Nhận định trên của một người nước ngoài có thể khiến người Việt chạnh lòng. Dù có vẻ ngoa ngôn song ngẫm lại, đó là nhận xét đúng. Bởi lẽ, một số người Việt ngày càng cẩu thả và vô kỷ luật. Thế giới ngày càng tiến bộ, cư dân nhiều nước đều ứng xử ngày càng văn minh hơn thì không ít người Việt chúng ta lại đi thụt lùi. Trên đường phố, nhất là ở TP HCM, hình ảnh người chạy xe máy ngang nhiên nhổ nước bọt xuống đường bất chấp quanh mình đầy người, đầy xe đã thành… chuyện thường, ai không kịp tránh thì hứng chịu. Mỗi sáng, trên nhiều ngả đường, rác vứt bừa bãi, không ít xác chuột chết nằm giữa dòng xe qua lại.
Cứ sau mỗi đợt lễ, Tết, một sinh hoạt cộng đồng là các sân bãi, công viên tràn ngập rác thải. Người ta đến chơi, ăn uống rồi xả rác ngay tại chỗ mà không biết bỏ vào túi, không bỏ vào thùng rác dù chỉ cách vài bước chân. Hình ảnh bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghịt người sau khi địa phương này từ thị xã "lên đời" thành phố làm bao người yêu xứ Thanh vui bấy nhiêu thì chỉ vài ngày sau lại buồn lòng bởi nước thải đen sì chảy ra, suốt một dải bờ biển ngập rác thải. Cũng như Sầm Sơn, tại hồ Hàm Lợn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội là cảnh rác ngập ngụa. Rất đông nam thanh nữ tú đến cắm trại, sinh hoạt ven hồ rồi xả rác, biến nơi đây trở nên bẩn đến xốn mắt.
Có nhiều lý do để biện giải cho tình trạng này, từ hoàn cảnh cụ thể từng vụ việc đến tính cách của nhiều người Việt: Không ngại ở bẩn, "nhìn nhau mà làm", cơ quan chức năng không làm, mình nói hay làm gì hoặc tự nhủ rằng chịu đựng lần này, lần sau cạch không đến nữa. Cứ thế, sau mỗi mùa du lịch, cảnh quan môi trường xuống cấp và bẩn hơn, nhếch nhác hơn.
Nhìn lại những ngày lễ vừa qua, đáng khen ngợi cho chính quyền TP Vũng Tàu. Trước đây, Vũng Tàu nổi tiếng về hàng quán chặt chém, bãi biển dơ bẩn, khách sinh hoạt bầy hầy. Năm qua, Vũng Tàu đã chấn chỉnh bằng sự quyết liệt, không cho bán hàng rong, không bày ăn nhậu trên bãi biển, làm sạch cảnh quan các bãi tắm và giám sát kỹ hàng quán. Dịp lễ vừa qua, Vũng Tàu mở đường dây nóng, tiếp nhận và xử lý ngay các ý kiến về dịch vụ phòng, về xả rác, về an ninh trật tự. Nhờ đó không còn tình trạng bán hàng ăn với giá "cắt cổ", các bãi biển vừa qua đầy kín người nhưng khá sạch sẽ và ngăn nắp.
Thành công của Vũng Tàu cho thấy nếu chính quyền quyết tâm thực hiện chủ trương và giám sát tốt, người dân đồng lòng, tuân thủ các quy định thì tình hình được cải thiện tích cực. Nói cách khác, "rác" còn do ở trong đầu, trong nhận thức và ý chí hành động mà ra. "Rác" còn do sự nương nhẹ, do khâu tổ chức và thực hiện không khoa học, không nghiêm ngặt.
Dù vẫn còn những hạn chế nhưng thực tế ở Vũng Tàu là minh chứng sinh động. Các TP lớn khác nên xử phạt hành chính mạnh tay theo luật định để làm gương. Khi không có sự tự giác thì pháp luật phải ra tay mới mong cải thiện được thực trạng buồn.
Bình luận (0)