Sáng nay 29-9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang đã trả lời chất vấn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và 63 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh thành.
Đi thẳng vào vấn đề gây bức xúc cho người dân ở nhiều đô thị hiện nay là “cò cưa” cấp sổ đỏ, Uỷ viên thường trực Ủy ban Pháp luật, ông Nguyễn Sỹ Cương đặt hỏi: “Ngoài cấp sổ đỏ cho người chết mà vừa rồi dư luận nêu thì tôi còn nhận được phản ánh của người dân về tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc cấp sổ đỏ cho người dân tại các dự án chung cư ở Hà Nội”.
Theo ông Cương, QH vừa có nghị quyết yêu cầu Hà Nội giải quyết việc cấp sổ đỏ lần đầu tỷ lệ tối thiểu 85%. “Hà Nội không thực hiện đúng nghị quyết nhưng không thấy Bộ TN-MT cũng như Hà Nội báo cáo lại nguyên nhân không thực hiện được tỷ lệ cấp sổ trên, cũng như giải pháp khắc phục là gì?” - ông Cương chất vấn.
Trong khi đó rất nhiều dự án người mua nhà đã thanh toán đầy đủ, chủ đầu tư đã bàn giao cho người sử dụng hàng năm nay nhưng không thấy nói gì đến việc cấp sổ đỏ. “Theo người dân thì nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới việc cấp sổ đỏ chậm trễ phần lớn do tiêu cực, nhũng nhiễu. Tôi xin hỏi Bộ trưởng có biết việc này không và trách nhiệm quản lý của Bộ TN-MT như thế nào?” - ông Cương truy.
Đặt lên bàn nghị sự thực tế việc cấp sổ đỏ tại các dự án bấy lâu không làm riêng lẻ từng trường hợp đối với các dự án chung cư mà phải làm từng tòa nhà thông qua chủ đầu tư, ông Cương cho biết: “Lợi dụng việc này, chủ đầu tư tại cuộc họp với các cư dân tại chung cư đã phổ biến phải nộp 8 triệu đồng mới được làm nhanh sổ đỏ. Điều đáng nói là “phí bôi trơn” này chỉ nói miệng và thu tiền không có biên lai, biên nhận gì cả. Việc này xảy ra ở rất nhiều các dự án chung cư ở Hà Nội, điển hình là dự án Mễ Trì Thượng, Hapulico”.
Chỉ đích danh quy định giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ rất mập mờ, quy trình thời hạn giải quyết cũng rất mập mờ dẫn đến chủ đầu tư luôn trả lời dân “không biết đến bao giờ mới có sổ đỏ, muốn biết thì xuống bộ phận một cửa mà hỏi”. “Khi người dân phản ánh đến lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội thì không nhận được phản hồi. Việc người dân nghi ngờ có đường dây làm sổ đỏ từ các chủ đầu tư lên tới Sở TN-MT. Tôi xin chuyển câu hỏi này tới Bộ trưởng?” - ông Cương hỏi.
Giải trình bức xúc của người dân và vấn đề ĐBQH chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết báo cáo của Bộ gửi UBTVQH và các ĐBQH đã tương đối đầy đủ, sau khi có Nghị quyết 30, đã hoàn thành hơn 80% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Tuy nhiên việc cấp này có nhiều nguyên nhân chậm trễ, kéo dài, trong đó có cả nhũng nhiễu, trong đó có tại văn phòng đăng ký đất đai.
Với đô thị như Hà Nội, TP HCM, phương tiện thông tin đã nói nhiều về tình trạng cấp sổ đỏ. “Nhất là ở Hà Nội, đặc biệt là các chung cư có liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư vì họ đã xong việc bán nhà, giờ phủi tay” - ông Quang phân trần. Theo Bộ Trưởng, Bộ TN-MT đã cử nhiều đoàn xuống làm việc với Hà Nội và tình hình đến nay đã cải thiện hơn rất nhiều, hướng dẫn để tìm thêm giải pháp. “Song mắc hiện nay cũng liên quan đến cán bộ, thủ tục hành chính nữa, thủ tục đã rút ngắn rất nhiều nhưng vấn đề là các địa phương, văn phòng đăng ký đất đai áp dụng thế nào” - ông Quang thừa nhận.
Không hài lòng, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết đã hỏi Sở TN-MT Hà Nội về việc chậm cấp sổ đỏ làm nóng tình hình nhưng sở này nói làm đúng, trong khi Bộ trưởng nói làm chưa tốt. “Vậy Bộ trưởng thẩm định thông tin như thế nào?” - ĐB An chất vấn.
Giải đáp băn khoăn của ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chỉ nói: “Xin tiếp thu ĐB và sẽ có văn bản trả lời sau”!.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân “chốt”: “Cấp sổ đỏ đề nghị đặc biệt lưu ý việc cấp cho các hộ chung cư ở thành phố lớn vì có nhiều biểu hiện tiêu cực mà cơ quan nhà nước phải chú ý để phối hợp cùng Hà Nội”.
Bộ TN-MT cho biết tính đến ngày 31-12-2013, các địa phương đã cơ bản hoàn thành mục tiêu (đạt trên 85%) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội. Cả nước đã cấp được 41,6 triệu sổ đỏ với tổng diện tích 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích các loại đất đang sử dụng phải cấp sổ đỏ (diện tích cần cấp); trong đó 5 loại đất chính của cả nước đã cấp được 40,7 triệu sổ đỏ với tổng diện tích 22,3 triệu ha, đạt 94,6% diện tích cần cấp và đạt 96,7% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Như vậy, kết quả cấp sổ đỏ lần đầu của cả nước đã đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, một số tỉnh còn một số loại đất chưa hoàn thành cơ bản việc cấp giấy. Cụ thể, đất chuyên dùng còn 29 tỉnh, đất ở đô thị còn 15 tỉnh; đất sản xuất nông nghiệp còn 11 tỉnh; đất ở nông thôn và đất lâm nghiệp còn 12 tỉnh.
Nhiều địa phương do chưa có bản đồ địa chính, khó khăn về kinh phí và nhân lực nên phải tận dụng các bản đồ, tài liệu đo đạc khác hiện có hoặc chỉ đạo đo đạc bằng phương pháp đơn giản để cấp giấy, do đó, độ chính xác không cao và sẽ phải thực hiện đo đạc lại và cấp đổi lại sổ đỏ. Nhiều địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, dẫn đến thay đổi, phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý lại bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cấp đổi sổ đỏ. Tình trạng tồn đọng giấy chứng nhận đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận ở một số tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều, vào khoảng 300.000 sổ đỏ, chủ yếu ở các tỉnh: Hưng Yên, Bình Phước, Cao Bằng, Thái Bình, Gia Lai.
Bình luận (0)