Các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi lên đến hơn 40 độ C khiến bất cứ ai phải “phơi mình” dưới nắng đều than trời.
Cuộc sống đảo lộn
Ngày 15-6, ngay từ đầu giờ sáng, thời tiết ở Hà Nội đã trở nên oi bức. Gần về trưa, nắng nóng càng thêm gay gắt, nhiệt độ ngoài đường lên đến hơn 40 độ C. Giữa trưa, kẹt xe, nhiều người không chịu được nắng nóng nên liều mình vượt cả đèn đỏ. Không ít người dừng đỗ dưới tán bóng cây cách vạch chờ hàng chục mét. Nhiều người tìm đến các hồ nước có nhiều cây cối để ngồi hoặc nằm nghỉ trưa trên thảm cỏ dưới gầm cầu vượt...
Tại Nghệ An, nắng nóng kết hợp với gió Lào thổi mạnh làm nhiều nơi như huyện Tương Dương, Quỳ Hợp, Con Cuông... nhiệt độ lên tới 40 độ C. Nắng nóng kéo dài còn gây ra hàng loạt vụ cháy rừng lớn ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu... khiến nhiều diện tích rừng bị thiêu rụi. Tình trạng nắng nóng kéo dài còn khiến ao hồ, sông suối khô cạn, một số diện tích cây trồng bị chết khiến đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm này, Thanh Hóa đang bước vào vụ thu hoạch chiêm xuân. Để tránh cái nắng nung người, khắp các huyện, xã, nông dân phải dậy từ sớm tinh mơ để gặt lúa hoặc thu hoạch từ xế chiều đến khuya.
Đua nhau nhập viện
Nắng nóng gay gắt cũng khiến người già, trẻ nhỏ đổ bệnh hàng loạt. Tại các bệnh viện (BV) ở Hà Nội, bệnh nhân tăng đột biến. BV Nhi trung ương mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2.500-3.000 ca, đa số trẻ mắc các triệu chứng ho kéo dài, sốt cao, nôn ói, tiêu chảy. Tại BV Lão khoa trung ương, lượng bệnh nhân cao tuổi tăng từ 10%-20%. Các bác sĩ của BV cho biết người già thường đến khám do tình trạng mệt mỏi, chán ăn và các bệnh lý về đường hô hấp vì sử dụng máy điều hòa quá lạnh.
Theo thống kê của BV Đa khoa Nghệ An, trong một tuần gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng nhanh, khoảng 1.200 người, chủ yếu là người già với các bệnh liên quan đến thần kinh, tim mạch, hô hấp. Tại BV Sản - Nhi Nghệ An, số lượng trẻ em nhập viện vì nắng nóng cũng tăng cao bất thường. “Phần đông trẻ nhập viện do mắc các bệnh đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, viêm não...” - bác sĩ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc BV Sản - Nhi Nghệ An, nói.
Các bác sĩ cảnh báo nếu “phơi mình” ở nhiệt độ từ 37 độ C trở lên từ 1-2 giờ sẽ khiến gia tăng thân nhiệt của cơ thể. Khi thân nhiệt lên đến 40 độ C, kèm theo mất nước thì có thể gây tổn hại tới não và các cơ quan nội tạng khác. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người sốc nhiệt có thể bị tổn thương não hoặc tử vong.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cung cấp kiến thức cho người lao động và chủ lao động trên địa bàn về phòng tránh tác hại do nắng nóng với sức khỏe con người. Trong công điện vừa ban hành, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, yêu cầu Sở Y tế chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè, không để bùng phát.
Đón mưa giải nhiệt
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, cho biết đêm 15 và sáng 16-6, Bắc Bộ có mưa rào và giông diện rộng. Như vậy, từ ngày 16-6, nắng nóng gay gắt ở các tỉnh Bắc Bộ chấm dứt; ở các tỉnh Trung Bộ từ ngày 17-6, nắng nóng dịu dần. Theo đó, nền nhiệt các tỉnh Bắc Bộ cũng giảm đáng kể, cao nhất về ban ngày ở mức 32-34 độ C. V.Duẩn
Bình luận (0)