Ngày 23-7, Công an Hải Phòng cho biết vừa triệt phá một đường dây thi hộ với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi ở một số địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Theo thông tin từ Công an TP Hải Phòng, ngày 2-7, trong thời gian thi môn vật lý kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi Trường ĐH Hải Phòng, giám thị đã phát hiện thí sinh Phạm Xuân Luật có hành vi sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi và gửi ra ngoài.
Ngay sau đó, Công an TP Hải Phòng đã vào cuộc điều tra và xác định Luật chuyển hình ảnh đề thi ra ngoài cho các đối tượng trong đường dây thi thuê, đang chờ sẵn để giải và đọc lời giải vào trong phòng thi cho thí sinh.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, đường dây “thi hộ” này gồm nhiều đối tượng là sinh viên đang theo học tại một số trường đại học, quê ở Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương… sử dụng nhiều phương thức tinh vi để thực hiện hành vi gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Chúng sử dụng một chiếc điện thoại di động được ngụy trang bằng cách lắp vỏ bên ngoài là máy tính cầm tay để thí sinh mang vào phòng thi.
Điện thoại di động được "ngụy trang" là máy tính
Chiếc điện thoại ngụy trang thành máy tính cầm tay cũng cài sẵn chế độ tự động nhận thông tin gọi đến để nhóm đối tượng “thi thuê” ở bên ngoài đọc lời giải vào trong phòng thi.
Cùng với đó, cơ quan công an phát hiện thí sinh Phạm Xuân Luật còn được trang bị một thiết bị nghe siêu nhỏ (phù hợp đặt trong vành tai) mang vào phòng thi để dễ dàng nhận lời giải bài thi.
Theo tài liệu điều tra, vào sáng 1-7, trong buổi thi môn toán, các đối tượng trong đường dây thi thuê này đã chuyển lời giải vào trong cho Luật được 8,5/10 câu. Đến buổi thi môn vật lý chiều 2-7 thì hành vi gian lận thi cử bị phát hiện.
Quá trình điều tra cho thấy trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, ngoài trường hợp trên thì đường dây thi thuê này còn nhận giải đề thi thuê các môn toán, vật lý, ngữ văn và tiếng Anh cho một thí sinh ở Nghệ An.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, đường dây thi thuê này một đối tượng tên là Nguyễn Thị Huyền đứng đầu, lập một Fanpage dưới hình thức “nhóm kín” trên mạng xã hội để quảng cáo các dịch vụ học hộ, thi hộ. Những đối tượng điều hành trang này sẽ chủ động tìm hiểu thông tin của các thí sinh có nhu cầu, sau đó trao đổi và thoả thuận, cấu kết thực hiện hành vi gian lận thi cử.
Bình luận (0)