Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là Trung tâm) vừa gửi thông báo khẩn đến các đơn vị vận tải xe buýt về việc phát hiện vé xe buýt giả trà trộn với vé do Trung tâm phát hành. Loại vé giả là 4.500 đồng/lượt và 3.750 đồng/lượt, có hình thức và mẫu mã không khác gì vé thật.
Khó phân biệt
Đưa chúng tôi xem một mớ vé xe buýt giả, bà Nguyễn Thị Ngọc Liễu, Phó Chủ nhiệm HTX 19-5, lắc đầu: “Rất khó phân biệt! Ngay cả khi Trung tâm hướng dẫn kỹ càng cách phân biệt cho tiếp viên mà họ cũng không phát hiện, mỗi ngày mang vé về kiểm đếm đều có vé giả lẫn lộn”.
Theo bà Liễu, khi nhận được thông báo của Trung tâm yêu cầu thu về tất cả các vé tập, chỉ trong 20 ngày (từ 1 đến 20-7), HTX 19-5 đã phát hiện gần 6.000 vé giả, trong đó gần 5.000 vé loại 4.500 đồng/lượt. Đó là chưa kể số vé giả từ đầu năm nay đến ngày 1-7.
Để hạn chế tình trạng này, HTX đã dán thông báo phân biệt vé thật - giả tại HTX và nhiều ga xe buýt để nhân viên nhận dạng. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của HTX là liệu số lượng vé giả đã tiêu thụ trước đây có được tính vào sản lượng vận chuyển hay các HTX và xã viên phải chịu thiệt?
Tại HTX Quyết Thắng, từ ngày 1 đến 20-7 cũng phát hiện 700 vé giả/36.000 vé. Mỗi ngày, nhân viên HTX phải làm thêm giờ để kiểm đếm và phân loại vé thật - giả nhưng khi nộp số lượng vé lên Trung tâm vẫn bị phát hiện thêm một số vé giả. Gần đó, Liên hiệp HTX Vận tải TP cũng đau đầu vì số lượng vé giả chiếm khoảng 20% tổng số vé bán ra, mỗi ngày có 3-4 nhân viên căng mắt để lọc vé thật - giả.
Không chỉ huy động thêm nhân viên, HTX Vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng phải sắm 4 kính lúp để nhân viên soi vé khi kiểm đếm mỗi ngày. Ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm HTX, ngán ngẩm nói: “Bằng mắt thường rất khó nhận ra, kiểm 3.000 vé thì phát hiện 102 vé giả rồi. Chúng tôi cũng đau đầu lắm!”.
Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn, những ngày này cũng tăng cường thêm nhân viên để lọc vé thật - giả. Công việc này ngốn không ít thời gian nhưng việc phát hiện không phải dễ bởi các chi tiết trên vé quá nhỏ. Ông Nguyễn Hồ Minh, phó giám đốc công ty, cho biết hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng vé giả nhưng mỗi ngày đều phát hiện không ít.
Hành khách, doanh nghiệp chịu thiệt
Là nạn nhân của vé xe buýt giả, bà Võ Thị Đem (ngụ quận 3) bức xúc: “Ngày 24-7, như thường lệ, tôi đón xe buýt tuyến số 4 từ An Sương về Sài Gòn, khi chìa vé ra thì nhân viên cho biết vé giả và yêu cầu mua vé lượt. Tôi thắc mắc vì tập vé đã được mua từ một nhân viên bán vé trên tuyến xe này và đã sử dụng gần hết, chỉ còn 3 vé. Nhân viên này chỉ dẫn cách phân biệt thật - giả nhưng tôi không tài nào phát hiện được”.
Theo bà Đem, lúc đó, bà cũng đưa thêm 1 tập vé mới mua ngay tại điểm bán trước văn phòng vé Bến xe Củ Chi cho nhân viên này xem và lại được trả lời “vé giả”. Hoang mang, bà đến gặp một nhân viên trong phòng bán vé của Bến xe Củ Chi, người này cho biết mua trong phòng vé thì bảo đảm, còn mua ngoài không chắc vé thật hay giả.
“Mua vé trước phòng vé này, người bán mặc đồng phục áo màu xanh của nhân viên điều hành trong bến xe, làm sao tôi nghi ngờ được? Bến xe phải có trách nhiệm cảnh báo hành khách để họ không mua nhầm vé giả, sao lại để hành khách phải mất tiền?” - bà Đem nói.
Ngoài bà Đem, rất nhiều hành khách lỡ mua phải vé tập giả phải ngậm ngùi chịu thiệt bởi đến nay, ngoài việc cảnh báo thì các đơn vị xe buýt và Trung tâm chưa có cách xử lý rốt ráo về loại vé giả này.
Chưa kể, số lượng vé giả mà các doanh nghiệp, HTX lỡ tiêu thụ trong thời gian qua nhiều khả năng sẽ không được tính vào sản lượng vận chuyển. Ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP, cho biết: “Năm 2012, khi phát hiện hàng loạt vé tập sinh viên giả, chúng tôi đã chịu thiệt vì không được tính vào sản lượng vận chuyển của năm. Nếu năm nay vẫn cách tính như vậy thì xã viên và HTX lại lao đao”.
Ông Hải kiến nghị trong khi chờ đợi các giải pháp căn cơ, để hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp và hành khách, Trung tâm nên bỏ loại vé tập này và chuyển sang sử dụng vé lượt cho tất cả hành khách. Đối với công nhân, nếu muốn hưởng ưu đãi, chỉ trả 4.000 đồng/lượt như sinh viên hiện nay thì xuất trình thẻ.
Cách phân biệt vé thật - giả
Theo Trung tâm, có 2 chi tiết để phân biệt vé thật - giả: Đối với vé tập loại 3.750 đồng/lượt, ở dòng chữ “Có giá trị đến 31/12/2014”, trên vé thật, dấu “/” ngay sau số “31” có ngắt quãng. Đối với vé tập loại 4.500 đồng/lượt, trên vé thật, dấu “/” ngay sau số “12” có ngắt quãng. Ngoài ra, đối với cả 2 loại vé này, trên vé thật, tại dòng chữ “In tại Công ty TNHH MTV In Thống kê TP HCM - Mã số thuế: 0300459556”, dấu chấm (.) trên ký tự “i” của chữ “tại” được đặt giữa ký tự “a” và “i”.
Cũng có loại vé giả, các ký tự như trên giống với vé thật nhưng dòng chữ in chìm “Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải Hành khách Công cộng” mờ và nhòe đi, không thấy rõ.
Trung tâm cũng yêu cầu trường hợp phát hiện hành khách sử dụng vé tập giả, nhân viên nên đề nghị họ hợp tác, cung cấp một số thông tin cần thiết về điểm mua vé tập để có cơ sở chuyển cơ quan chức năng giải quyết. Nhân viên bán vé không được lợi dụng việc này để buộc hành khách mua vé lượt.
Bình luận (0)