Phóng viên: Vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ làm “nóng” kỳ họp thứ 7 Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc sáng 20-5, thưa ông?
- Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo: Chắc chắn sẽ “nóng”. Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có tuyên bố rất rõ ràng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập vấn đề chủ quyền của đất nước trên biển Đông. Mới đây, trong tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng lên tiếng mạnh mẽ về vấn đền này.
Dự kiến, trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp lần này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề cập vấn đề biển Đông. Tôi tin rằng đây sẽ là vấn đề được tất cả đại biểu (ĐB) QH dành sự quan tâm đặc biệt. Theo chương trình kỳ họp, trong buổi chiều ngày họp đầu tiên, QH sẽ nghe Chính phủ báo cáo đầy đủ về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và vấn đề biển Đông.
Theo ông, QH sẽ phản ứng thế nào đối với hành động sai trái, vi phạm luật pháp Việt Nam và các cam kết quốc tế của Trung Quốc?
- Trước hết, QH cần thể hiện thái độ rõ ràng, dứt khoát, có trách nhiệm về hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. QH khi thông qua Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển đã thể hiện rất rõ chủ quyền của Việt Nam. Hiến pháp sửa đổi cũng nêu rõ chủ quyền quốc gia bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo tôi, trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục tập trung phát triển kinh tế biển hơn nữa theo đúng Luật Biển, cũng như luật pháp quốc tế.
Ông có cho rằng tại kỳ họp này, QH có cần phải ban hành nghị quyết riêng về vấn đề biển Đông?
- Việc ra một nghị quyết riêng chắc QH còn phải bàn bạc trên cơ sở tình hình thực tế. Tuy nhiên, chí ít, trong nghị quyết về kinh tế - xã hội cần khẳng định những chính sách phát triển gắn liền với biển đảo như hỗ trợ ngư dân, lực lượng chấp pháp trên biển. Đây là thẩm quyền của QH.
Hiện Ủy ban Thường vụ QH đã giao Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy ban Đối ngoại phối hợp cùng Bộ Ngoại giao để có biện pháp thống nhất đối với vấn đề biển Đông.
Với tư cách ĐBQH, ông có đề xuất gì đối với vấn đề giàn khoan Hải Dương 981?
- Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như các thỏa thuận cấp cao giữa 2 nước. Điều này cho thấy chúng ta phải luôn cảnh giác, chủ động với Trung Quốc. Đồng thời phải tăng cường và duy trì các hoạt động ngoại giao từ cấp nhà nước đến nghị viện, ngoại giao nhân dân… Hiện có rất nhiều người dân, trí thức Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý đã phản đối hành động sai trái của chính quyền nước họ.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về lòng yêu nước cũng như phê phán những hành vi, thái độ vi phạm pháp luật, bị kẻ xấu lợi dụng khi bày tỏ lòng yêu nước. Công tác này cần sự vào cuộc của các ĐBQH cũng như các đoàn ĐBQH.
Dành thời gian thảo luận
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Văn phòng QH đã xin ý kiến ĐBQH, đoàn ĐBQH và các cơ quan hữu quan về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7. Đến nay, Văn phòng QH đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều đoàn ĐBQH, một số ĐBQH cùng một số cơ quan hữu quan. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, Văn phòng QH đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét điều chỉnh nội dung kỳ họp thứ 7 theo hướng bổ sung nội dung Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, QH sẽ thảo luận và thể hiện thái độ về vấn đề này, tùy tình hình thực tế sẽ bố trí thời gian và cách thức thực hiện.
Góp ý về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ QH ngày 16-5, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhất trí với đề nghị của ĐBQH gửi đến Đoàn Thư ký kỳ họp về việc yêu cầu Chính phủ báo cáo chi tiết, cập nhật về tình hình biển Đông và QH sẽ dành thời gian thích hợp để thảo luận tại các đoàn ĐBQH. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp sẽ đề cập vấn đề hệ trọng này.
Cần lên án hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội vừa tổng hợp 36 ý kiến, kiến nghị của cử tri với QH, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ. Trong đó, về quốc phòng - an ninh, cử tri Hà Nội cho rằng hiện nay, tình hình ở biển Đông đang hết sức phức tạp, người dân thể hiện lòng yêu nước một cách tự phát, dẫn đến nhiều thế lực thù địch lợi dụng để gây rối, phá hoại tài sản ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Cử tri đề nghị Chính phủ thông tin, tuyên truyền kịp thời, rõ ràng để người dân thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri TP HCM trước kỳ họp thứ 7 QH khóa XIII, Đoàn ĐBQH TP HCM cho biết đã tiếp xúc cử tri 31 cuộc, có gần 6.000 người tham dự với 324 lượt ý kiến.
Theo ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, rất nhiều ý kiến của cử tri xoay quanh việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Cử tri hoan nghênh, ủng hộ phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24… Cử tri đề nghị Đảng và nhà nước cần thể hiện rõ thái độ kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo; duy trì các lực lượng thực thi pháp luật trên biển nhằm khẳng định chủ quyền, đồng thời bảo vệ tài sản và tính mạng cho ngư dân bám biển. Cử tri TP đề nghị tại kỳ họp thứ 7, QH cần ra tuyên bố lên án hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc.
Một vấn đề khác cũng được cử tri TP quan tâm là việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu và phê chuẩn. Cử tri cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, cần tổng kết, rút kinh nghiệm để việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện tốt hơn, chặt chẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Nhiều cử tri bày tỏ sự thiếu tín nhiệm đối với Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xử lý những vấn đề ngành mình phụ trách còn lúng túng, bộc lộ nhiều thiếu sót, trách nhiệm chưa đầy đủ. Đề nghị QH giám sát chặt chẽ việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành sau chất vấn tại các kỳ họp.
Ngoài ra, cử tri còn quan tâm đến việc xử lý tham nhũng, lãng phí, nợ công... Đây là lần đầu tiên, cử tri TP kiến nghị Chủ tịch nước, Thủ tướng có chương trình đối thoại định kỳ hằng năm để cử tri có điều kiện bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đóng góp ý kiến xây dựng đất nước.
Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cũng đã họp rà soát các công việc chuẩn bị tham dự kỳ họp QH thứ 7. Tại cuộc họp, lãnh đạo các ngành, đơn vị đề xuất với Đoàn ĐBQH Hải Phòng khi tham dự kỳ họp thứ 7 tiếp tục phản ánh và kiến nghị với QH một số vấn đề lớn của địa phương như tăng cường đầu tư các dự án trọng điểm; phản ánh các vấn đề cử tri quan tâm về xây dựng nông thôn mới, giáo dục, y tế, chất lượng, giá cả hàng hóa, vấn đề biển Đông…
Thế Dũng - Phan Anh
Bình luận (0)