Khoảng 1 tuần qua, khắp nơi trong tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện rất nhiều rắn lục đuôi đỏ khiến người dân hết sức lo lắng. Để ngăn chặn chúng, nhiều người đã tìm mua các loại củ nén, cây sả… về để xung quanh nhà khiến giá các loại cây, củ này tăng chóng mặt.
Xuất hiện dày đặc
Không chỉ Quảng Ngãi, người dân ở các huyện của tỉnh Quảng Nam như Thăng Bình, Điện Bàn, Tiên Phước… cũng ăn ngủ không yên vì rắn lục đuôi đỏ xuất hiện dày đặc. Nhiều người đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Tình hình cũng diễn ra tương tự ở Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang...
Chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh viện các địa phương đã tiếp nhận hàng trăm ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong tình trạng phù nề, đau nhức. Ông Phạm Ngọc Ẩn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, cho biết trong vòng 1 tuần, bệnh viện đã tiếp nhận 8 ca bị rắn lục cắn.
“Chưa bao giờ bệnh viện tiếp nhận số người bị rắn cắn chỉ trong thời gian ngắn như vậy. Đây là điều hết sức bất thường, các cơ quan chức năng cần điều tra để người dân không hoang mang” - ông Ẩn mong mỏi.
Không có chuyện thả rắn cắn người
Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều rắn lục đuôi đỏ là tin đồn có một nhóm người chuyên đi thả rắn trong các khu dân cư để cắn người. Thậm chí, có tin đồn đó là những người Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Nghe thông tin người dân phản ánh có nhóm người mang bao tải đi dọc bờ sông, khu dân cư thả rắn, chúng tôi đã xác minh. Họ chỉ là người đi tìm cây cà dưa leo chữa bệnh. Họ có mặt trùng với thời điểm có nhiều rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nên gây hiểu nhầm”.
Ông Trần Châu Vinh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa - khẳng định thông tin địa phương đã bắt được một số đối tượng thả rắn lục đuôi đỏ cắn người là không có thật. “Thực tế, địa phương không phát hiện hay bắt giữ đối tượng nào liên quan đến việc này” - ông Vinh cho biết.
Ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WAR):
Đừng nên tận diệt!
Rắn lục đuôi đỏ thường ở những nơi hang sâu, cách xa con người. Hiện tượng bùng phát rắn lục đuôi đỏ ở nhiều địa phương có thể do năm nay thời tiết ấm nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho rắn sinh sôi nảy nở. Đến lúc thời tiết lạnh, chúng sẽ rúc vào nơi sâu. Trong thời gian này, người dân nên phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh nhà cửa, lu nước… để rắn không có nơi trú ẩn trong nhà. Đừng tiêu diệt chúng theo kiểu tận diệt vì bất cứ con vật gì cũng có tính 2 mặt của nó. Rắn lục đuôi đỏ cắn có thể gây thương tích, nhiễm trùng nhưng chúng lại tiêu diệt chuột, sâu bọ và một số sinh vật có hại khác. Tận diệt rắn sẽ gây mất cân bằng đa dạng sinh học. Với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay thì không chỉ rắn mà trong thời gian sắp đến, việc bùng phát một số loài sinh vật khác ở khu dân cư có thể dự đoán được.
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam:
Khó gây tử vong
Một số loài rắn như sọc dưa, rắn ráo… thường mò vào khu dân cư bắt chuột, gián nhưng rắn lục đuôi đỏ là loài rất nhạy cảm. Vì thế, chúng chẳng thích thú gì các khu dân cư. Chúng cũng không tấn công con người mà chỉ cắn khi chúng ta đụng phải hoặc phản xạ theo bản năng mà thôi.
Hiện tượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều trong khu dân cư có thể là do môi trường sống của chúng đang bị đe dọa. Con người phá các vùng đất là nơi trú ẩn của rắn hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại quá nhiều khiến các loài bò sát, lưỡng cư - là thức ăn của rắn - không còn, bắt buộc chúng phải tìm thức ăn ở nhiều nơi khác. Vào khu dân cư, tức là rắn lục đuôi đỏ đã “cùng đường” rồi! Ngoài ra, rắn lục đuôi đỏ làm hang, sống sâu trong lòng đất nên cũng có thể địa chất khu vực đang có sự thay đổi nào đó vì loài này cực kỳ nhạy cảm.
Rắn lục đuôi đỏ tuy là rắn độc nhưng độc chất chỉ gây thương tích, viêm nhiễm ngoài da chứ khó gây tử vong.
Bình luận (0)