Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có chỉ thị yêu cầu “Tăng cường công tác quản lý quy hoạch đầu tư, xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển”. Theo đó, phải xử lý dứt điểm những dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng không triển khai hoặc triển khai cầm chừng.
Thu hồi hàng chục dự án
Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết việc thu hồi các dự án chậm tiến độ (đặc biệt là những dự án ven biển) đã được tỉnh này chú trọng nhiều năm qua. Theo thống kê, từ đầu năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi gần 20 dự án đầu tư ở các vùng ven biển nhưng không phát huy hiệu quả hoặc chậm tiến độ. Hiện số dự án ven biển được cấp phép đầu tư nhưng chủ đầu tư không triển khai khá nhiều.
Riêng tại Khu Kinh tế Dung Quất có 14 dự án chậm tiến độ khoảng 1.000 ha bỏ hoang, gây thiệt hại mỗi năm khoảng 65 tỉ đồng. Ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất, cho biết đơn vị này đã chính thức thu hồi 3 dự án được gia hạn nhiều lần nhưng vẫn không triển khai.
Còn theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP Đà Nẵng, qua rà soát 52 dự án được cấp phép đầu tư tại các khu đất ven biển của TP cho thấy có 32 dự án chậm và chưa triển khai. Sở đã thu hồi đất 3 dự án và đang hoàn thành thủ tục thu hồi 2 dự án khác.
Tại Quảng Nam, dọc bờ biển từ huyện Điện Bàn đến TP Hội An có 33 dự án thì đã 23 dự án đang án binh bất động. Trong khi đó, hàng loạt dự án ven biển khác ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành cũng bỏ hoang nhiều năm.
Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần chấn chỉnh tình trạng nhà đầu tư sau khi được cấp phép thì “xí phần” đất mà không triển khai. Chủ đầu tư các dự án được yêu cầu ký cam kết tiến độ, nếu không phối hợp thực hiện hoặc chậm trễ thì dự án sẽ bị thu hồi.
Gặp khó vì vướng luật
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang lập đoàn thanh tra, kiểm tra tất cả dự án ven biển đã được cấp phép nhưng chậm tiến độ để có biện pháp xử lý. Hồi tháng 3, tỉnh này đã thu hồi 8 dự án ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc) do chưa ký quỹ bảo đảm thực hiện đầu tư, chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Ngoài 8 dự án này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sẽ thu hồi các dự án ven biển chậm tiến độ khác, trong đó có dự án khu nghỉ dưỡng, sinh thái Vincostec ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang.
Theo ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghị định 43/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Luật Đất đai 2013 đã gây cho các cơ quan chức năng lúng túng khi thu hồi đất đối với các dự án được cấp đất trên thực địa. Đó là việc quy định thời gian gia hạn thêm 24 tháng cho doanh nghiệp đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm nhưng không quy định điều kiện gia hạn.
“Trước kia, cứ thu hồi dự án là tiến hành thu hồi đất, sau 12 tháng gia hạn thì chúng tôi chỉ tính đến phương án thu hồi có bồi thường hay không bồi thường thôi. Giờ đây, dù thu hồi có bồi thường nhưng vẫn khó bởi các cơ quan chức năng lúng túng về điều kiện gia hạn cho doanh nghiệp thêm 24 tháng” - ông Định phân tích.
Dự án qua… 5 đời chủ tịch tỉnh
Dự án Khu Du lịch Bình Tiên nằm ven biển thôn Bình Tiên (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) được cấp phép đầu tư cho Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên từ tháng 8-2005. Trước khi được cấp phép, công ty đã trình kế hoạch đầu tư với những hạng mục rất hoành tráng như: Hệ thống khách sạn cao cấp hơn 500 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.000 chỗ ngồi, 200 căn biệt thự, bến du thuyền, sân golf... Tuy nhiên, 10 năm trôi qua với 5 đời chủ tịch tỉnh nhưng hiện khu du lịch này vẫn không có gì ngoài một khu tái định cư và mấy cọc xi măng ở hạng mục bến du thuyền.
Ông Dương Văn Nguyên - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Bình Tiên - từng thừa nhận sở dĩ dự án kéo dài là vì công ty không chủ động được nguồn vốn, thiết kế phải chỉnh sửa nhiều lần, hợp đồng thi công kéo dài...
L.Trường
Khánh Hòa ưu ái Dewan
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa, năm 2014, trên địa bàn TP Nha Trang có 70/144 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ. Đến nay, nhiều dự án đã được thu hồi nhưng chưa thống kê số liệu cụ thể.
Đối với dự án xây dựng Trường Đại học Khánh Hòa (TP Nha Trang), Sở đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Dewan Projects vì chưa góp đủ 5,5 triệu USD vốn điều lệ. Ngày 21-7, Công ty Dewan Projects có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đang làm việc với Ngân hàng HSBC Hồng Kông Chi nhánh TP HCM về việc phát hành bảo lãnh thư tín dụng dự phòng cho việc đưa nguồn vốn 50,5 triệu euro (1.200 tỉ đồng) về để thực hiện dự án.
Sáng 28-7, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp với Tập đoàn Dewan và đồng ý gia hạn góp vốn cho Công ty Dewan Projects. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Dewan là doanh nghiệp lớn, có tâm huyết thực hiện dự án Trường Đại học Khánh Hòa. Đây là lần gia hạn cuối cùng. Trước khi có thông báo chính thức, UBND tỉnh sẽ báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy để xin ý kiến.
Bình luận (0)