xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phòng bệnh tay chân miệng khi thời tiết giao mùa

N.Dung

(NLĐO)- Trong những đợt bùng phát dịch, bệnh tay chân miệng ở trẻ em đã trở thành nỗi lo lắng của nhiều cha mẹ bởi nó có thể dẫn đến tử vong nếu xảy ra biến chứng. Vậy làm thế nào để phòng tránh, chẩn đoán được bệnh chân tay miệng?


Thăm khám cho trẻ

Thăm khám cho trẻ

Tay chân miệng là một trong những bệnh ngoài da do nhiễm virus thường gặp ở trẻ em. Đây đã trở thành nỗi lo thường trực của nhiều gia đình tại Việt Nam bởi khả năng lây nhiễm cao và dễ gây nhiều biến chứng.

Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi họng, mụn nước hay phân của người nhiễm virus. Vì vậy, bệnh tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt ở những địa điểm sinh hoạt tập thể như trường học... Trong khi đó, với kiểu thời tiết nắng, nóng, mưa nhiều thất thường như thời gian qua đang là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh.

Vậy làm sao để phòng ngừa cũng như điều trị bệnh tay chân miệng an toàn, hiệu quả cho trẻ nhỏ và người dân?


Biểu hiện bệnh tay chân miệng

Biểu hiện bệnh tay chân miệng

Để cung cấp những thông tin hữu ích cho độc giả về phòng ngừa, điều trị bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Phòng chống bệnh tay chân miệng” vào 14 giờ chiều nay, ngày 20-12-2016.

Tham gia trả lời trực tuyến các câu hỏi của quý độc giả gồm: Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hằng Nga, Chuyên viên Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế); Thạc sĩ- bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương và PGS- TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.


Các khách mời tại cuộc giao lưu trực tuyến

Các khách mời tại cuộc giao lưu trực tuyến

Mời bạn đọc quan tâm tới chương trình đặt câu hỏi trực tiếp bên dưới:

Nguyễn Quyết

  14:45 ngày 20/12/2016

Xin các bác sĩ cho biết khi bé có biểu hiện bị bệnh thì cần phải làm gì để sơ cứu không? Khi nào cần đưa bé đến viện? Bệnh có thể tự khỏi không?

Bs Đỗ Thiện Hải

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nếu được chăm sóc tốt và không có biến chứng có thể khỏi trong vòng 5- 7 ngày. Trường hợp có các biến chứng xảy ra thì cần điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên ngành truyền nhiễm và hồi sức. Các triệu chứng nhận biết tình trạng nặng như: sốt cao liên tục không hạ được nhiệt độ, giật mình, đi lại loạng choạng, kích thích vật vã, quấy khóc vô cớ...

Hồng Anh

  14:45 ngày 20/12/2016

Thưa bác sĩ, bệnh tay chân miệng có lây trong quá trình ủ bệnh không ạ?

Bs Đỗ Thiện Hải

Bệnh tay chân miệng có thể lây trong quá trình ủ bệnh và sau khi mắc bệnh. Thời gian lây là một tuần trước khi có triệu chứng và sau khi mắc bệnh 1- 2 tuần.

Anh Nam

  14:45 ngày 20/12/2016

Bác sĩ cho em hỏi là vệ sinh nhà cửa bằng nước lau nhà thông thường thì có diệt được virus không? Với từng khu vực trong nhà (như nhà vệ sinh, nhà bếp, nền nhà, bàn học...) thì có dùng được chung một loại nước vệ sinh được không?

Bs Lê Hằng Nga

Nước lau nhà thông thường chưa được chứng minh là có hiệu quả diệt khuẩn nên có thể được sử dụng để vệ sinh nhà cửa hàng ngày. Tuy nhiên, cần khử khuẩn hàng tuần bằng dung dịch Cloramin B và Javel với nồng độ được quy định khi nhà có người mắc bệnh tay chân miệng hoặc xung quanh có dịch bệnh tay chân miệng.

Dung dịch Cloramin B và Javel có để dùng chung để vệ sinh và khử khuẩn cho tất cả các khu vực trong nhà.

Hồng Mai

  14:51 ngày 20/12/2016

Phụ nữ mang thai có thể mắc tay chân miệng không, và mức độ ảnh hưởng như thế nào?

PGS- TS Bùi Vũ Huy

Người phụ nữ khi có thai thường có sự giảm khả năng đề kháng của cơ thể, hay nói cách khác  là giảm khả năng miễn dịch. Vì vậy, phụ nữ có thai hay nhiễm bệnh, bao gồm cả bệnh tay chân miệng, nếu dịch xẩy ra tại địa phương sinh sống.

Tuy nhiên, biểu hiện bệnh ở phụ nữ có thai không điển hình như mô tả ở trên. Cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học các virus gây bệnh tay chân miệng gây các ảnh hưởng đến thai nhi, như: sẩy thai, đẻ non, dị tật.

Song, nếu người mẹ bị mắc bệnh tay chân miệng trước khi sinh thường có nguy cơ lây truyền virus này sang con (lây theo đường tiêu hoá, tay nhiễm virus) và nếu trẻ mắc bệnh trong 2 tuần đầu sau sinh thì bệnh thường rất nặng với các biểu hiện suy các tạng (như viêm não, suy tuần hoàn, suy chức năng gan…)

Hải Minh

  14:51 ngày 20/12/2016

Việc vệ sinh bàn tay có ý nghĩa như thế nào? Cần vệ sinh bằng cái gì và vào những thời điểm nào?

Bs Đỗ Thiện Hải

Như tôi đã nói ở trên, vệ sinh bàn tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn nhằm loại bỏ virus gây bệnh tay chân miệng và các loại vi khuẩn gây bệnh khác. Nên rửa tay bằng các loại xà phòng thông thường.

Nguyễn Dũng

  14:51 ngày 20/12/2016

Xin bác sĩ cho hỏi phòng bệnh ở trường và ở nhà khác nhau như thế nào? Vì sao trẻ đi học ít mắc hơn trẻ ở nhà?

Bs Đỗ Thiện Hải

Phòng bệnh ở trường hay ở nhà thì đều như nhau, bao gồm các biện pháp như sau: lau sạch bề mặt đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa, rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn. Cho trẻ ăn uống tốt, tiêm đầy đủ vắc-xin, nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ. Khi trẻ đã mắc bệnh không nên cho trẻ khác tiếp xúc hoặc chơi cùng.

Hữu Dũng

  14:51 ngày 20/12/2016

Xin bác sĩ cho biết việc trẻ bị mắc tay chân miệng có phụ thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của trẻ không?

Bs Đỗ Thiện Hải

Nếu trẻ có cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh mãn tính, bệnh bẩm sinh... thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi tiếp xúc với virus gây bệnh và bệnh có nguy cơ nặng hơn so với trẻ bình thường. Trẻ khoẻ mạnh thì ít có nguy cơ mắc bệnh hơn

Trần Dũng

  14:52 ngày 20/12/2016

Biện pháp tốt nhất hiện nay được đưa ra đề phòng tay chân miệng lây lan thành dịch là gì?

Bs Lê Hằng Nga

Xin được trả lời câu hỏi của bạn như sau: Biện pháp tốt nhất hiện nay được đưa ra để phòng bệnh tay chân miệng là tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, vệ sinh môi trường. Đồng thời, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới để cách ly và tiến hành các biện pháp khử khuẩn đề phòng lây truyền mầm bệnh ra cộng đồng.

Nắng SG

  14:52 ngày 20/12/2016

Xin chào bác sĩ ! Xin cho hỏi bệnh tay chân miệng này hiện đã có vắc-xin đặc trị chưa ? Tôi sống trong Sài Gòn, nhưng nhà tôi thiếu nắng lắm. Hay cho cháu phơi nắng cùng các bé hàng xóm, vậy có nguy cơ lây nhiễm không? Cảm ơn bác sĩ và nhà báo.

Bs Đỗ Thiện Hải

Bệnh tay chân miệng do nhiều loại virus gây nên, hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh. Nếu trong khi cho trẻ tắm nắng cùng nhau mà có tiếp xúc với trẻ mắc bệnh hoặc các dịch tiết thì có nguy cơ lây bệnh.

Hoàng Phương

  14:52 ngày 20/12/2016

Bệnh tay chân miệng là gì? Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện bao lâu sau khi nhiễm bệnh?

PGS- TS Bùi Vũ Huy

Bệnh tay chân miệng được mô tả lần đầu tiên vào năm 1968 tại nước Mỹ. Bệnh được phát hiện trên những đứa trẻ với các biểu hiện: trẻ có sốt, quấy khóc bỏ ăn; từ ngày thứ 2 – 3 của bệnh, trẻ có các biểu hiện tổn thương tại tay – chân – miệng. Cụ thể: Ở miệng (trên niêm mạc lưỡi, má, họng): ban đầu là những chấm đỏ, chỉ sau vài giờ phát triển thành ban phỏng nước. Đường kính của ban phỏng 2 – 3mm, rồi vỡ ra tạo thành những đám loét lan rộng trong miệng làm trẻ đau, không chịu ăn, và không chịu nuốt và chảy dãi. Đồng thời, tại bàn tay và bàn chân xuất hiện các nốt phỏng, màu trong sờ vào chắc. Các nốt này diễn biến trong vòng 2 – 5 ngày thì khô lại và bong ra. Khi bong không để lại sẹo, không đau.

Tuy nhiên, ở nhiều trẻ không có biểu hiện nốt phỏng ở trong miệng và bàn tay bàn chân như mô tả ở trên, mà là có các ban đỏ ở quanh miệng, hoặc ở mông, đùi.

Trong những năm đầu, do chưa chứng minh được nguyên nhân gây bệnh và do đặc điểm tổn thương nên bệnh được gọi theo tổn thương Tay – Chân – Miệng (Hand – Foot – Mouth Deases). Ngày nay, khoa học đã chứng minh nguyên nhân là do các virus đường ruột gây nên, hay gặp nhất là EV71, virus Coxackie A16 và một vài virus khác. Kể từ khi nhiễm virus cho đến khi có biểu hiện bệnh ra ngoài là từ 3 – 5 ngày, tuỳ theo từng trẻ.

Thanh Thu

  14:58 ngày 20/12/2016

Trong bệnh tay chân miệng thì sốt là triệu chứng thường biểu hiện trước tiên. Làm thế nào biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng?

PGS- TS Bùi Vũ Huy

Theo tôi, cần chú ý một điều là tuy sốt được xem là biểu hiện sớm nhất và hay gặp, nhưng trẻ thường chỉ sốt nhẹ và ở một số trẻ không có sốt.

Để nhận biết trẻ bị tay chân miệng, cần dựa vào 2 điểm là có nguồn bệnh và có biểu hiện của bệnh.

1/ Có nguồn bệnh: gồm 3 tình huống là tại địa phương đang có người bệnh tay chân miệng, hoặc người bị nghi ngờ mắc bệnh có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân tay chân miệng, hoặc đi từ vùng đang có dịch tay chân miệng về trong vòng 7 ngày.

2/ Có biểu hiện của bệnh: như có sốt, nôn trớ, đi ngoài phân lỏng thì cần nghi ngờ mắc bệnh và nếu trẻ có ban ở tay, chân, hoặc ở miệng thì cần khẳng định mắc bệnh.

Để chẩn đoán bệnh trong cộng đồng, việc xét nghiệm tìm virus là không cần thiết vì kết quả thường trả lời muộn sau vài ngày đến 2 tuần. Hơn nữa, điều này chỉ có ý nghĩa trong điều tra dịch tễ.

Ban Mai

  14:58 ngày 20/12/2016

Xin bác sĩ hướng dẫn cha mẹ cách nhận biết bệnh tay chân miệng cho trẻ ở nhà?

Bs Đỗ Thiện Hải

Trẻ mắc tay chân miệng khi có các ban đỏ, mụn nước hoặc phát ban dạng khác ở trên da tại các vị trí đặc biệt như: niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, có thể có sốt hoặc không.

Tú Mai

  14:59 ngày 20/12/2016

Thưa bác sĩ, làm sao để tránh để lại sẹo khi trẻ bị tay chân miệng?

Bs Đỗ Thiện Hải

Khi trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng có các bọng nước trên da, nếu vệ sinh tốt cho trẻ không để nhiễm thêm vi khuẩn, các bọng nước chỉ có dịch trong, không có mủ thì thường không để lại sẹo. Cha mẹ có thể vệ sinh cho trẻ bằng cách tắm các nước lá trà xanh, chân vịt... có tính sát khuẩn nhẹ, sau khi tắm xong có thể bôi bằng dung dịch Betadin. Việc này giúp cho không bị bội nhiễm vi khuẩn vào các mụn nước thì sẽ không để lại sẹo.

Hạnh Nguyên

  15:00 ngày 20/12/2016

Xin bác sĩ cho biết hiện tượng "run tay chân" trong bệnh tay chân miệng biểu hiện cụ thể như thế nào?

PGS- TS Bùi Vũ Huy

“Run tay chân” hay biểu hiện giật mình là các biểu hiện hay gặp khi có biến chứng thần kinh. Biểu hiện cụ thể ở đây là trẻ đang thức có biểu hiện như tay chân “rung lẩy bẩy” ngoài ý muốn, hoặc khi trẻ ngủ chập chờn có biểu hiện giật mình nhẹ theo “từng cơn” và có thể sau giật mình là biểu hiện “thảng thốt”.

Minh Huyền

  15:00 ngày 20/12/2016

Xin bác sĩ cho biết bé bú tay nhiều có khả năng mắc bệnh tay chân miệng không (khi nhà em đã được lau sạch hàng ngày)?

Bs Đỗ Thiện Hải

Đây là bệnh lây qua đường tiêu hoá nên khi trẻ mút tay mà trước đó có chơi các đồ chơi hoặc tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm virus thì có khả năng lây bệnh cho trẻ. Vì thế, kể cả khi sàn nhà đã được lau sạch thì trẻ vẫn có nguy cơ lây bệnh khi chơi chung đồ chơi với trẻ mắc bệnh.

Trần Lịch

  15:00 ngày 20/12/2016

Với tình hình phức tạp và nguy hiểm của bệnh chân tay miệng như hiện nay, ngành y tế đã có giải pháp gì để phòng bệnh cho những tỉnh thành hoặc những khu vực chưa bùng phát bệnh chưa ạ? Liệu trong tương lai có vắc-xin phòng bệnh này không ạ? Hiện bệnh đã có thuốc đặc trị chưa?

Bs Lê Hằng Nga

Xin cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Với những khu vực chưa có dịch, biện pháp phòng chống chính là tăng cường công tác truyền thông tại cộng đồng để người dân tự biết cách phòng chống cho mình và những người xung quanh. Đồng thời chính quyền và ngành y tế cần sẵn sàng kế hoạch đáp ứng khi có dịch xảy ra, phát hiện và xử lý điều trị kịp thời, tránh để dịch lan rộng. Đặc biệt cần chú trọng đến trẻ từ 1 – 5 tuổi.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh này. Các nghiên cứu về vắc xin phòng bệnh chân tay miệng đang được thực hiện, hi vọng sẽ sớm có vắc xin phòng bệnh trong thời gian tới.

Anh Hùng

  15:00 ngày 20/12/2016

Xin hỏi bác sĩ là dùng cồn 70 độ để vệ sinh tay chân cho bé có tác dụng phòng ngừa bệnh tay chân miệng không, vì có những bé rất khó để rửa tay bằng nước xà phòng.

Bs Lê Hằng Nga

Cồn 70 độ hoặc các dung dịch sát khuẩn nhanh đều có tác dụng phòng bệnh. Tuy nhiên, trẻ cần tập thói quen rửa tay bằng nước và xà phòng vì đơn giản và dễ dàng thực hiện hơn.

Văn Thoại

  15:00 ngày 20/12/2016

Có thể dùng hóa chất để khử khuẩn quần áo, khẩu trang cho con không? Việc khử khuẩn quần áo, khẩu trang cho trẻ có cần thiết để phòng bệnh không?

Bs Lê Hằng Nga

Xin chào bạn Văn Thoại. Xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Về nguyên tắc có thể dùng Cloramin B và Javel để khử khuẩn quần áo, khẩu trang của trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng để tránh lây bệnh cho người khác.

Hồng Nhung

  15:00 ngày 20/12/2016

Xin bác sĩ cho biết cách điều trị bệnh tay chân miệng?

PGS- TS Bùi Vũ Huy

Hiện nay, bệnh tay chân miệng đã trở thành bệnh gây dịch hằng năm tại Việt Nam. Vấn đề quan trong nhất là bệnh lây lan thành dịch trong cộng đồng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và kinh tế của nhân dân và cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh này.

Đặc biệt, dịch thường xảy ra tại các nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nơi có sinh hoạt tập thể nên bệnh lây lan nhanh. Ngoài ra, dịch cũng dễ xảy ra liên quan với thói quen sinh hoạt, không thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, các điều kiện vệ sinh kém như nguồn nước bị nhiễm virus, không có thói quen rửa tay thường xuyên….

Tuy nhiên, trong cộng đồng, tỷ lệ những trẻ có biến chứng nặng nói chung không cao. Vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng trong toàn quốc và tất cả các bác sỹ đều có thể áp dụng trong chăm sóc điều trị người bệnh.

Cụ thể, đối với thể nhẹ, có sốt và phát ban chỉ cần chăm sóc tại nhà và đến khám lại theo hướng dẫn của người thầy thuốc

Đối với những thể có nguy cơ biến chứng: như sốt kéo dài trên 2 ngày, sốt cao trên 390C, trẻ có thay đổi về ý thức (như li bì, ngủ gà, lừ đừ…) hoặc có các biểu hiện giật mình, có các biểu hiện khó thở, tím tái, hoặc khi làm xét nghiệm máu có số lượng bạch cầu tăng cao, các bác sĩ sẽ cho nhập viện để theo dõi và chỉ định điều trị các biến chứng kịp thời nếu có.

Nguyễn Châu

  15:20 ngày 20/12/2016

Cơ chế lây nhiễm bệnh tay chân miệng như thế nào?

Bs Đỗ Thiện Hải

Người mang virus gây bệnh tay chân miệng bài tiết virus qua đường tiêu hoá, dịch tiết đường hô hấp, dịch tiết nốt phỏng ra môi trường như: sàn nhà, các vật dụng trong nhà, tay nắm cửa... Khi trẻ sinh hoạt trong môi trường đó thì có nguy cơ nhiễm virus, do đó có nguy cơ mắc bệnh.

Nam Dũng

  15:20 ngày 20/12/2016

Xin bác sĩ cho biết cách điều trị bệnh tay chân miệng?

Bs Đỗ Thiện Hải

Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, nếu được chăm sóc tốt thì phần lớn bệnh sẽ tự khỏi sau 5- 7 ngày. Do đó, việc điều trị bệnh tay chân miệng chủ yếu là điều trị triệu chứng, phát hiện các dấu hiệu nặng để đưa đến bệnh viện kịp thời. Có thể sử dụng thuốc hạ sốtI Ibuprofen có tác dụng tốt, vệ sinh sạch sẽ ngoài da là những biện pháp điều trị, chăm sóc tại nhà.

Nguyễn Hoà

  15:20 ngày 20/12/2016

Bệnh tay chân miệng có thể phòng ngừa được không? Các biện pháp phòng ngừa như thế nào?

Bs Đỗ Thiện Hải

Bệnh tay chân miệng có thể phòng được bằng cách vệ sinh bàn tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, không tiếp xúc với trẻ mắc bệnh, vệ sinh nhà cửa, lớp học thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Cho trẻ ăn uống đầy đủ, tiêm phòng vắc-xin phòng cách bệnh khác đầy đủ nhằm nâng cao thể trạng, giảm nguy cơ mắc thêm các bệnh khác trong quá trình mắc bệnh tay chân miệng.

Quyết Tâm

  15:20 ngày 20/12/2016

Xin bác sĩ cho biết phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ ở nhà trẻ như thế nào?

Bs Lê Hằng Nga

Việc phòng bệnh tay chân miệng cho học sinh cần là ưu tiên chính của giáo viên, nhân viên các trường mầm non, mẫu giáo.

Đối với giáo viên, nhân viên nhà trường, cần:

- Vệ sinh phòng học, bếp ăn, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng hóa chất khử khuẩn (Cloramin B, Javel...)

- Đảm bảo đủ vòi nước sạch và xà phòng cho học sinh rửa tay, thùng rác phải có nắp đậy và nhà bếp, nhà ăn phải bảo đảm điều kiện vệ sinh, cách biệt với nhà vệ sinh và các nguồn ô nhiễm khác.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch khi chế biến thức ăn, chăm sóc trẻ, sau khi vệ sinh...; đặc biệt là sau khi thay quần áo, tã lót cho trẻ; sau khi có tiếp xúc với phân, nước bọt của trẻ..

- Thông báo cho cơ sở y tế trên địa bàn khi phát hiện trường hợp nghi ngờ học sinh, trẻ nhỏ bị mắc bệnh tay chân miệng để được hướng dẫn các biện pháp xử trí phù hợp.

Đối với học sinh:

- Cần được tuyên truyền, hướng dẫn để hình thành thói quen vệ sinh cá nhân hàng ngày: rửa tay bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh; phải ăn chín, uống sôi; che miệng, mũi khi ho hay hắt hơi, không nên dùng chung vật dụng cá nhân.

- Trẻ bị mắc bệnh cần cách ly tại nhà hay tại cơ sở y tế trong thời gian từ 10 ngày đến 14 ngày đầu của bệnh để ngăn ngừa sự lây lan mầm bệnh..

Văn Thoại

  15:20 ngày 20/12/2016

Xin chào các bác sĩ. Con tôi năm nay 6 tuổi và đang học lớp 1. Con tôi bị loét miệng, có 1 chấm nhỏ bằng hạt đỗ. Cháu không bị sốt và chân tay không có vấn đề gì. Cháu vẫn đi học và ăn uống bình thường. Xin bác sĩ cho hỏi bệnh đó là bệnh tay chân miệng hay chỉ là nhiệt miệng thông thường? Xin cảm ơn bác sĩ.

PGS- TS Bùi Vũ Huy

Những tổn thương loét miệng có thể do nhiều nguyên nhân, như do nhiễm virus, nhiễm một số loại vi khuẩn, thậm chí do các cháu tự nghich ngợm mà gây nên. Trong cộng đồng có một số virus cũng gây viêm loét miệng, thậm chí có sốt, ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ.

Tốt nhất là khi trẻ ốm cần được đi khám và tư vấn bác sỹ đầy đủ về bệnh tật và cách chăm sóc. Một khi các cháu vấn sinh hoạt bình thường là sức khoẻ cháu vẫn đang ổn định. Tuy nhiên, chúng ta cần tăng cường chăm sóc và quan tâm đến các cháu nhiều hơn.

Thiên Nga

  15:20 ngày 20/12/2016

Hiện con cháu được 1 tuổi, ở tuổi này nguy cơ bị mắc bệnh tay chân miệng có cao không? Hiện nơi cháu sinh sống nếu không có bé bị nhiễm bệnh này thì có nguy cơ bị mắc bệnh không?

Bs Lê Hằng Nga

Chào bạn Thiên Nga. Như vậy bé nhà bạn nằm trong độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Không chỉ có trẻ em mới mắc bệnh tay chân miệng mà ngay cả người lớn cũng có thể mắc bệnh này. Thậm chí ở người lớn, bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng. Do đó, dù nơi bạn sinh sống không có trẻ bị nhiễm bệnh thì bé nhà bạn vẫn có thể nhiễm bệnh từ người lành mang chủng. Bạn nên có các biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chăm bé, cho bé bú, sau khi thay tã...

 

 

 

Ánh Linh

  15:20 ngày 20/12/2016

Hiện nay dịch tay chân miệng đang là nỗi lo lớn của các gia đình có con nhỏ như tôi. Vậy ngành y tế đã sản xuất hoặc nhập khẩu loại vắc-xin nào để tiêm phòng cho trẻ chưa?

Bs Lê Hằng Nga

Chào bạn Ánh Linh, xin cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi.

Hiện nay bệnh chân tay miệng vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay là thực hiện các biện pháp phòng bệnh mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.

Trần Lãm

  15:21 ngày 20/12/2016

Nếu người lớn chăm bé bị bệnh tay chân miệng thì có cần cách ly người lớn này luôn không và thời gian cách ly an toàn nhất để tránh không lây bệnh cho bé khác là bao nhiêu ngày?

Bs Đỗ Thiện Hải

Người lớn chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng cũng có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh và có thể mang mầm bệnh đi nơi khác, truyền bệnh cho trẻ khác, do đó, sau khi chăm sóc, vào thăm trẻ bị bệnh cần vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là vệ sinh bàn tay để tránh nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Huyền Thương

  15:21 ngày 20/12/2016

Trẻ nhũ nhi bị bệnh tay chân miệng thì phác đồ điều trị như thế nào?

Bs Đỗ Thiện Hải

Các trẻ mắc bệnh tay chân miệng đều được điều trị cùng một phác đồ, tuy nhiên trẻ càng nhỏ thì nguy cơ bệnh nặng càng cao.

tran van cuong

  15:21 ngày 20/12/2016

Xin chào bác sĩ, Cho em hỏi, con em 4 tuổi, cổ tay của cháu bị nổi cục nhỏ nhưng không phải bóng nước. Cháu bị nổi cục nhưng không nhiều, nhỏ. Vậy xin cho hỏi cháu có phải bị tay chân miệng không?

Bs Đỗ Thiện Hải

Trẻ có cục nhỏ ở cổ tay thường không phải bệnh tay chân miệng, nếu ở trong lòng bàn tay, bàn chân có các nốt đỏ thì mới chẩn đoán là tay chân miệng. Nếu bạn băn khoăn thì nên đưa trẻ đến khám bác sĩ.

Bùi Phương Thanh

  15:21 ngày 20/12/2016

Tôi xin hỏi ngoài CloraminB thì còn hóa chất nào để diệt khuẩn hay không?

PGS- TS Bùi Vũ Huy

CloraminB là loại hoá chất tiệt khuẩn được sử dụng nhiều ở nơi công cộng vì hiệu quả cao. Tuy nhiên, hoá chất này thường nặng mùi. Tại các gia đình chỉ cần giữ vệ sinh như: lau, quét nhà thường xuyên hằng ngày; để nhà đủ thoáng mát, thông gió, tránh ẩm ướt, tốt nhất có ánh nắng... Việc cọ rửa nhà chỉ cần dùng các dung dịch sát trùng thông thường vẫn bán trên thị trường là đủ đảm bảo giữ vệ sinh nhà cửa.

Hoàng Huy Đức

  15:21 ngày 20/12/2016

Làm sao để tránh để lại sẹo khi trẻ bị tay chân miệng?

PGS- TS Bùi Vũ Huy

Tất cả các vết loét tại miệng đều nông, chủ yếu là loét chợt, vì vậy không để lại sẹo.

Tại tay chân, các phỏng sẽ khô lại và tự bong sau 5 – 7 ngày mà không để lại sẹo. Vấn đề là không nên cậy các phỏng nước này để tránh gây bội nhiễm vi khuẩn. Vì vậy, cần tăng cường vệ sinh.

Minh Đức

  15:21 ngày 20/12/2016

Tác nhân gây bệnh bệnh tay chân miệng ? Bệnh tay chân miệng có nghiêm trọng không?

PGS- TS Bùi Vũ Huy

Về tác nhân gây bệnh bệnh tay chân miệng, đó là một số loại virus đường ruột. Trong các vụ dịch xảy ra trước đây, khoa học đã chứng minh vai trò gây bệnh của virus EV71, tiếp theo là vi rút Coxackie A16, ngoài ra còn một vài vi rút nữa như Coxackie A10, Coxackie nhóm B.

Bện tay chân miệng đã trở thành bệnh gây dịch hằng năm tại Việt Nam. Vấn đề quan trong nhất là bệnh lây lan thành dịch trong cộng đồng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và kinh tế của nhân dân và cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh này.

Đặc biệt, dịch thường xảy ra tại các nhà trẻ, lớp mẫu giáo nơi có sinh hoạt tập thể nên bệnh lây lan nhanh. Ngoài ra, dịch cũng dễ xảy ra liên quan với thói quen sinh hoạt, không thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, các điều kiện vệ sinh kém như nguồn nước bị nhiễm virus, không có thói quen rửa tay thường xuyên….

Tuy nhiên, trong cộng đồng, tỉ lệ những trẻ có biến chứng nặng nói chung không cao. Theo ước tính khoảng 0,1% – 0,5%. Tuy nhiên, khi có biến chứng thường rất nặng có nguy cơ tử vong như viêm não, suy tim, suy hô hấp.

Dương Quân

  15:21 ngày 20/12/2016

Tay chân miệng có giống như bệnh lở mồm long móng ở súc vật?

PGS- TS Bùi Vũ Huy

Cácvirus gây bệnh tay chân miệng chỉ gây bệnh ở loài người, không lây lan sang động vật, vật nuôi. Bệnh lở mồm long móng ở súc vật do các loại virus khác và không có bằng chứng lây sang người.

Nguyễn Nam

  15:25 ngày 20/12/2016

Ai có thể bị nhiễm bệnh tay chân miệng? Và có thể mắc nhiều lần không?

Bs Lê Hằng Nga

Xin trả lời bạn Nguyễn Nam như sau:

Mọi người đều có thể cảm nhiễm với virus gây bệnh nhưng không phải tất cả những người nhiễm virus đều có biểu hiện bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi. Trẻ em có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh bởi có ít kháng thể hơn người lớn và khả năng miễn dịch thấp khi tiếp xúc với mầm bệnh, chưa có ý thức vệ sinh cá nhân. Người lớn ít bị mắc bệnh có thể do đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm hoặc mắc bệnh trước đây.

Một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định. Do đó dù đã từng nhiễm, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm Enterovirus.

Anh Thư

  15:25 ngày 20/12/2016

Tác nhân gây bệnh bệnh tay chân miệng ? Bệnh tay chân miệng có nghiêm trọng không?

Bs Lê Hằng Nga

Các vi rút thuộc nhóm Enterovirus là nguyên nhân gây ra bệnh này. Nhóm virus này bao gồm nhiều loại khác nhau như Poliovirus, Coxsackievirus, Echovirus và các loại Enterovirus khác.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi virus Coxsackievirus A16 với ít biến chứng và thường tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh này cũng có thể bắt nguồn từ các virus nhóm Enterovirus, bao gồm virus Enterovirus 71 (EV71) với rất nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.

 

Anh Quyết

  15:37 ngày 20/12/2016

Nếu chỉ rửa tay bằng nước sạch có diệt khuẩn được không? Con tôi bảo trong trường học tại trường mầm non cô giáo ít nhắc rửa tay, vậy trung tâm y tế dự phòng có biện pháp nào phối hợp với Sở Giáo dục không?

Bs Lê Hằng Nga

Chào bạn. Rửa tay bằng nước sạch không diệt được vi khuẩn mà phải rửa tay bằng các dung dịch sát khuẩn hoặc bằng xà phòng. Hiện nay, bộ Y tế đã có khuyến cáo về 6 bước của việc rửa tay vô trùng phòng tránh bệnh tay chân miệng cho cộng đồng.

Hiện nay ngành Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục, đặc biệt là các trường mầm non và tiểu học để phòng chống bệnh tay chân miệng bằng các biện pháp: tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh tay chân miệng cho phụ huynh và học sinh, đồng thời khuyến cáo các biện pháp phòng chống tại nhà trường.

 

Quỳnh Nga

  15:37 ngày 20/12/2016

Bệnh chân tay miệng sẽ gây ra biến chứng khi nào/trong trường hợp nào? Và có cách nào điều trị dự phòng các biến chứng hay không?

Bs Đỗ Thiện Hải

Tất cả các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đều có thể có biến chứng, tuy nhiên nếu cơ địa trẻ có mắc bệnh nền khác, miễn dịch kém thì nguy cơ có biến chứng cao hơn. Các biến chứng thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 kể từ khi có triệu chứng đầu tiên (85%)

Theo các nghiên cứu gần đây, khoảng 30% số trường hợp mắc tay chân miệng là có biến chứng, trong đó cũng khoảng 30% là có biến chứng nặng. Khi trẻ mắc bệnh được chăm sóc tốt, vệ sinh đúng cách, dùng thuốc đúng chỉ định thì có thể hạn chế các biến chứng.

Quang Nhật

  15:37 ngày 20/12/2016

Khi đã xét nghiệm dương tính với virus tay chân miệng, bệnh nhi đang có triệu chứng của viêm họng/phế quản/ho đờm thì có nên dùng kháng sinh liều cao để điều trị và ngăn ngừa việc "lẫn triệu chứng" với biến chứng của chân tay miệng hay không?

Bs Đỗ Thiện Hải

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể gây viêm đường hô hấp, tuy nhiên các trường hợp viêm do virus thì không có chỉ định sử dụng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng diệt virus cũng như ngăn ngừa biến chứng của bệnh tay chân miệng.

Lê Duy

  15:38 ngày 20/12/2016

Làm sao để phân biệt được sốt do bệnh tay chân miệng với sốt siêu vi hay sốt do các bệnh khác gây ra? Trường hợp em bé cũng bị nổi bóng nước, những nốt lạ trên tay chân nhưng không bị sốt thì có nghi là bệnh tay chân miệng không?

Bs Đỗ Thiện Hải

Khó có thể phân biệt được sốt do bệnh tay chân miệng với sốt do virus khác vì sốt là triệu chứng của nhiều bệnh và các trường hợp sốt virus hầu hết có triệu chứng sốt. Vì thế, khi trẻ có xuất hiện bọng nước hoặc ban đỏ ở các vị trí đặc biệt thì chẩn đoán là trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Hoàng Anh

  15:40 ngày 20/12/2016

Xin bác sĩ cho biết trẻ bị tay chân miệng có phải kiêng nước, kiêng gió không?

PGS- TS Bùi Vũ Huy

Cần lưu ý rằng khi trẻ ốm chúng ta càng cần tăng cường bồi dưỡng sức khoẻ như ăn đủ chất, nghỉ ngơi hoàn toàn để bệnh chóng hồi phục; tăng cường vệ sinh để hạn chế các biến chứng. Vì vậy, không nên đặt vấn đề kiêng khem.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo