Liên tiếp các vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng (TPCN) giả, kém chất lượng bị phát hiện và xử lý thời gian qua khiến người sử dụng luôn cảm thấy bất an, lo lắng.
Phần lớn nhập từ Trung Quốc
Mới đây, tại 4 kho hàng của Công ty Slim HMN Việt Nam (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), Công an TP phối hợp với lực lượng QLTT phát hiện hơn 20 loại TPCN đóng gói hoàn chỉnh và dán tem nhập khẩu, ghi sản phẩm nhiều thương hiệu quen thuộc trên thị trường như Royal Jelly DHA, HMN Collagen USA, Plus Min USA... Tại đây, lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng ngàn nhãn mác sản phẩm ghi xuất xứ tại Mỹ, Đức, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tiếp tục kiểm tra một kho hàng của Công ty Slim HMN Việt Nam ở khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, TP Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện hơn 11.000 sản phẩm xuất xứ Việt Nam, Úc, Nhật, Đức... và hơn 104 kg nhãn mác các loại, máy ép màng, sấy nhiệt.
Kiểm tra các cửa hàng kinh doanh của Công ty Slim HMN Việt Nam ở huyện Thanh Trì, QLTT tạm giữ 10.744 sản phẩm là TPCN do nước ngoài sản xuất; 331 kg vỏ, bao bì ngoài sản phẩm, 15 kg tem sản phẩm và 10 kg nhãn phụ tiếng Việt.
Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từng cho rằng với hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất TPCN và khi sản xuất tràn lan thì chuyện quản lý, ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái sẽ rất bất cập. Các đối tượng vi phạm đã làm giả một loạt mặt hàng. Phần lớn TPCN giả, kém chất lượng đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Khi về đến Việt Nam, chúng được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và bán ra với giá có khi cao hơn hàng thật.
Theo ông Hùng, những đối tượng vi phạm thường đưa hàng đến các khu vắng vẻ để dán thủ công thành những lọ, gắn nhãn mác của những thương hiệu nổi tiếng rồi đưa từng đợt ra thị trường với giá chiết khấu rất cao. Sản phẩm làm giả thường là các loại TPCN đang có thương hiệu uy tín, nhất là sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ như sữa ong chúa, nhau thai cừu, viên uống làm đẹp da...
Thực trạng đáng báo động
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết những vi phạm phổ biến nhất là sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã được công bố; quảng cáo sai sự thật, cường điệu hóa công dụng; sản xuất ở nơi không bảo đảm vệ sinh… Năm 2015, Cục An toàn thực phẩm phát hiện và xử lý 251 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN và phạt tổng số tiền trên 4,5 tỉ đồng. Đây được cho là số tiền xử lý sai phạm về TPCN lớn nhất từ trước đến nay.
Nói về ma trận hàng nhái, hàng giả trên thị trường TPCN, PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cho biết TPCN làm giả trong nước sẽ được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Đặc biệt, trong một số vụ, lượng hàng giả, hàng kém chất lượng bị phát hiện lên đến hàng chục tấn, cho thấy thực trạng TPCN bị làm giả làm nhái và ăn theo đã đến mức báo động. Những vụ phát hiện và bắt giữ gần đây cho thấy các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, đầu tư trang bị đầy đủ, hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.
Theo ông Đáng, việc làm giả TPCN không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người sử dụng mà còn làm mất đi cái nhìn thiện cảm của người dân với TPCN vốn lâu nay bị mang tiếng quảng cáo “thổi phồng” công dụng. “Nhiều người sử dụng TPCN vì biết đây là sản phẩm hữu ích, sử dụng đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với những TPCN chính hãng và có công dụng thực sự. Với hàng giả, làm nhái, người tiêu dùng sử dụng chẳng những không hỗ trợ sức khỏe mà còn tiền mất tật mang” - ông Đáng cảnh báo.
Mặc dù đã có không ít cảnh báo của cơ quan chức năng về TPCN giả nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn “mắc bẫy” các cơ sở kinh doanh do những chiêu thức quảng cáo thổi phồng về công dụng sản phẩm. Ông Nguyễn Thanh Phong thừa nhận việc quảng cáo TPCN hiện đang bị “thổi phồng”, không đúng với tính năng của sản phẩm. Trong khi đó, việc kiểm soát TPCN vẫn hết sức khó khăn do lợi nhuận lĩnh vực này rất cao, mức xử phạt các vi phạm lại chưa đủ răn đe.
50% sản phẩm có vi phạm
Theo một số chuyên gia, khoảng 50% sản phẩm TPCN được kiểm tra trên thị trường có vi phạm về chất lượng. Để quản lý chất lượng TPCN, cần áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP).
Tuy nhiên, PGS-TS Trần Đáng nhận định nếu nhà sản xuất trong nước làm tốt chất lượng mà hàng giả vẫn không bị triệt tiêu thì chất lượng TPCN vẫn “đánh lận con đen” và người tiêu dùng sẽ chịu hậu quả nặng nề.
Bình luận (0)