Ông Lê Nam phát biểu tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Bảo Trân
- Ông Lê Nam: Hôm nay (11-6), QH mới quyết định lựa chọn ra 4/7 bộ trưởng sẽ nghe và trả lời chất vấn trong lĩnh vực mà mình chịu trách nhiệm quản lý. Trong số này, tôi cho rằng Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Công Thương có nhiều vấn đề “nóng” hơn cả. Tôi sẽ tập trung chất vấn những vấn đề bất cập mà 2 bộ này đang mắc phải là quản lý đất đai; khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan, mất kiểm soát ở nhiều nơi; giá điện; chất lượng xăng dầu…
* Cụ thể, ông sẽ chất vấn vấn đề gì?
- Hiện nay, các điểm “nóng” về khiếu kiện đất đai trên cả nước đã bộc lộ rõ những “lỗ hổng” trong việc quản lý và chính sách pháp luật. Những vụ việc khiếu kiện về đất đai thời gian qua, nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở pháp luật và cơ chế chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu, quá chậm so với thực tiễn đời sống.
* Thưa ông, để giải quyết được tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài vẫn phải chờ sửa Luật Đất đai?
- Trước tình hình hiện nay, tôi cho rằng không cần phải chờ luật để giải quyết mà cần có ngay các biện pháp kịp thời. Trong việc ứng xử với các vụ khiếu nại đất đai, Nhà nước lấy đất để giao cho doanh nghiệp làm dự án đô thị, nhà máy… thì cần hết sức thận trọng. Nếu cứ diễn ra cảnh doanh nghiệp đền bù đất có 100.000 đồng/m2 rồi bán hàng chục triệu đồng thì rất phi lý.
* Tại phiên chất vấn, ông sẽ yêu cầu Chính phủ và Bộ Tài nguyên - Môi trường báo cáo về các vụ việc này?
- Không chỉ riêng cá nhân tôi mà trong báo cáo tổng hợp chất vấn của đại biểu QH tại kỳ họp này cũng ghi nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ thêm các vụ cưỡng chế có sự cố vừa qua. Hơn nữa, đây là cơ sở để nhận diện một vấn đề nóng bỏng của đất nước, nhất là trong bối cảnh khó khăn về kinh tế hiện nay.
* Vừa qua, báo chí đã phát hiện ở nhiều địa phương, người Trung Quốc đã nuôi thủy sản cả chục năm qua mà chính quyền không hay biết. Vậy ông có yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành chức năng giải thích rõ về vấn đề này không?
- Luật pháp quy định về vấn đề quản lý lao động nước ngoài đã quá đầy đủ, rõ ràng và đúng với thông lệ quốc tế. Các nước quản lý lao động người nước ngoài rất chặt chẽ trong khi Việt Nam quá dễ dãi. Cần làm rõ bộ, ngành nào và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đến đâu khi để xảy ra tình trạng người Trung Quốc nuôi thủy sản ở nhiều nơi, nhất là gần khu vực cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Tuy nhiên, vụ việc này cần phải làm rõ ràng, minh bạch và kiên quyết chứ không thể nói rồi để đó. Tại phiên chất vấn này, chắc chắn QH sẽ có ý kiến và lãnh đạo các bộ, ngành phải giải trình.
Một phó thủ tướng và 4 bộ trưởng sẽ đăng đàn Từ ngày 11 đến 15-6, QH sẽ bước vào vào tuần làm việc thứ 4 với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Đoàn thư ký kỳ họp cho biết đã gửi phiếu xin ý kiến đến các đại biểu QH về dự kiến 7 bộ trưởng, sẽ trả lời chất vấn. Danh sách 7 bộ trưởng được đề nghị gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Theo lịch trình, hôm nay (11-6), QH sẽ quyết định việc 4 vị “tư lệnh” trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Theo thống kê của đoàn thư ký kỳ họp, đến cuối tuần qua, đã có 85 phiếu chất vấn của 54 đại biểu ở 30 đoàn gửi đến Chủ tịch QH, Thủ tướng và 19 bộ trưởng, trưởng ngành. Các nhóm vấn đề dự kiến sẽ chất vấn bao gồm nhiều nội dung được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm như việc cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng, Hưng Yên, Cần Thơ; hiệu quả hoạt động của các tập đoàn Nhà nước; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng; trách nhiệm trong thanh tra, phát hiện và đề xuất xử lý tham nhũng... Ngoài ra, theo thông lệ, một phó thủ tướng thay mặt Chính phủ sẽ báo cáo bổ sung và trực tiếp trả lời chất vấn chốt lại các vấn đề được đại biểu đặt ra. Theo chương trình, phiên chất vấn sẽ bắt đầu từ sáng 13-6 đến hết sáng 15-6. B.Trân |
Bình luận (0)