Khác hẳn những nghi thức ngoại giao thường thấy, không khí buổi hội thảo về quan hệ Việt - Mỹ ngày 26-1 tại Hà Nội rất ấm cúng, gần gũi, thân tình. Khi cựu Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh gợi ý, hơn 100 nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam và Mỹ đã đồng loạt đứng dậy bắt tay, ôm hôn nhau.
Phát triển nhanh chóng
Chào mừng những người bạn Mỹ đã vượt hàng vạn cây số tới Việt Nam tham dự hội nghị, TS Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh: “Đây không chỉ là một cuộc gặp vui vẻ của những người ở 2 phía Mỹ và Việt Nam đã hợp tác với nhau, đấu tranh với nhau, chiến đấu với nhau để có được sự hiểu biết, chia sẻ, quan tâm lớn hơn và thúc đẩy mối quan hệ song phương. Đây còn là một cơ hội tốt để rút ra những bài học về những gì chưa làm được, những thách thức và cơ hội và hai bên có thể cùng tiến về phía trước như thế nào trong 20 năm tới”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, 2 nước đã thành công trong việc chuyển mình từ kẻ thù sang bạn bè, sau đó thành đối tác toàn diện. “Quá trình xây dựng lòng tin 20 năm qua đã giúp phát triển quan hệ Việt - Mỹ thành mối quan hệ bền vững” - ông Ngọc nhìn nhận.
Theo Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam Pete Peterson, những hoạt động tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh là chất xúc tác xây dựng niềm tin và quan hệ giữa 2 chính phủ. Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng cho rằng để tiến tới bình thường hóa quan hệ 2 nước là cả “một rừng khó khăn”. Việc Mỹ tham gia tiến trình giải quyết vấn đề dioxin ở Việt Nam, cung cấp tài chính để giải quyết hậu quả chất độc dioxin là điểm tích cực, đáng ghi nhận hiện nay.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, cựu Đại sứ Lê Văn Bàng cho biết dù là người trong cuộc nhưng những bước phát triển nhanh chóng trong quan hệ 2 nước thời gian qua là điều ông không ngờ tới. “Ví dụ, Mỹ bắt đầu dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam; việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013, một bước đi quan trọng tầm cỡ với sự phát triển và an ninh quốc gia hay thương mại song phương đạt 30 tỉ USD... khiến tôi bất ngờ” - cựu đại sứ bày tỏ.
Mở đầu một câu chuyện phong phú hơn
Khẳng định Mỹ muốn Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền, Đại sứ Ted Osius cho biết ông tin rằng 20 năm đầu tiên chỉ là phần mở đầu cho một câu chuyện dài hơn và phong phú hơn rất nhiều.
“Trong nhiệm kỳ của mình, tôi muốn làm sâu sắc thêm quan hệ giữa 2 nước. Tôi có tham vọng lớn rằng Mỹ không chỉ là đối tác thương mại, đầu tư đứng thứ 2 hay thứ 3 ở Việt Nam mà phải là đứng thứ nhất” - Đại sứ Osius nhấn mạnh.
Chia sẻ về một biểu hiện sinh động cho quan hệ hợp tác đang đi vào chiều sâu là Mỹ đang tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, theo Đại sứ Osius, việc này tùy thuộc vào những tiến bộ hơn nữa về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Ông Osius nhìn nhận hợp tác quân sự giữa 2 nước được triển khai theo nhịp độ phía Việt Nam cảm thấy thoải mái và phía Mỹ tôn trọng điều đó. Đây là nỗ lực chung nhằm xây dựng sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Việc mua bán vũ khí giữa 2 nước cũng là lựa chọn mà phía Việt Nam đưa ra. “Quân đội Việt Nam có tư duy chiến lược, chúng tôi tôn trọng lựa chọn về mặt chiến lựợc của Việt Nam” - đại sứ nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh nền tảng hợp tác toàn diện giữa 2 nước sẽ là một đường băng chắc chắn để mối quan hệ giữa 2 bên có thể cất cánh và bay tới những thập kỷ tới của thế kỷ XXI. Mối quan hệ đối tác Việt - Mỹ đã đủ chín muồi để có thể tiến xa hơn trong việc hợp tác song phương, tiến tới hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam ủng hộ vai trò lớn hơn của Mỹ trong khu vực và tin rằng sự can dự sâu hơn của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương có lợi cho toàn khu vực.
Bày tỏ sự tự hào trước những thành tựu trong quan hệ 2 nước thời gian qua, cựu Đại sứ Pete Peterson nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, không chỉ vì có vị trí địa chiến lược rất quan trọng mà còn do Việt Nam có thể đóng góp vào hòa bình ổn định tại khu vực - điều mà phía Mỹ mong muốn, tìm kiếm. “Trong mọi lĩnh vực, 2 bên đang tiến đến gần nhau hơn” - ông Peterson khẳng định.
Phân tích về sức ép của Bắc Kinh có phải là vấn đề lớn khiến Mỹ phải e ngại, cựu Đại sứ Lê Văn Bàng cho rằng Mỹ sẽ làm và lên tiếng đối với tất cả vấn đề nào ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. “Lợi ích kinh tế với Trung Quốc là rất lớn nhưng đó không phải là tất cả đối với Mỹ. Washington còn có những lợi ích khác lớn hơn nên họ cần phải cân bằng” - ông Bàng nhận định.
Tăng trưởng thương mại giữa 2 nước đạt 20%/năm
Ngày 3-2-1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Đến ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Từ đó, quan hệ Việt - Mỹ liên tục phát triển.
Kim ngạch thương mại 2 chiều hiện đạt gần 30 tỉ USD, tăng hơn 130 lần so với thời điểm năm 1994. Tăng trưởng thương mại giữa 2 nước hằng năm đạt 20%. Với tổng vốn đầu tư trực tiếp 11 tỉ USD, Mỹ hiện xếp thứ 7 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Bình luận (0)