UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp người nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc (TQ), nhập cảnh nhưng hoạt động không đúng thị thực, đến địa phương không đăng ký tạm trú, lao động mà không có hợp đồng đúng quy định…
Lao động chui, phạm pháp nhiều
Vài năm trở lại đây, người TQ có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước ngày càng đông, dưới các hình thức: du lịch, thăm thân nhân, xuất khẩu lao động... Các cơ quan chức năng đánh giá việc quản lý người TQ hiện nay khá phức tạp.
Khu vực Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận) được nhiều người dân địa phương ví von là... “làng TQ”. Sau giờ tan tầm mỗi chiều, nhiều lao động TQ rủ nhau đi dạo quanh các khu dân cư lân cận nhà máy. Họ mua hàng hóa rồi đưa vào khu tập thể bên trong nhà máy sử dụng.
Anh Trần Văn Cam, một chủ quán cơm gần nhà máy, cho biết: “Tất cả công nhân TQ đều có nhà trọ, nơi ăn ở tập trung trong khuôn viên nhà máy. Họ rất ít quan hệ với công nhân Việt và sống khá bí ẩn”.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Thuận, giữa năm 2014, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh phát hiện chỉ 144/269 lao động TQ tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân có giấy phép lao động, 36 lao động không có hộ chiếu.
Trước tình hình trên, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo siết chặt quản lý lao động TQ tại đơn vị này. Tuy nhiên, đến tháng 10-2015, trong số 256 lao động TQ ở nhà máy thì chỉ 15 người được cấp phép. Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị hữu trách của tỉnh rà soát, báo cáo cụ thể về 300 lao động TQ đang làm việc tại nhà máy trên tinh thần phải chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý người nước ngoài nhằm giữ gìn an ninh trật tự.
Tại Ninh Thuận, báo cáo của UBND tỉnh vào giữa tháng 3-2016 cho thấy hiện có 1.491 người TQ tạm trú tại tỉnh theo diện du lịch tự do; 44 lao động TQ thuộc các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, công ty tư nhân; 98 người TQ đang làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) nhưng lại tạm trú ở tỉnh Ninh Thuận.
Theo ông Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Thuận, qua kiểm tra tại 12 DN có vốn đầu tư nước ngoài trong toàn tỉnh, chỉ có 17 lao động là người TQ được đăng ký qua sở. Theo tìm hiểu của phóng viên, 27 lao động TQ còn lại đang làm việc tại một số DN, công ty tư nhân chuyên nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển xã An Hải, huyện Ninh Hải.
Đã có ít nhất 9 trường hợp người TQ tạm trú tại địa phương vi phạm pháp luật bị xử lý. Đáng lưu ý, 98 lao động TQ làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân bị phát hiện có nhiều biểu hiện phức tạp trong quan hệ, đi lại, sinh hoạt…, làm mất trật tự trị an của địa phương. Số này hầu hết tạm trú ở khu vực biển Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận), giáp ranh tỉnh Bình Thuận.
3 đơn vị cùng quản lý người TQ
Ông Hà Anh Quang cho rằng việc quản lý người TQ hiện gặp nhiều khó khăn.
“Một bộ phận làm việc tại các DN đàng hoàng, có hợp đồng lao động đúng ngành nghề thì mình còn dễ quản lý, còn số hoạt động “chui” thì khó vô cùng” - ông Quang nhấn mạnh. Theo vị giám đốc sở này, hiện có đến 3 lực lượng quản lý người TQ nhập cảnh vào địa phương là ngành LĐ-TB-XH, công an và biên phòng.
Ông Nguyễn Thanh Sang - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong - cho hay để quản lý tốt lao động nước ngoài, trong đó chủ yếu là người TQ, công an tỉnh đã thành lập một đồn công an gần khu vực nhà máy.
“Gần một năm qua, khi thành lập đồn, tình hình trật tự an ninh ở đây đã cải thiện đáng kể” - ông Sang cho biết. Theo ông, địa phương chỉ phối hợp quản lý, còn trách nhiệm chính vẫn là lực lượng công an.
Trước đây, ở Khu Kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), vào những lúc cao điểm như cuối năm 2014 có tới 2.500 lao động TQ làm việc trái phép. Bất đồng ngôn ngữ, văn hóa nên đã phát sinh những mâu thuẫn, va chạm giữa công nhân TQ với người địa phương và với cả công nhân TQ. Đỉnh điểm là vụ lộn xộn, xô xát vào ngày 14-5-2014 giữa khoảng 1.000 công nhân TQ và công nhân Việt Nam cùng người dân địa phương khiến 1 người chết, 149 người bị thương.
Ông Phạm Trần Đệ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, cho hay tính đến đầu tháng 4-2016, lao động nước ngoài tại Vũng Áng có khoảng 4.500 người, gồm cả 3.300 lao động TQ. Hiện các lao động phổ thông, lao động kỹ thuật người TQ đều ở tập trung trong ký túc xá của Formosa; chỉ số ít quan chức, cán bộ, lãnh đạo ở một số khách sạn nên việc quản lý khá dễ dàng. Tình trạng lao động TQ đi lại tự do ở bên ngoài như trước đây đã không còn.
Đại tá Đặng Hoài Sơn, Trưởng Công an thị xã Kỳ Anh, khẳng định nhờ các ngành chức năng, chủ đầu tư Formosa tăng cường quản lý lao động người TQ nên tình hình an ninh trật tự trong và ngoài khu kinh tế đều ổn định, không còn phức tạp như trước.
Gắn mác chuyên gia, du khách vào thu gom nông sản
Tại Bình Thuận, vào ngày 23-3, UBND tỉnh đã quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng đối với 4 người TQ nhập cảnh, hành nghề nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Ngoài ra, mỗi người còn bị phạt 25 triệu đồng về hành vi kinh doanh trái phép trái thanh long.
Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh đối với những trường hợp tái phạm; đồng thời củng cố hồ sơ để xử lý 2 người TQ thuê nhà xưởng kinh doanh thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam.
Trước đó, trong năm 2015, một số người TQ đã nhập cảnh Việt Nam dưới mác chuyên gia kỹ thuật hoặc đi du lịch nhưng lại đến huyện Hàm Thuận Nam để thu mua nông sản. Công an tỉnh Bình Thuận đã đề xuất UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính và trục xuất khỏi địa phương 15 người.
Bình luận (0)