Ngày 28-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp nghe Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng UBND TP Đà Nẵng báo cáo về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà (gọi tắt là quy hoạch).
Không thể giữ nguyên trạng Sơn Trà?
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái nhắc lại quá trình lập quy hoạch, bộ đã phối hợp với Đà Nẵng ở tất cả các khâu, từ lập đề cương, khảo sát thực địa đến thu thập thông tin tài liệu để hình thành dự thảo quy hoạch. Ngoài ra, bộ đã gửi dự thảo quy hoạch và nhận được ý kiến của 11 bộ, ngành liên quan và TP Đà Nẵng. Các ý kiến đều cơ bản thống nhất với dự thảo quy hoạch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ VH-TT-DL và UBND TP Đà Nẵng Ảnh: VŨ QUANG
"Quy hoạch đã được lập, trình phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục và thẩm quyền" - ông Ái khẳng định.
Về ý kiến giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng kiến nghị này có thể dẫn đến một số hệ quả như đối với những dự án đang xây dựng dở dang thì phải tháo dỡ toàn bộ, với các dự án đã phê duyệt nhưng chưa được triển khai thì phải hủy bỏ. Đây là vấn đề phức tạp, do đó cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo, nhất là khi các dự án này được chấp thuận trước thời điểm quy hoạch.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng đề nghị giữ nguyên trạng bán đảo Sơn Trà của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khó khả thi và không thực tế. Con số 1.600 phòng lưu trú theo quy hoạch đã thống nhất với Bộ VH-TT-DL, TP Đà Nẵng không có ý kiến.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng trấn an vấn đề an ninh quốc phòng đối với Sơn Trà rất quan trọng nên TP Đà Nẵng sẽ không chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại đây.
Chưa thực hiện theo quy hoạch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ cuộc họp này nhằm nghe Bộ VH-TT-DL và UBND TP Đà Nẵng báo cáo về việc tiếp thu các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đối với bản quy hoạch. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản yêu cầu Bộ VH-TT-DL, TP Đà Nẵng có báo cáo trước ngày 30-5.
"Tinh thần của Thủ tướng, Phó Thủ tướng là rất cầu thị lắng nghe. Đặc biệt, chúng ta phải công khai, minh bạch vì sự thật bao giờ cũng là sự thật. Nếu chúng ta làm đúng thì nhân dân, công luận sẽ đánh giá đúng" - ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, TP Đà Nẵng đều thống nhất đánh giá và bản quy hoạch được bắt đầu xây dựng từ tháng 5-2013. Bộ VH-TT-DL chủ trì, Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với bộ trong quá trình xây dựng bản quy hoạch. Bản quy hoạch này được phê duyệt ngày 9-11-2016, chính thức công bố ngày 15-2-2017 và đến nay chưa triển khai trên thực tế.
Trước tháng 5-2013, đã có 18 dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà được UBND TP Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư, thậm chí có những dự án đã cấp phép. Trong đó, 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú. Từ năm 2013 tới nay, Đà Nẵng không cấp thêm dự án nào. Như vậy, tất cả dự án trên bán đảo Sơn Trà đều được đồng ý chủ trương hay cấp phép trước khi quy hoạch được lập.
Việc quản lý, xây dựng các dự án này thuộc thẩm quyền và cũng là trách nhiệm giải quyết của Đà Nẵng. Các dự án mà Đà Nẵng đã cấp phép, chấp nhận chủ trương có quy mô phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng. Còn Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà quy định số phòng lưu trú giới hạn ở 1.600 phòng.
Theo Phó Thủ tướng, quy mô phòng lưu trú so với các dự án đã được đồng ý chủ trương trước khi bản quy hoạch được xây dựng chỉ bằng 1/3. Sau khi quy hoạch được công bố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà, đồng nghĩa với việc giữ nguyên số cơ sở lưu trú hiện nay (khoảng 300 phòng).
Để giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Thủ tướng đã giao Bộ VH-TT-DL, TP Đà Nẵng báo cáo; đồng thời sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo, làm việc với hiệp hội, mời các chuyên gia, nhà khoa học liên quan trao đổi trên tinh thần khoa học. Trong đó, lưu ý kinh nghiệm làm tốt trên thế giới đối với trường hợp tương tự.
Phó Thủ tướng đề nghị TP Đà Nẵng phải chủ động vì tất cả dự án được cấp theo đúng thẩm quyền của TP. Đà Nẵng có 3 tháng làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng dừng triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Trước ngày 30-8, TP phải có văn bản chính thức trả lời Thủ tướng có chấp nhận kiến nghị của hiệp hội là giữ nguyên trạng, không xây dựng cơ sở lưu trú hay không - nói cách khác là có chấp nhận giảm tiếp số phòng lưu trú trên bán đảo Sơn Trà hay không. Trong 3 tháng này, Phó Thủ tướng đề nghị chưa triển khai quy hoạch để việc tiếp thu ý kiến được khách quan.
Văn phòng Chính phủ thụ lý hồ sơ dự án Tiên Sa
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết vừa qua, báo chí phản ánh về vi phạm ở dự án du lịch sinh thái biển Tiên Sa. Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Đà Nẵng đã có báo cáo về vấn đề này.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ thụ lý hồ sơ, lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về đầu tư xây dựng và sẽ báo cáo Thủ tướng để giải quyết.
Các văn bản pháp lý quan trọng
Bán đảo Sơn Trà với 3 mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị. Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Bán đảo này có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km với chu vi khoảng 60 km, độ cao trung bình 350 m. Cùng với đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà như bình phong bao bọc, che chắn cho TP Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng Ảnh: BÍCH VÂN
Theo các chuyên gia, Sơn Trà có gần 1.000 loài thực vật và hàng trăm loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có hàng chục loại quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách đỏ như mèo rừng, chồn bạc má... Nổi bật nhất là quần thể linh trưởng đặc hữu của Đông Dương - voọc chà vá chân nâu (nữ hoàng linh trưởng) với số lượng 300-400 cá thể. Vùng nước bao quanh bán đảo Sơn Trà có những rạn san hô phong phú và đa dạng.
Về an ninh quốc phòng, bán đảo Sơn Trà có vị trí đặc biệt quan trọng đối TP Đà Nẵng và toàn khu vực miền Trung. Trạm radar trên bán đảo được mệnh danh là "mắt thần Đông Dương" với bán kính quan sát lên đến hàng trăm km, tầm phát sóng có thể kiểm soát cả khu vực Đông Dương.
- Ngày 20-10-1992, Bộ Nông lâm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành Quyết định số 447 về phê chuẩn khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà với tổng diện tích 4.439 ha.
- Ngày 16-10-2003, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó có nêu vấn đề xây dựng khu vực Sơn Trà, Hải Vân.
- Ngày 20-9-2008, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6758 về việc phê duyệt 3 loại rừng trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2008-2010, trong đó rừng đặc dụng Sơn Trà có diện tích 2.591 ha.
- Ngày 5-4-2011, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2693 về quy chế quản lý các hoạt động du lịch trên bán đảo Sơn Trà.
- Ngày 27-2-2012, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1451 về việc phê duyệt ý tưởng quy hoạch bán đảo Sơn Trà theo hồ sơ thiết kế ý tưởng của Công ty Owings & Merill LLP Company (S.O.M) lập.
- Ngày 27-9-2013, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6648 về việc phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 về quy hoạch tuyến, điểm du lịch trên bán đảo Sơn Trà.
- Ngày 4-12-2013, Thủ tướng ban hành Quyết định số 2357 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - là cơ sở để quy hoạch đất phát triển du lịch của đề án phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
- Ngày 8-1-2014, Thủ tướng ban hành Quyết định số 45 phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Sơn Trà là khu dự trữ thiên nhiên với diện tích 3.871 ha và phân cấp cho địa phương quản lý.
- Ngày 30-10-2014, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1976 về phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, rừng Sơn Trà là rừng đặc dụng có diện tích 2.591,1 ha.
- Ngày 9-11-2016, Thủ tướng ban hành Quyết định số 2163 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quy mô nghiên cứu là 4.439 ha.
Bình luận (0)