Sáng nay 2-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.
Đặc biệt, tại phiên thảo luận gần như 100% phát biểu của đại biểu (ĐB) cùng bày tỏ sự bức xúc và phẫn nộ trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đồng thời đề nghị có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, quan tâm đầu tư hơn nữa đối với bảo vệ chủ quyền đất nước. ĐBQH cũng đề nghị Chính phủ có biện pháp hữu hiệu nâng cao sức mạnh kinh tế trong nước, thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế, nguồn nguyên liệu cũng như phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa), Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối chủ trương, quan điểm mạnh mẽ, quyết liệt về biển Đông của Đảng và Nhà nước. “Từ đó đã chiếm được cảm tình của nhân dân toàn thế giới. Thông tin về chỉ số GPS - phản ánh mức độ rủi ro của trái phiếu Chính phủ, quốc gia với nhà đầu tư nước ngoài liên tục giữ ổn định từ tháng 4-2014 đến nay đã chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng” - ông Ngoạn công bố.
Nhìn nhận tình hình dưới góc độ kinh tế, đại biểu Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đặt vấn đề hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc được dự báo có thể tác động đáng kể tới quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Từ góc độ kinh tế, Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này.
Ông Lộc phân tích hiện nay ngành dệt may của Việt Nam đang phải nhập tới 50% - 60% vật tư nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc. Cũng có tới 90% hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) trong các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung tín dụng và vật tư nguyên liệu, hàng hóa từ Trung Quốc rất dồi dào và tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy không phải là thị trường lớn nhất, nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc cũng đang tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ của Việt Nam. Giá xuất hàng hóa sang nước láng giềng này rất rẻ mạt, chỉ bằng 1/10 giá bán sang thị trường phương Tây và luôn có những rủi ro rình rập nhưng vẫn phải tiếp tục hướng tới do thị trường này dễ tính hơn. “Phải tìm những lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng lệ thuộc “trứng bỏ một giỏ” như hiện nay. Phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các khu - cụm công nghiệp và thông qua các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản Việt Nam, tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng, có giá trị gia tăng lớn của thế giới. Đây là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam mà cho đến nay chúng ta còn chưa làm tốt” - ông Lộc hiến kế.
Đặc biệt, người đứng đầu VCCI cho biết trong lúc có nhiều ý kiến lo ngại về những hành động trả đũa ngược của Trung Quốc với Việt Nam khi tranh chấp Biển Đông leo thang như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam nhưng có nhiều ý kiến khác cho rằng Trung Quốc không dễ gì làm điều đó (ít nhất là từ góc độ chính thức và ở quy mô lớn). “Các hoạt động giao thương với Việt Nam đang là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo bậc nhất Trung Quốc. Việt Nam cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc đang có những lợi ích lớn nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tại Việt Nam. Tất cả điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi quyết định bất kỳ biện pháp nào” - ông Lộc chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng về phía Việt Nam, dù có muốn mở rộng nguồn cung tới đâu, dù có đa dạng hóa thị trường đầu ra tới mức nào, Việt Nam cũng không thể bỏ qua nguồn nguyên liệu phong phú bậc nhất của Trung Quốc, không thể không mua sản phẩm hợp lý từ công xưởng lớn nhất của thế giới và không bán hàng sang thị trường đông dân nhất thế giới lại cận kề nền kinh tế Việt Nam. Với cách thức sản xuất hiện đại theo chuỗi cung ứng toàn cầu, mỗi nước đều phụ thuộc vào các nước khác. Rất nhiều nước trên thế giới tìm cách giao thương với Trung Quốc và Việt Nam chắc chắn không phải là ngoại lệ. Thậm chí gần Trung Quốc lại là một lợi thế để bứt phá, để vượt lên nếu chúng ta có được một nền kinh tế đủ sức cạnh tranh.
Từ đó, ông Lộc đề xuất với các hiệp định thương mại tự do cũ và mới, đồng thời với việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế vào Trung Quốc và chuẩn bị phương án chủ động ứng phó với những trục trặc, bất ổn có thể xảy ra trong quan hệ Việt - Trung. “Chúng ta sẽ tiếp tục lên án và kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền của nước ta. Nhưng chúng ta cũng khẳng định rằng mọi động thái bài xích, kỳ thị hay phá hoại hoạt động giao thương, đầu tư giữa hai bên sẽ là thất sách, sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới lợi ích của các doanh nghiệp và nền kinh tế” - ông Lộc chia sẻ.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ có kịch bản ứng phó với các ảnh hưởng tiêu cực của sự việc với kinh tế, đầu tư nước ngoài, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, trật tự.
Quyết liệt hơn, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) bày tỏ: “Hơn 1.000 năm qua, Trung Quốc vẫn tìm mọi cách để tranh chấp, không để Việt Nam được yên và 100 năm tới, 1.000 năm tới không có cách gì chấm dứt. Không thấy ở Trung Quốc cái tình hữu nghị trong sáng, chân thật mà chỉ là hữu nghị nửa vời, hữu nghị viển vông, lệ thuộc. Dù lúc mạnh yếu khác nhau nhưng chưa bao giờ chúng ta lệ thuộc phương Bắc về kinh tế và bây giờ cũng vậy, Chính phủ cần có biện pháp hữu hiệu để kinh tế chủ động và không bị động trước người láng giềng tham lam”.
Còn ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bức xúc: “Dân tộc Việt Nam từ ngàn năm nay phải sống cạnh người hàng xóm rộng vai nhưng hẹp bụng, vì thế luôn phải có biện pháp thích ứng như sống chung với lũ. Nhưng đáng sợ là lũ lên rồi xuống nhưng người bạn xấu bụng phương Bắc lại không thể hiểu được và không biết họ sẽ làm gì và làm khi nào. Vì thế việc nâng cao năng lực cạnh tranh, sự chủ động vững mạnh về kinh tế sẽ giúp đất nước tự cường để bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước”.
Với thái độ gay gắt và kiên quyết thường thấy, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) nói thẳng: “Sự hung hăng của Trung Quốc càng nhiều thì lòng yêu nước của nhân dân càng trỗi dậy. Sự xâm lấn của nước láng giềng xấu bụng Trung Quốc là không thay đổi. Và mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì lòng yêu nước lại kết dân ta thành một khối. Vì vậy chúng ta cần suy nghĩ sâu sắc không mắc bẫy chủ nghĩa bá quyền để chúng đạt được mục đích độc chiếm biển Đông, không để bị phần tử xấu lợi dụng kích động, không để tình trạng đục nước béo cò”.
Ông Đương đồng tình với việc Chính phủ dành 16.000 tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa để đầu tư cho Cảnh sát biển, Kiểm ngư ngày ngày bảo vệ chủ quyền trên biển Đông. Để có thêm nguồn, ông Đương đề nghị tạm dừng ngay những dự án chưa thật sự bức xúc, cần thiết để tăng tiềm lực quốc phòng an ninh, thêm trang bị cho quân đội, công an để quản lý tình hình với ông láng giềng từ xa, giữ vững địa bàn Tây Nguyên. Chính phủ cần có Nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ cương tài chính. “Đại biểu QH rơi nước mắt nhiều là đúng nhưng cần cụ thể hoá đóng góp của mình bằng chính việc đồng lòng ra nghị quyết của kỳ họp về vấn đề Biển Đông và tác động đến kinh tế - xã hội sự xâm lấn của Trung Quốc. Chúc cho Đảng ta, nhân dân ta biến hoạ thành may” - ông Đương nói.
Tán đồng, ĐB Trần Du Lịch đề nghị QH phải nêu rõ vấn đề giàn khoan 981 và tác động của hành động xâm lấn của Trung Quốc đến kinh tế - xã hội. QH cần ra nghị quyết “thắt lưng buộc bụng” dồn nguồn lực cho phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền.
Trước hàng loạt ý kiến đề nghị có kịch bản kinh tế “thoát Trung” của đại biểu QH, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng báo cáo trước QH về tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại những tháng đầu năm và cụ thể là những tác động từ vụ giàn khoan và sự chủ động kinh tế trước Trung Quốc.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết năm 2013, kim ngạch xuất khẩu là 133 tỉ USD và từ năm 2012 đến nay nền kinh tế Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Riêng 5 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất siêu 1,65 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu trên ra 180 nước và vùng lãnh thổ. Còn đối với Trung Quốc, năm 2013, xuất khẩu sang nước này chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu (hơn 10 tỉ USD) và nhập khẩu chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu, khoảng 30 tỉ USD. “Tuy nhiên không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo bằng mọi biện pháp cải thiện cán cân xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Nhân cơ hội này, chúng ta đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới trên cơ sở nhiều nước mong muốn cải thiện kinh tế với Việt Nam. Hiện chúng ta đang và sẽ ký nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như các tổ chức” - ông Hoàng trấn an.
Bình luận (0)