Theo ông Lim, phi công thường sử dụng vô tuyến VHF để liên lạc trong phạm vi 402 km. Đối với quãng đường dài hơn, họ sẽ chuyển sang liên lạc bằng vô tuyến HF có phạm vi lên tới 1.609 km.
Bên cạnh đó, nếu phi công muốn tuyên bố tình trạng khẩn cấp, họ có thể khởi động Hệ thống Điều khiển Liên kết Dữ liệu (CPDLC) tích hợp sẵn trên máy bay.
Trả lời phỏng vấn tờ The Star Online, ông Lim cho rằng chiếc Boeing 777-200 được trang bị CPDLC nhưng có thể vì trục trặc nào đó mà phi hành đoàn đã không dùng đến hệ thống này.
Cơ trưởng về hưu Lim Khoy Hing của Malaysia cho rằng máy bay bị mất tích trong điều kiện an toàn nhất.
Ảnh: Air Asia
Vào thời điểm chuyến bay MH370 mất liên lạc ở độ cao hơn 10,6 km (35.000 feet), phi công sẽ cần thời gian khoảng 5 phút để đưa máy bay xuống độ cao an toàn (10.000 feet). Ở trạng thái này, hành khách không cần dùng tới mặt nạ dưỡng khí và phi công có đủ thời gian thực hiện một cuộc gọi cấp cứu SOS.
“Các phi công được đào tạo để xử lý trong tình huống khẩn cấp. Trạm kiểm soát không lưu có cùng tần số sẽ nghe thấy cuộc gọi và thiết lập chế độ ưu tiên để máy bay có thể hạ cánh an toàn” – ông Lim cho biết thêm.
Cơ trưởng Lim Khoy Hing – người có 9 năm kinh nghiệm điều khiển chiếc B777-200 của Malaysia - đã đồng tình với ý kiến của các chuyên gia hàng không Mỹ trên Đài CNN rằng máy bay biến mất vào thời điểm được nhận định là an toàn nhất cùa hành trình bay.
Máy bay được cho là mất liên lạc vào lúc 2 giờ 40 phút sáng 8-3, sau khi cất cánh 2 tiếng từ sân bay Kuala Lumpur hướng về Bắc Kinh. Ông Richard Quest, chuyên gia hàng không của CNN, nhận định: “Ở thời điểm đã bay được 2 giờ, có thể nói máy bay ở giai đoạn ổn định và tự hành, giai đoạn an toàn nhất. Vào thời điểm đó, phi công chỉ thực hiện những điều chỉnh rất nhỏ về độ cao trong lúc nhiên liệu được tiêu thụ và máy bay cứ thế lên cao".
Lúc đó, ảnh vệ tinh thời tiết ở Đông Nam Á cho thấy không có hiện tượng thời tiết đặc biệt nào trong khu vực.
Ngoài ra, B777-200 được trang bị công nghệ hiện đại nên khó có thể gặp phải sự cố kỹ thuật. Cách xử lý tình huống của phi công là điều đáng nói trong trường hợp kể trên.
Theo thông tin điều tra sơ bộ, cơ trưởng trong chuyến bay của Malaysia Airlines (MAS) được xác định là Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, người Malaysia. Ông đã có kinh nghiệm 18.365 giờ bay và làm việc tại MAS từ năm 1981. Cơ phó Fariq Ab. Hamid, 27 tuổi, người Malaysia, có kinh nghiệm 2.763 giờ bay và làm việc tại MAS từ năm 2007.
Bình luận (0)