Sáng nay, 5-10, sau cuộc họp giao ban tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2011 của ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi thẳng thắn với báo chí về những bất cập, tồn tại lâu nay của ngành.
Trước câu hỏi vì sao đã triển khai nhiều giải pháp mà cả tai nạn giao thông vẫn không giảm cả về số vụ, số người chết và bị thương, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng các giải pháp khi triển khai đều cần phải có quá trình để "ngấm vào thực tiễn".
"Với quyết tâm và nhiều giải pháp đồng bộ như thế, tôi tin tai nạn giao thông nhất định giảm trong thời gian tới" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Theo thống kê của Bộ Giao thông-Vận tải, trong tháng 8-2011, cả nước đã xảy ra 1.082 vụ tai nạn giao thông làm 930 người chết, 844 người bị thương.
So với tháng 7-2011, tai nạn giao thông giảm 11 vụ nhưng lại tăng 20 người chết và giảm 4 người bị thương.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra 8.984 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.550 người, bị thương 6.908 người; so với cùng kỳ năm 2010 giảm 121 vụ nhưng lại tăng 43 người chết và tăng 184 người bị thương.
Có thể tiêu hủy xe “quái xế”
Không chỉ đồng tình với TPHCM về mức xử phạt cao nhất nước, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng còn đề xuất hình phạt nặng hơn, đó là tiêu hủy xe tham gia đua trái phép, nhằm đẩy lùi nạn đua xe. Theo Bộ trưởng, nếu cứ tạm giữ để phạt tiền, sau đó lại cho lấy xe ra, các đối tượng sẽ “lờn thuốc”.
“Trong cuộc họp Ủy ban ATGT quốc gia mới đây, tôi đã đề nghị phạt mức cao hơn nữa đối với các đối tượng đua xe trái phép. Khi bắt được thì thu và hủy luôn xe” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Hiện mức phạt “tăng nặng” theo Nghị định số 34/NĐ-CP năm 2010 quy định: Người điều khiển ô tô nếu có hành vi lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ sẽ bị phạt từ 8 - 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày. Mức phạt tiền sẽ là 15 - 25 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn nếu lạng lách, đánh võng gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ.
Đối với người điều khiển mô tô, mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 60 ngày. Trong trường hợp không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn thì bị phạt tiền từ 10 - 14 triệu đồng, tước giấy phép lái xe không thời hạn.
B.T.M |
Bình luận (0)