng, vệ sinh đồ trang trí, đồ thờ ngày Tết. Theo anh Bình, chồng chị Hương, đánh mỗi bộ lư đồng được vài chục ngàn đồng. Ngày nào may lắm được 2-3 bộ, coi như ổn.
Nghề không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung để có độ bóng sạch. Quanh năm nhờ vào 3 sào ruộng, đàn lợn, mỗi dịp giáp Tết, hai vợ chồng chị Hương tranh thủ ra Đà Nẵng thuê trọ, mưu sinh.
Sợ tết
Sáng sớm, xóm trọ kiệt đường Thái Thị Bôi (Thanh Khê, Đà Nẵng) tất bật đội ngũ xe rong “chuyên doanh” khoai nướng. Tổ đội gần chục xe, chủ yếu là người dân tứ xứ Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình... 38 tuổi nhưng anh Trần Đông (quê Tam Điệp, Ninh Bình) có ngót chục năm gắn bó Đà Nẵng với nghề đẩy xe khoai nướng.
Tạo món khoai “thương hiệu riêng”, mỗi dịp Đông về, Xuân tới, anh Đông rủ thêm hai vợ chồng em gái, rồi nhờ mẹ bắt xe vào Đà Nẵng giữ con nhỏ để cùng đẩy xe, mưu sinh.
Theo anh Đông, bình thường bán trên dưới trăm củ khoai, nhưng ngày gần Tết người đi chơi, dạo phố nhiều, lượng bán ra cũng khá hơn. Khoai này được anh “nhập” từ quê vào nên thơm, chắc, khi nướng có vị giòn tan, được khá nhiều người từ học sinh, thanh niên đến người lớn tuổi mua ăn.
“Ngày nào bán tốt cũng dư được vài trăm ngàn đồng. Ở quê chẳng biết làm gì kiếm ra số tiền này. Năm nào kha khá mới dám tính chuyện về quê ăn Tết, còn không phải “cố thủ” tại Đà Nẵng để hạn chế chi tiêu” - anh Đông nói.
Chỉ con phố nhỏ bùng binh Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương có đến cả chục xe khoai nướng lớn nhỏ. Nhiều “đồng nghiệp” của anh Đông còn dạt về phía mạn sông Hàn, cầu Rồng dịp khách đông để bán hàng. Anh Nguyễn Lương (quê Thường Tín-Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) cho hay: Mùa cao điểm nên có đến cả trăm xe khoai nướng dọc ngang khắp các ngã ba, tư của Đà Nẵng. Theo anh Lương, thu nhập từ nghề nướng khoai chỉ tiêu vài ngày Tết là hết sạch.
Ngồi nghỉ tạm bên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hải Châu, Đà Nẵng), bà Trần Hồng (56 tuổi, quê Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) thở dài nhìn chồng vé số dày cộm. Hơn nửa ngày rảo bước khắp các ngõ phố, quán cà phê, tiệm ăn... nhưng bà Hồng chỉ bán hơn chục vé.
Nhắc đến Tết, giọng bà trầm buồn: Ngày thường còn khó kiếm đủ cái ăn, huống chi ngày Tết. Năm nào, bà Hồng cố lắm cũng chỉ sắm đĩa hương hoa bàn thờ, sửa soạn bữa tất niên nhỏ cho con cái sum họp. Có khi mới mồng 2 Tết, bà tranh thủ bắt xe ra Đà Nẵng để chạy vé số sớm.
“Tết của người giàu, không của người nghèo”, giọng ông Tạ Văn Quảng (58 tuổi, Thanh Khê Tây, Thanh Khê, Đà Nẵng) chua chát. Ông Quảng làm nghề phu xe, chuyên kéo vật liệu xây dựng trên đường Hà Huy Tập. Hơn nửa năm nay, kinh tế khó khăn, các công trình xây dựng nhà cửa giảm, người thuê ít hẳn. Nhà nghèo, con ông Quảng bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, mất kiểm soát hành vi, thường xuyên phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Bình luận (0)