Ngày 3-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2017.
Tinh gọn bộ máy, nhũng nhiễu sẽ giảm
Đại biểu (ĐB) Dương Văn Thống (tỉnh Yên Bái) đánh giá bộ máy quản lý hiện rất cồng kềnh; tăng hơn 20% so với 20-30 năm trước; không ít bộ phận không còn cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. ĐB này dẫn chứng tại Yên Bái, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước năm 2016 là hơn 17.200 người, số tiền tiêu ngân sách 1.100 tỉ đồng trong tổng chi thường xuyên hơn 4.000 tỉ đồng.
Theo ĐB Thống, nếu rà soát và sửa đổi tổng thể bộ máy hợp lý hơn, ít đầu mối hơn chắc chắn giảm chi ngân sách, từ đó bớt nhũng nhiễu. Ngoài ra, ông Thống đề nghị thành lập cơ quan lâm thời của trung ương có chức năng nghiên cứu, tham mưu để trong 1-2 năm tới rà soát lại tổng thể bộ máy, sau đó phê duyệt và thi hành, qua đó tinh gọn bộ máy, giảm nhân sự.
Cũng bàn về cán bộ, ĐB Phan Việt Cường (tỉnh Quảng Nam) nêu tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, thích ban ơn, có những việc có thể giải quyết ngay trong 1 ngày nhưng lại để kéo dài 1 tuần, 10 ngày, nhiều tháng khiến nhà đầu tư lo ngại.
Còn theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, ông Ngọ Duy Hiểu, hiện có tình trạng bố trí cán bộ trong các cơ quan không phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm; một số cán bộ, công chức không yếu về năng lực nhưng lại kém về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm. Do đó, nếu người đứng đầu không nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm gương thì e rằng người dân, doanh nghiệp lại tiếp tục kêu ca.
Chưa tháo gỡ được các dự án thua lỗ lớn
Giải trình trước QH về 5 dự án lớn (Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Nhà máy Đạm Ninh Bình - PV) thua lỗ được nhiều ĐB nêu ra trong 2 ngày qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay Chính phủ đã có báo cáo, thời gian qua các cơ quan chức năng phối hợp tháo gỡ nhưng “chưa đạt hiệu quả”. Ngoài ra còn một số dự án khác tiềm ẩn nguy cơ tồn đọng và nếu không được tháo gỡ vướng mắc kịp thời sẽ có nguy cơ mất vốn.
Bộ trưởng cũng đánh giá qua những dự án này đã bộc lộ khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước, đặc biệt cả về khung pháp lý cũng như về mặt thể chế. “Phải làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý cũng như của chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp; không loại trừ những hành động cố ý vi phạm pháp luật” - Bộ trưởng nói.
Sau phần giải trình của Bộ trưởng Tuấn Anh, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị sớm thành lập danh mục những dự án thua lỗ, “đắp chiếu” ngoài 5 dự án đã nêu.
“Nếu không công bố rộng rãi thì phải nắm cho chắc bởi vì chỉ cần mỗi ngày lỗ vài ba tỉ đồng; mỗi năm lỗ năm, bảy chục tỉ, không đến 1.000 tỉ như một số nhà máy nhưng cộng lại sẽ là con số rất lớn. Vùng sâu, vùng xa hàng chục triệu đồng bào ở diện nghèo rất cần những khoản kinh phí đang bị tiêu tốn vào những dự án ấy” - ĐB Nghĩa trăn trở.
Nội dung giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về thủy điện cũng nhận được nhiều tranh luận mạnh mẽ từ phía ĐBQH. Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định thủy điện là lĩnh vực cơ quan này “rất quan tâm và tạo điều kiện để thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước nhằm bảo đảm lợi ích của nhân dân cũng như sự phát triển hài hòa của xã hội, nhất là trong các vùng bị tác động của điện”.
Về vấn đề nhiệt điện, người đứng đầu ngành công thương cho rằng điểm nghẽn môi trường tại các dự án nhiệt điện không phải do công nghệ lạc hậu, bởi hầu hết các nhà máy này đều sử dụng công nghệ của các nước tiên tiến, mà nằm ở phần thiết bị cũng như các tổng thầu. Các nhà thầu thực hiện không chấp hành và không có điều kiện để thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến thiết bị công nghệ đó.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) cho rằng bộ trưởng nói quá trình đầu tư, vận hành các thủy điện đều đúng pháp luật, đúng quy trình là chưa thỏa đáng. Việc tích nước, xả lũ của thủy điện được nhiều địa phương phản ánh chưa đúng quy định. Ông Học cũng không đồng tình khi Bộ trưởng Tuấn Anh nói đời sống người dân các vùng triển khai thủy điện, sau khi tái định cư được bảo đảm vì thực tế nhiều nơi số hộ nghèo chiếm tới 30%, thậm chí là 80%.
Giải trình 10,5 triệu tỉ đồng tái cơ cấu kinh tế
Giải trình trước QH về đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguồn lực 10,5 triệu tỉ đồng là mục tiêu cần đạt được để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt từ 6,5%-7%. Trong đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 dự kiến là 2 triệu tỉ đồng.
“Để đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 6,5%-7% với hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) dự kiến là 5-5,5 thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32%-34% GDP, tương đương 9-10 triệu tỉ đồng. Như vậy, đặt mục tiêu phấn đấu 10,5 triệu tỉ đồng để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn” - ông nói.
Tuy nhiên, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ, điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực nhà nước. Theo đó, phải đẩy nhanh xử lý nợ xấu và áp dụng biện pháp kiên quyết đối với các ngân hàng thương mại yếu kém; cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp một cách thực chất…
Bình luận (0)