Trong 9 tháng năm 2013, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) - Công an TP Hà Nội đã xử lý 620 trường hợp người điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm trật tự an toàn giao thông; tạm giữ 48 phương tiện, phạt cảnh cáo 145 trường hợp, phạt tiền 475 trường hợp.
Đại náo phố phường
Khoảng 11 giờ ngày 18-9, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại chốt giao thông Quán Thánh - Thanh Niên (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) và ghi nhận chỉ trong 1 giờ, tổ CSGT thuộc Công an TP Hà Nội đã xử lý hàng chục trường hợp xe đạp điện vi phạm, chủ yếu do học sinh điều khiển.
Dù vậy, người Hà Nội vẫn ào ào sắm “bò điên”. Trên thị trường thủ đô hiện có vài chục mẫu xe đạp điện khác nhau, trong đó nhiều loại xe xuất xứ từ Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng sử dụng. Xe nhập từ Trung Quốc từ 5-10 triệu đồng/chiếc; xe Nhật khoảng 8-12 triệu đồng/chiếc, loại chạy bằng pin khoảng 10-19 triệu đồng/chiếc.
Chủ một cửa hàng chuyên bán xe đạp điện trên Phố Huế cho biết: Trong tháng chuẩn bị khai giảng vừa qua, mỗi ngày, cửa hàng này bán được cả chục chiếc. Cơn cuồng xe đạp điện lên cao điểm phải kể đến vụ việc xảy ra hôm 15-9 tại thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Chú rể Vương Công Tuyền (SN 1988) và cô dâu Nguyễn Thúy Hằng (SN 1992) đã rước dâu bằng xe đạp điện trong khi người nhà hai họ cũng cùng chạy xe đạp điện đón dâu, gây chộn rộn phố phường.
Vi phạm quá nhiều
Để kiểm soát loại phương tiện này, ngày 16-9, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng PC67, đã chủ trì cuộc họp bàn về biện pháp siết chặt quản lý xe đạp điện. Một giải pháp được đưa ra là cử trinh sát CSGT hóa trang, quay camera người đi xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, sau đó thông tin cho lực lượng trong ngành công khai xử lý. Những trường hợp vi phạm sẽ được báo về trường học, nơi công tác và gia đình để cùng có biện pháp giáo dục.
Theo kế hoạch, 10 đội CSGT trong các quận nội thành của TP Hà Nội sẽ tổ chức mỗi đội 4 tổ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến phố, các cổng trường học và những nơi tụ tập nhiều học sinh, sinh viên để phát hiện và xử lý.
Sáng 18-9, các đội CSGT đã triển khai công việc. Chỉ trong vòng vài giờ sau khi học sinh tan học, các tổ CSGT đã phát hiện, lập biên bản hàng trăm trường hợp học sinh đi xe đạp điện phạm luật. Theo quan sát của phóng viên, trong ngày đầu ra quân, việc xử lý vẫn chủ yếu nhắc nhở, giáo dục quy định cho người đi xe đạp. Học sinh từ 16-18 tuổi vi phạm nếu có giấy tờ tùy thân đầy đủ thì nộp phạt 75.000 đồng, trả phương tiện tại chỗ; đối với người vi phạm trên 18 tuổi, nếu có đầy đủ giấy tờ thì nộp phạt 150.000 đồng, trả phương tiện tại chỗ...
Điểm i, khoản 3, điều 9 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy - kể cả xe đạp điện - không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách đi đường. |
“Lờ” luật Ngày 19-9, ghi nhận trước nhiều cổng trường THPT ở TP HCM như Marie Curie, Lê Quý Đôn, Lê Thị Hồng Gấm (quận 3) cho thấy rất nhiều học sinh đi xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm. Các học sinh cho biết nhà trường thường xuyên nhắc nhở và có ký cam kết với phụ huynh yêu cầu học sinh đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng xe đạp điện nhưng do chưa bị xử phạt nên các em vẫn vi phạm. Tình hình tương tự cũng xảy ra tại TP Hải Phòng. Theo đánh giá của PC67 - Công an TP Hải Phòng, ước tính có hơn 10.000 xe đạp điện đang tham gia giao thông trên địa bàn. Trong đó, từ 60%-70% đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên. Lực lượng công an một số quận, huyện và PC67 - Công an TP Hải Phòng đã xử lý những trường hợp học sinh không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường, đi sai làn đường, phần đường... Quá trình kiểm tra cho thấy hiện tượng học sinh không chấp hành quy định về an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Đáng chú ý, trong dịp Tết Trung thu, nhiều thanh niên, học sinh đi xe đạp điện, lắp còi, đi thành từng tốp theo đoàn múa lân, lạng lách, đánh võng gây ra ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự.
T.Hồng - T.Đức
|
Bình luận (0)