Trung tướng Ngô Xuân Lịch
Trong tham luận trước Đại hội Đảng XI, Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, cho biết lực lượng Hải quân, Phòng không và Không quân của quân đội ta có vũ khí hiện đại đủ sức bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Nhìn nhận quân đội đã hoàn thành nhiệm vụ nòng cốt bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc nhưng Trung tướng Ngô Xuân Lịch cũng nêu một trong những thách thức lớn đối với quốc phòng - an ninh là tranh chấp chủ quyền biển đảo sẽ ngày càng phức tạp và gay gắt… “Đây là vấn đề còn lâu dài”, tướng Lịch nói.
Theo tướng Lịch, để hoàn thành nhiệm vụ nhiệm này, phương hướng xây dựng quân đội trong những năm tới là chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
“Lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin, Tác chiến điện tử và Trinh sát kỹ thuật cần và phải được tập trung xây dựng hiện đại”, Trung tướng Lịch nhấn mạnh.
Để bảo đảm tốt vũ khí trang bị cho quân đội từng bước hiện đại một cách chủ động, Trung tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng vấn đề có tính chiến lược là phải tập trung xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng (CNQP). Thời gian vừa qua, CNQP của chúng ta đã có bước phát triển mới về quy hoạch, cơ chế quản lý và năng lực nghiên cứu, thiết kế chế tạo, sản xuất và cải tiến vũ khí trang bị, nhất là bảo đảm vũ khí trang bị cho bộ binh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khâu bất cập, khó khăn, đòi hỏi cần có giải pháp mang tính đột phá. “CNQP muốn phát triển tốt phải dựa trên cơ sở của nền công nghiệp quốc gia, đặc biệt là các ngành công nghiệp then chốt”, tướng Lịch nói.
Coi trọng sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Trung tướng Ngô Xuân Lịch kiến nghị: “Cần tiếp tục xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, tổ chức sắp xếp, bố trí lại dân cư, xây dựng các tuyến đường chiến lược, tăng dày các đồn, trạm biên phòng để gắn phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng ở các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, biển đảo”.
Tướng Lịch cho biết mấy năm vừa qua đã tăng dần được gần 50 đồn biên phòng, bảo đảm 13-15 km có 1 đồn; đưa dân ra định cư ở biên giới được hơn 23.000 hộ, làm đường tuần tra biên giới được hơn 2.000 km; đã đưa dân thành lập 2 xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và một thị trấn. “Đây là vấn đề có tính chiến lược trong bảo vệ biên giới, hải đảo quốc gia”, tướng Lịch đánh giá.
Cho rằng dù đã có nghị quyết về chiến lược biển nhưng chậm triển khai, tướng Lịch đề nghị Trung ương khóa XI xây dựng quy hoạch, kế hoạch 5 năm, 10 năm để thực hiện tốt Nghị quyết về Chiến lược Biển mà Trung ương khóa X đã đề ra.
Bình luận (0)