Phi công Nguyễn Thành Trung không loại trừ khả năng chiếc MH370 còn bay thêm được 4 giờ nếu Boeing có dữ liệu máy bay này vận hành 5 giờ sau khi cất cánh
Ông Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, đồng thời là một trong những phi công Boeing 777-200 đầu tiên của Vietnam Airlines - cho biết theo chương trình bảo dưỡng và giám sát định kỳ của hãng sản xuất động cơ, nhà chế tạo Boeing có gắn thiết bị theo dõi động cơ máy bay để kịp thời đưa ra khuyến cáo bảo trì cho hãng hàng không.
Các số liệu được tự động tải và gửi cho mặt đất từ các động cơ của chiếc Boeing 777. Nhờ thiết bị này, trung tâm dữ liệu của Boeing biết được máy bay bay bao nhiêu giờ, khi nào tắt động cơ.
Theo ông Trung, nếu Boeing có dữ liệu là máy bay số hiệu MH370 của Malaysia Arlines vận hành 5 giờ kể từ khi cất cánh thì khả năng chiếc máy bay này còn bay khoảng 4 giờ nữa sau thời điểm biến khỏi màn hình radar không lưu là hoàn toàn có thể xảy ra. “Vấn đề là cần xác định máy bay bay đi đâu, khi nào dừng lại” - ông nói.
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho biết các nhà điều tra Mỹ đang xem xét khả năng máy bay MH370 bay tổng cộng 5 giờ, dựa trên các dữ liệu mà 2 động cơ Trent 800 của chiếc máy bay tự động thu thập và chuyển về cho hệ thống bảo trì động cơ toàn cầu mà hãng chế tạo Rolls-Royce ký với hàng không Malaysia.
Điều này đồng nghĩa với việc chiếc MH370 còn có thể bay thêm hàng trăm km sau khi biến mất khỏi màn hình radar sau khoảng 1 giờ sau khi khởi hành.
Tuy nhiên, ngay sau đó Quyền Bộ trưởng giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein đã khẳng định thông tin chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines tiếp tục bay khoảng 4 giờ sau khi mất tín hiệu là không chính xác.
Trong khi đó, theo các thỏa thuận bảo trì giữa hãng sản xuất động cơ và Malaysia Airlines, hãng hàng không sẽ chuyển các số liệu cho Rolls-Royce để phân tích. Hệ thống sẽ thu thập dữ liệu ở bên trong 2 động cơ Trent 800, bao gồm các thông tin về hoạt động, độ cao và tốc độ của máy bay, và chuyển về trung tâm dữ liệu của Rolls-Royce.
Phi công Nguyễn Thành Trung cũng cho biết một máy bay khi cất cánh sẽ được theo dõi bởi 2 hệ thống radar, gồm radar thứ cấp của hệ thống đài kiểm soát không lưu và hệ thống radar sơ cấp do quân sự kiểm soát.
Một chuyến bay thương mại sẽ được đặt code radar để các đài không lưu mặt đất theo dõi, kiểm soát. Khi các thiết bị liên lạc bị ngắt, đài không lưu sẽ không bắt được tín hiệu, không kiểm soát được hoạt động của máy bay nhưng khi máy bay còn trên không trung thì radar sơ cấp vẫn bắt được tín hiệu của máy bay nếu hệ thống radar này có hoạt động vào thời điểm MH370 vẫn đang bay trên trời.
“Cho nên thông tin mà Boeing cung cấp càng là khả năng có thể xảy ra vì trước đó, quân đội Malaysia xác nhận bắt được tín hiệu MH370 tại khu vực gần eo biển Malacca” - phi công Nguyễn Thành Trung nhìn nhận.
Đặt tình huống là máy bay bị khống chế, chỉ cần có kiến thức sơ bộ về kỹ thuật là kẻ đột nhập buồng lái có thể tự tay ngắt hết các thiết bị liên lạc vì thao tác này không phức tạp. “Nhưng ngay cả trong trường hợp có kẻ đột nhập, việc tổ lái không có bất cứ phản ứng gì, không thốt lên một tiếng nào là hết sức ngạc nhiên” - phi công kỳ cựu đặt nghi vấn.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, sau vụ khủng bố 11-9, tất cả cửa buồng lái máy bay thương mại đều được gia cố, chỉ khi tổ bay bấm nút thì cửa mới mở ra. Tiếp viên trưởng muốn vào phục vụ phải liên lạc trước qua hệ thống điện thoại trên máy bay, đọc đúng code đã thỏa thuận từ trước giữa tổ bay và cabin. “Nếu gõ cửa cũng phải gõ đúng tín hiệu đã thống nhất” - ông Trung cho biết thêm.
“Khi đã khống chế được cabin, kẻ đột nhập hoàn toàn có thể để chế độ lái tự động tiếp tục bay theo hành trình định sẵn hoặc điều khiển máy bay theo hướng khác mà không bị radar hàng không phát hiện, cho đến khi hết nhiên liệu mới dừng lại hoặc rơi xuống” - ông Trung nói.
Bình luận (0)