Tại khu vực nuôi thủy sản lồng bè trên vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi chứng kiến cảnh rác thải trôi nổi đầy mặt nước. Chất thải sinh hoạt của hàng trăm lồng bè đều đổ xuống biển. Không riêng gì vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong và Nha Trang cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Hải sản sống không nổi
Nhà dân nằm ở khu vực ven biển vịnh Cam Ranh như phường Cam Lợi, Cam Linh, Cam Phú (TP Cam Ranh) đổ toàn bộ nước thải và chất thải sinh hoạt ra biển. Rác thải tấp vào ven bờ thành từng lớp, bốc mùi hôi thối.
Chị Vân, ngư dân đánh cá ở phường Cam Lợi, cho biết: “Những năm trước, biển còn sạch, bà con thường đi quanh vịnh bắt hải sản kiếm ăn. Bây giờ, nước ô nhiễm quá, không cá tôm nào sống nổi nên chúng tôi phải ra tận Bình Ba, Bình Hưng, cách cả chục km để đánh bắt. Khu vực vịnh Cam Ranh giờ chỉ để nuôi hải sản vì họ có thuốc xử lý, phòng ngừa bệnh. Cứ cái đà này thì dịch bệnh trước sau gì cũng hoành hành”.
Rác cũng ngập ngụa dọc bờ biển vịnh Vân Phong, đoạn qua các xã Vạn Long, Vạn Thắng, thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh). Xác động vật, tôm cá bốc mùi hôi thối khó chịu. Bờ biển như bãi rác khổng lồ.
Một người dân xã Vạn Thắng cho biết nhà ông nằm dọc biển, đường vào gặp cát khó đi nên việc đổ rác đúng quy định rất phiền hà. Do đó, người dân để rác thải sinh hoạt tập trung trước bờ biển rồi đốt, chờ thủy triều lên cuốn đi nơi khác.
Tương tự, rác cũng “tấn công” vịnh Nha Trang trước nay vốn nổi tiếng sạch đẹp. Tại khu dân cư gần cảng Cửa Bé thuộc phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang) và dọc cửa biển sông Cái đổ ra vịnh Nha Trang, người dân vô tư đứng ngay cửa bếp quẳng rác xuống mép nước và phóng uế ở cửa biển. Dọc hai bờ kè sông Cái, nhiều quán nhậu quét hết rác thải của thực khách xuống sông.
“Cấp cứu” môi trường biển
Ông Trương Kỉnh, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết tuy chất lượng nước hiện nay tại vịnh Nha Trang chưa đến mức báo động nhưng đã xuất hiện những điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng các hệ sinh thái, đe dọa đến đa dạng sinh học trong vịnh.
Theo ông Kỉnh, 2 khu vực tập trung đông dân cư ở sông Tắc - Cửa Bé và sông Cái là nguồn chính gây ô nhiễm cho toàn vịnh Nha Trang. Do đó, cần có những biện pháp ngăn chặn nguồn nước thải trực tiếp chưa qua xử lý đổ ra 2 con sông này từ các công ty, nhà máy, khu vực dân cư...
UBND TP Cam Ranh cũng đã có những động thái để cứu môi trường biển như cấp vốn cho 7 phường ven vịnh Cam Ranh (mỗi phường 30 triệu đồng) để thu gom rác thải, thống kê số hộ dân làm nhà, lấn biển, xả rác xuống biển để có biện pháp vận động, xử lý... UBND TP Nha Trang dùng giải pháp lắp đặt thùng chứa chất thải ở tàu thuyền, ra thông báo cấm xả rác xuống biển… Tuy vậy, ý thức người dân chưa cao, nhiều địa phương chỉ làm lấy lệ nên việc thu gom xử lý rác thải ven biển vẫn chưa hiệu quả.
Trước tình hình trên, tháng 3-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường, gồm: Dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Khánh Hòa giai đoạn 2014-2015; phá bỏ và chấm dứt các nhà vệ sinh xả thải trực tiếp xuống sông, biển; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thu gom chất thải rắn từ các khu dân cư, khu du lịch ven biển... Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31-12.
Báo động nhiễm khuẩn nguồn nước
Mới đây, Ban quản lý vịnh Nha Trang báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng nước tại 11 điểm trong vịnh này. Nhiều số liệu môi trường đáng chú ý như: Hàm lượng nitơ, muối phosphat trong nước biển khá cao; nhiều nguồn nước thải sinh hoạt bị nhiễm bẩn vượt tiêu chuẩn cho phép (Cửa Bé có lượng BOD là 156 mg/l, COD 253 mg/l). Tình trạng nhiễm coliform cao nhất là khu vực cửa sông Cái, mật độ vibrio cao nhất tại khu vực Cửa Bé. Nước ở giữa vịnh Nha Trang được coi là sạch nhất cũng đã bị nhiễm khuẩn vibrio.
Bình luận (0)