Trong đó, phí tham quan chiếm khoảng 7%-10% tổng giá tour, những điểm đến có nhiều di sản văn hóa thì phí tham quan cao hơn. Chi phí cầu đường, bến bãi chiếm khoảng 5% nữa. Tại một số địa phận (như Bình Dương và Bình Phước), trạm thu phí dày đặc làm tăng chi phí vận tải.
Vô lý nhất là các khoản như ngủ đêm ở vịnh Hạ Long phải đóng phí, qua đêm ở cao nguyên đá Y Tý (Lào Cai) phải đóng cho địa phương thêm 20.000 đồng/khách. Hoặc tại nhiều điểm đến, dù đã đóng tiền bến bãi nhưng lực lượng chức năng địa phương vẫn thu thêm. Các khoản phí này dù nhiều hay ít vẫn gây bất lợi cho doanh nghiệp (DN).
Hóa đơn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cũng là một vướng mắc lớn đối với DN lữ hành. Trên đường tour, một số điểm cung cấp dịch vụ ăn uống, vé tham quan không xuất hóa đơn GTGT mà xuất hóa đơn trực tiếp hoặc không có hóa đơn, đến khi về quyết toán lại thì công ty phải xuất tiền túi trả thuế GTGT 10% trên các hóa đơn này và rất khó để tính vào chi phí để cân đối giá tour. Vì thế, trong quyết toán thuế, các hãng lữ hành cũng gặp khó khăn do không chạy theo kịp và khắc phục những phát sinh trên đường tour nên bị thiệt.
Thực trạng trên đòi hỏi nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN bằng cách thống nhất biểu mẫu hóa đơn để DN hạch toán dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần bỏ bớt trạm thu phí để giảm chi phí vận tải, qua đó góp phần kích cầu du lịch.
Lĩnh vực quảng cáo cũng “khóc ròng” vì thuế, phí. Ông Đỗ Kim Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo quảng cáo Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo An Tiêm - than phiền: “Luật Quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, theo đó các DN không cần xin giấy phép quảng cáo mà chỉ cần đăng ký quảng cáo. Quy định này tưởng dễ dàng, thuận lợi cho DN nhưng thực tế tình hình còn tệ hơn trước. Theo quy định này, DN quảng cáo ngoài trời không phải tốn phí, mất thời gian đi làm giấy phép đăng ký quảng cáo mà chỉ cần làm đơn xin tiếp nhận quảng cáo (trước đây, bộ hồ sơ xin phép đăng ký phải qua rất nhiều sở, ngành chức năng và có khi kéo dài cả năm vẫn chưa xin được giấy phép). Tuy nhiên, đến nay, TP HCM vẫn chưa có quy hoạch các điểm treo quảng cáo ngoài trời nên hồ sơ xin tiếp nhận quảng cáo ngoài trời chỉ có hiệu lực trong vòng 6 tháng, sau 6 tháng DN phải làm lại hồ sơ xin tiếp nhận quảng cáo với đầy đủ giấy tờ, thủ tục kèm theo khá phiền hà. Càng phiền hà rối rắm thì càng kéo theo nhiều loại phí “không tên”.
Bên cạnh đó, do chưa có quy hoạch điểm treo quảng cáo, các DN rất khó xin đặt bảng quảng cáo ở những vị trí mới chưa được đưa vào quy hoạch, chẳng hạn ở bên kia bờ sông Sài Gòn. Nghịch lý ở chỗ cùng một vị trí mới không có trong quy hoạch mà vẫn có những DN xin được tiếp nhận quảng cáo và dựng pa-nô lên tại đó.
DN nào có quan hệ, biết chung chi thì được đặt quảng cáo ở những vị trí chưa quy hoạch, đắc địa, giải quyết thuận lợi… Các khoản chung chi không chính thức này góp phần đẩy chi phí lên cao, hệ quả là giá quảng cáo chót vót.
Ví dụ, pa-nô đặt ở khu vực chợ Bến Thành có giá khoảng 150.000-200.000 USD/năm, trong đó tiền thuê mặt bằng chiếm khoảng 25%, tiền thi công chiếm khoảng 10%, hơn 50% còn lại chắc chắn không chảy hết vào túi DN.
Các loại phí “không tên” trong ngành quảng cáo tồn tại nhiều năm nay và chỉ có thể khắc phục dần nếu nhà nước cải cách quyết liệt và lành mạnh hóa thủ tục hành chính, tạo sân chơi bình đẳng, công khai cho DN.
Cao hơn các nước đang phát triển
TS Vũ Sỹ Cường (Khoa Tài chính công Học viện Tài chính) cho biết hệ thống thuế, phí của Việt Nam có thuế gián thu gồm: GTGT, tiêu thụ đặc biệt, xuất nhập khẩu; thuế trực thu gồm: thu nhập DN, thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường. Ngoài ra, một số thuế tài sản cũng được xếp vào loại này vì Việt Nam chưa có thuế tài sản đúng nghĩa, như thuế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng đất phi nông nghiệp… Chưa kể một số loại thu khác có tính chất như thuế nhưng Việt Nam gọi là lệ phí, như lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký nhà đất…
Theo ông Cường, không thể so sánh hệ thống thuế của Việt Nam với các nước trên thế giới vì mức thu thuế còn liên quan đến mức sống của người dân, mức độ đầu tư trở lại của nhà nước từ nguồn ngân sách thu về đó… “Muốn so sánh phải có sự quy đổi cũng như công trình nghiên cứu so sánh cụ thể từng loại thuế để thấy vì sao Việt Nam lại thu thuế ở mức đó. Thực tế, so với châu Âu thì mức thu thuế của Việt Nam thấp nhưng so với các nước đang phát triển thì mình cao hơn” - ông Cường đánh giá.
Bình luận (0)