Vừa thi xong học kỳ, chiều 31-12, nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (TP HCM) tổ chức hát karaoke sau những ngày đèn sách căng thẳng. Theo chân nhóm này, chúng tôi vào một quán karaoke trên đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM), vốn là địa điểm giải trí “ruột” của sinh viên nhiều trường ĐH gần đó.
Bí đường thoát
Quán karaoke này quảng cáo rất ấn tượng: “Từ 8 giờ đến 17 giờ, giá 20.000 đồng; từ 18 giờ, giá 60.000 đồng. Uống một két bia được tặng con khô mực…”. Cũng giống như những quán karaoke khác, quán là một ngôi nhà dạng hộp, bên ngoài trang trí màu mè. Nhóm chúng tôi chọn phòng VIP với giá 40.000 đồng/giờ. Từ tầng trệt lên phòng hát chỉ có một cầu thang duy nhất, bên trên không cửa sổ, kín bưng. Theo ghi nhận, quán này không có hệ thống báo cháy, thiết bị chữa cháy cũng không được trang bị.
Khi được hỏi có sợ bị cháy nổ hay không thì 1 nữ sinh viên 20 tuổi cười nói: “Nghe mấy vụ hỏa hoạn ở các quán karaoke cũng ngán và hầu như quán nào cũng không có hệ thống báo cháy, không có cửa thoát hiểm. Tuy nhiên, vào đây hát hò để giải trí, vui là chính. Chỗ nào cũng thấy... rủi ro, nếu sợ thì biết hát ở đâu!”.
Tương tự, hệ thống “nhà hàng không khói” trên đường Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1) và các nhà hàng ở các tuyến đường lân cận cũng thiết kế dạng khép kín. Một cán bộ hưu trí sống ở đường Trần Quang Khải cho biết: “Hầu hết các nhà hàng ở đây đều có thêm dịch vụ karaoke cho khách. Tiếp viên được nhà hàng cho ăn ở tại chỗ, khi khách nam vào thì họ điều động phục vụ.
Điều đáng lo ngại là các nhà hàng karaoke này đều được thiết kế theo dạng khép kín, ít trang bị hệ thống báo cháy nên khi xảy ra sự cố thì sẽ rất nguy hiểm nhưng không thấy ai chấn chỉnh”...
Có mặt tại quán karaoke K. ở quận 10, trước mắt chúng tôi là một tòa nhà cao tầng, được trang trí rất bắt mắt nhằm thu hút khách. Nhìn từ ngoài vào không thấy thang thoát hiểm bên hông, vào khu tiền sảnh khá rộng nhưng khi được nhân viên dẫn lên lầu nhận phòng thì không khí nóng nực, ngột ngạt. Quan sát kỹ, chúng tôi không thấy biển báo thoát hiểm, bình chữa cháy đâu cả. Hỏi nhân viên phục vụ: “Ở đây chỉ có một lối đi, vậy gặp sự cố sao chạy thoát được?”, anh này cười đáp: “Cứ theo… lối này mà chạy thôi”.
Bịt kín mít, không chết cháy cũng chết ngạt
Theo chị Nguyễn Thị T., quản lý một quán karaoke ở TP HCM, hầu hết các quán karaoke là thuê mặt bằng, cải tạo từ nhà ở nên không có lối thoát hiểm, phần lớn các vách tường cách âm được làm bằng gỗ, thạch cao và mút xốp nên rất dễ cháy. “Chủ quán thường tận dụng hết không gian để làm phòng hát nhằm hạn chế âm thanh thoát ra ngoài nên phải bịt kín toàn bộ. Nhiều quán còn có kho chứa rượu, thuốc lá nên nguy cơ cháy rất lớn” - chị T. nói.
Tại quận 10, trên đường Sư Vạn Hạnh (đoạn từ đường 3 Tháng 2 đến Tô Hiến Thành) có hơn chục quán karaoke lớn, nhỏ cũng trong cảnh thiếu an toàn PCCC. Để tận dụng mặt bằng và cách âm tốt, phần lớn các quán karaoke ở đây đều thiết kế theo chuẩn chung là bao bọc thật kín toàn bộ ngôi nhà, cả cửa sổ và ban công. Chẳng hạn, tại quán karaoke K.T, toàn bộ 6 tầng đều được bao bọc kín mít từ trên xuống dưới...
Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC quận 3, đây là kiểu thiết kế rất “kỵ” đối với PCCC vì không chỉ tăng nguy cơ cháy nổ mà khi xảy ra hỏa hoạn thì rất khó đưa nguồn nước vào. Việc cứu người cũng gặp khó khăn, mọi người không thể thoát ra ngoài được. Vì vậy, nhiều người “chết ngạt hơn là bị chết cháy” do các vật liệu cách âm khi cháy có khí độc.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 1.500 vụ cháy. So với năm 2013, tuy có giảm về số vụ nhưng tính chất nghiêm trọng và mức độ thiệt hại về người và tài sản lại tăng hơn 70%. Trong đó, cháy quán bar - karaoke chiếm hơn 40%.
Xem xét khởi tố vụ cháy ở đường Trần Quốc Thảo
Sáng 31-12, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân họp khẩn các cơ quan chức năng để nghe báo cáo về vụ cháy trên đường Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3 vào đêm 30-12.
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TP HCM, có 8 căn nhà bị cháy. Trong đó, 3 căn bị cháy 100%. Nguyên nhân vụ cháy được xác định ban đầu là do chập điện từ một biển quảng cáo của quán karaoke. Công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn do căn nhà lầu cao tầng, nhất là tiệm karaoke Idol thiết kế kiên cố và không có lối thoát hiểm, có nhiều ghế mút, vật liệu cách âm nên đám cháy lan rất nhanh.
Xét thấy vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng làm 1 người chết và cháy 8 căn nhà, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo ngành công an xem xét, nếu đủ yếu tố thì khởi tố vụ án.
Từ vụ cháy trên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang cho biết sẽ xử lý nghiêm những cơ sở, trung tâm thương mại, nơi kinh doanh thiết kế biển quảng cáo không bảo đảm an toàn PCCC.
N.Phan
Xác định nguyên nhân để quy trách nhiệm
Sáng 31-12, Cảnh sát PCCC TP HCM đã phối hợp với Công an TP HCM tiến hành khám nghiệm hiện trường khu vực cháy 8 căn nhà trên đường Trần Quốc Thảo. Nạn nhân tử vong trong karaoke Idol ở số 184 Trần Quốc Thảo đã được xác định là anh Đỗ Ngọc Cư (SN 1977, ngụ quận 5). Sau vụ hỏa hoạn, các hộ bị thiệt hại cũng có thống kê ban đầu: số xe máy bị cháy rụi hơn 70 chiếc, trong đó riêng cửa hàng bán xe số 182 Trần Quốc Thảo bị thiêu rụi 44 chiếc...
Liên quan đến vụ cháy, ngoài việc cần được quan tâm đến chỗ ăn, chỗ ở, người bị thiệt hại còn đặt ra việc bồi thường và ai chịu trách nhiệm. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, phân tích: Theo quy định tại điều 604 Bộ Luật Dân sự 2005 thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Như vậy, trong vụ việc này phải xác định được nguyên nhân vụ cháy, cháy từ đâu... để có thể quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Về thông tin trong năm 2014, cơ quan chức năng đã 3 lần kiểm tra an toàn PCCC trong khu vực này, lần gần nhất trong tháng 12 nhưng vẫn cháy lớn, cũng được luật sư Hậu phân tích. Theo đó, tại điều 57 Luật PCCC thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC, bao gồm tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC... Do đó, trong vụ cháy này, để xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC thì cần phải xác định được các cơ quan này đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình hay chưa? Tuy nhiên, nếu phải chịu trách nhiệm thì trách nhiệm ở đây không bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân mà chỉ là trách nhiệm do việc không hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước...
T.Tiến
Bình luận (0)