Giờ đang vụ đông xuân nhưng nhiều cánh đồng ở các huyện Thuận Nam, Bác Ái, Ninh Hải (Ninh Thuận); Đức Linh, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) ngập một màu vàng cháy của rạ khô, cỏ úa, chẳng khác gì sa mạc...
Ruộng “chết”
Ngày 29-2, chưa tới 9 giờ nhưng nắng nóng đã “bể đầu người” trên các cánh đồng của xã Phước Minh, huyện Thuận Nam. Dấu vết còn lại của các đồng lúa rộng lớn là những gốc rạ khô cháy. Đây đó, từng đàn bò ốm trơ xương đang cố liếm láp những gốc cỏ cháy còn sót lại trên mặt đất nứt nẻ.
Lọt thỏm giữa cánh đồng khô khốc, 2 mẹ con bà Thiên Thị Lan đang lầm lũi hốt từng miếng phân bò cho vào bao. “Cả nhà có 6 miệng ăn, sinh sống nhờ 2,5 sào ruộng nhưng 2 vụ rồi bị nắng hạn “cướp” sạch. Chồng tôi phải ra tận Cam Ranh (Khánh Hòa) làm phụ hồ. Hai mẹ con ở nhà hằng ngày đi lượm phân về bán kiếm vài chục ngàn đồng, lo cái ăn cho mấy đứa nhỏ” - bà Lan bộc bạch và cho biết chí ít cũng có đến mấy chục nông hộ trong xã phải “gác cuốc” vì nắng hạn.
Theo Quốc lộ 27, ngược lên xã miền núi Phước Thành, huyện Bác Ái - nơi bị hạn “tấn công” dữ dội suốt những tháng qua-sông suối khô kiệt, giếng đào hàng chục mét vẫn không có nước. Bà con địa phương phải tìm những mảnh đất nhỏ gần hồ Sông Sắt đã cạn nhưng vẫn còn độ ẩm để trồng cây ngắn ngày (bắp, đậu) lấy cái ăn cho người và trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. “Ruộng rẫy nhiều lắm nhưng cả năm rồi có trồng tỉa gì được đâu. Nắng hạn vầy chắc chết mất thôi…” - ông K’tơ Khen than thở.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết vụ đông xuân này toàn tỉnh có gần 6.000 ha đất phải dừng sản xuất vì thiếu nước. Dự kiến diện tích đất không thể gieo cấy trong vụ hè thu tới còn lớn hơn nhiều.
Cũng như Ninh Thuận, tại huyện Đức Linh, địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh Bình Thuận, người dân đang đứng ngồi không yên vì thiếu nước sản xuất. Tại thị trấn Võ Xu, hàng ngàn hecta lúa đang thời kỳ trổ bông đã bị vàng úa. Ông Trần Tươi cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, chính quyền cam kết có đủ nước để bà con sản xuất nên chúng tôi mới gieo sạ lúa. Tuy nhiên, nước không được bơm về khiến lúa không thể trổ đòng”. Theo nông dân ở Võ Xu, nếu tình trạng này kéo dài khoảng một tuần nữa thì toàn bộ hơn 800 ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng sẽ mất trắng.
Những cánh đồng lúa của xã láng giềng Nam Chính cũng trong tình cảnh tương tự. “Mấy ngày Tết, cả nhà tôi thay phiên nhau ra đồng ngồi chờ nước nhưng mãi không thấy. Toàn bộ vốn liếng đã đổ vào đây, sắp tới sống sao đây?!” - bà Nguyễn Thị Thanh Lan chua xót nói.
Theo tìm hiểu, sau Tết Nguyên đán, trạm bơm Võ Xu đã tiến hành bơm nước vào cánh đồng nhưng do lượng nước quá ít nên chẳng thấm tháp vào đâu.
Không chỉ Đức Linh, huyện Hàm Thuận Bắc cũng đang quay quắt vì nắng hạn. Theo thống kê sơ bộ, vụ đông xuân này huyện Hàm Thuận Bắc có khoảng 7.000 ha đất trồng lúa phải ngừng sản xuất do hạn, riêng xã Hàm Trí bị nặng nhất với hơn 1.000 ha. Những đồng lúa khô khốc, trở thành nơi chăn thả gia súc trong mùa hạn.
Người “khô héo”
Không chỉ thiếu nước sản xuất, hàng chục ngàn người dân Ninh Thuận cũng đang quắt queo vì thiếu nước uống, nước sinh hoạt.
Để có nước uống, gần 4 tháng qua, hơn 200 hộ dân của thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận)phải mua từng can nhựa với giá hơn 70.000 đồng/m3. Còn nước sinh hoạt, tắm giặt phải đi xa vài km để múc từ mương, suối chở về từng thùng sử dụng. “Tiết kiệm lắm thì mỗi gia đình phải tốn từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng tiền nước uống. Hầu hết bà con trong thôn đều nghèo nên khoản tiền trên là quá lớn, khốn khó dữ lắm!” - ông Phan Văn Hoàng nói.
Tại 2 thôn Thương Diêm 1, 2 của xã Phước Diêm (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), trên 4.000 người cũng trong tình cảnh tương tự nên bà con phải mua nước từ xe bồn của dân TP Phan Rang - Tháp Chàm chở vào bán với giá 80.000 - 90.000 đồng/m3.
Ba xã bãi ngang của huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận là Tân Thắng, Sơn Mỹ, Thắng Hải, tình trạng thiếu nước uống khốc liệt hơn. Ông Nguyễn Minh Hưng, cụm trưởng cụm cấp nước Thắng Mỹ, cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, nhà máy cấp nước của khu vực này có công suất 1.000 m3/ngày đã ngưng hoạt động do nguồn nước từ đập Cô Kiều chảy về đã cạn kiệt”.
Bà Nguyễn Thị Khoa (thôn Gò Găng, xã Tân Thắng) cho biết không còn cách nào khác, gia đình bà phải vét lại cái giếng cũ đã bị nhiễm phèn trước đó vốn chỉ dành tắm heo để lấy nước sinh hoạt. “Nước uống thì phải mua, đắt lắm, đến 1.000 đồng/20 lít nhưng phải đi qua vùng giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới có, xa 8-9 km…” - anh Nguyễn Hoàng Anh rầu rĩ.
Ông Lương Thanh Châu, cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Bình Thuận, cho hay: “Khoảng giữa tháng 3, Nhà máy Nước Tân Minh sẽ ngưng hoạt động. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài vài tháng tới thì một số nhà máy nước ở các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc cũng không còn nước”.
Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh Bình Thuận có trên 40.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Con số này đang tăng từng ngày.
Di tản!
Từ các xã vùng sâu Nhị Hà, Phước Hà của huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, cách TP Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 20 km về hướng Tây Nam, một trong những “đại bản doanh” chăn nuôi của tỉnh này, đã bắt đầu có những cuộc “di cư” gia súc từ ngàn xuống xuôi.
Anh Nguyễn Thành có hơn 50 con cừu chăn thả trên núi đã phải đưa về vùng cuối kênh Nam của huyện Ninh Phước để cứu khát đàn gia súc. Anh Thành nói nắng nóng đến gai xương rồng cũng héo úa, lấy gì cho bầy cừu ăn uống. “Phải chạy hạn thôi, may ra còn kiếm được chút nước, không có cỏ thì mua rơm rạ cho chúng ăn tạm” - anh Thành nói.
Hơn nửa tháng qua, hàng ngàn bò, dê, cừu ở những vùng “tâm hạn” trong tỉnh được chủ đưa về các cánh đồng cuối kênh Nam, kênh Bắc, sông Lu, sông Cái... nhưng rồi khát vẫn khát do đàn quá đông. Nhiều chủ trang trại phải chi cả trăm ngàn đồng/ngày để bơm nước từ giếng khoan của nông dân cho chúng uống tạm.
Trên những cánh đồng khét nắng dọc Quốc lộ 1 từ thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) đến Phước Nam, Phước Ninh (Thuận Nam), từ sáng sớm đến tối mịt luôn có đến vài ngàn con cừu, dê, bò tranh nhau gặm từng cọng cỏ cháy để lây lất qua cơn hạn. Giải pháp chống chọi tạm thời của các chủ nuôi là trữ rơm rạ nhưng bây giờ thứ này cũng tăng giá vùn vụt, lên đến cả triệu đồng/xe bò.
Thông tin mới nhất, hiện hầu hết các hồ thủy lợi ở 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ còn khoảng 20%-30% dung tích thiết kế, thậm chí nhiều hồ đã trơ đáy từ 4 tháng qua. Vì thế, di tản rồi cũng sẽ không còn hiệu quả!
Gấp rút cứu dân
Ngày 29-2, chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Phải tập trung cao độ, huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn với mục tiêu cuối cùng là giảm tối đa thiệt hại. Các bộ, ngành, địa phương phải hết sức quan tâm lo nước cho dân, trước hết là nước uống, nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết hạn hán khốc liệt sẽ tiếp tục kéo dài đến vụ hè thu 2016 ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với khoảng 40.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất. Mùa khô khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ rơi vào cao điểm tháng 4 và thiếu nước tưới khoảng 180.000 ha, trong đó riêng cà phê bị hạn khoảng 100.000 ha. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt nặng nhất là Đắk Lắk với khoảng 25.000 hộ dân.
T.Dũng
Những con số biết nói
Theo thống kê, trong vòng 20 năm qua, Ninh Thuận đã hứng chịu ít nhất 7 cơn đại hạn với con số thiệt hại khôn lường.
Đơn cử, tổng thiệt hại đợt hạn năm 2005 là gần 135 tỉ đồng và trên 27.000 người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, đợt hạn trong 2 năm 2014-2015 là dữ dội nhất, gây thiệt hại trên 30.000 tấn lương thực (lúa, bắp), hơn 100.000 người dân bị thiếu nước uống, nước sinh hoạt; khoảng 150.000 con gia súc (bò, dê, cừu) bị thiếu nước uống nghiêm trọng, hàng trăm con bị chết, hàng chục ngàn con bị suy kiệt. Chính phủ đã phải hỗ trợ 172 tỉ đồng cho Ninh Thuận khắc phục hậu quả hạn hán năm 2015.
Bình luận (0)