Những ngày đầu tháng 7, bất bình trước việc lâm tặc ngang nhiên phá rừng, người dân huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã đưa phóng viên vào khu vực rừng thuộc xã Lơ Pang, huyện Mang Yang để ghi nhận thực tế.
Ngang nhiên phá rừng
Từ Tỉnh lộ 666, đoạn qua UBND xã Lơ Pang, chúng tôi rẽ qua con đường đất vào rừng. Do đây là con đường mòn qua nhiều đồi núi hiểm trở nên chúng tôi phải bỏ lại xe máy để đi bộ. Vào sâu chừng 3 km, trước mặt hiện ra là nhiều cây gỗ bị đốn hạ, nằm la liệt.
Tiếp tục lội bộ chừng 2 km nữa, chúng tôi phát hiện hàng chục cây gỗ lớn bị chặt hạ, nằm ngổn ngang. Những gốc cây bị tàn sát có đường kính từ 40 cm đến 1 m. Nhiều cây gỗ bị khai thác thời gian chưa lâu, gốc cây rỉ nhựa tươi, cành và lá còn xanh. Cạnh đó là những cây gỗ đã bị lâm tặc chặt hạ, phần thân xẻ thành hộp nhưng chưa kịp vận chuyển đi.
Một cây gỗ lớn mới bị đốn hạ, xẻ thành khúc nhưng chưa kịp lấy đi
Theo người dẫn đường, những thân gỗ sau khi xẻ thành hộp sẽ được trâu kéo tập kết về bãi ở gần đó. Từ đây, gỗ tiếp tục được chuyển bằng xe máy tới bãi tập kết khác và chờ ô tô tới chuyển đi.
Lần theo dấu vết, chúng tôi tới bãi tập kết gỗ này. Tại đây, hàng chục người đàn ông đang dùng xe máy chất từng khúc gỗ lên chở đi. Khi chúng tôi đến gần, một người trong nhóm lao ra chặn đường rồi hất hàm, hỏi "Chúng mày đi đâu đây?". Chúng tôi bảo đi tìm lan rừng thì người này sấn tới kiểm tra hành lý. May là chúng tôi chuẩn bị trước chứ không chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Tiếp tục theo con đường mòn khoảng 2 km, đến địa phận làng Đắk H’lá, xã Lơ Pang thì có thêm một bãi tập kết gỗ với hàng chục hộp gỗ chất thành nhiều đống. Lúc này người kiểm tra hành lý của chúng tôi cũng vận chuyển gỗ bằng xe máy về đây.
Vụ việc nghiêm trọng
Tại khu vực rừng mà chúng tôi đi qua, không chỉ có những cây gỗ mới bị chặt hạ mà còn nhiều cây khác bị đốn hạ, vết cắt đã cũ. Cùng với đó là sự hiện diện của một số lán trại dựng bằng bạt, bên trong có nhiều vật dụng nấu ăn, chăn màn và các chai nhựa đựng xăng, nhớt. Người dẫn đường khẳng định đây là lán trại của lâm tặc, vì nếu người dân đi rừng bắt ong, lấy phong lan sẽ không có dụng cụ đựng xăng, nhớt cho cưa máy như vậy. Những gì ghi nhận được cho thấy việc phá rừng diễn ra khá công khai.
Sau khi nắm thông tin về vụ việc, chiều 6-7, chúng tôi đến Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cung cấp thông tin. Tiếc là chỉ có một nhân viên đang có mặt tại cơ quan và người này từ chối làm việc. Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Long Sơn, hạt trưởng, cho biết mới tiến hành họp nhưng không thấy kiểm lâm địa bàn báo cáo gì. Ông Long nói sẽ cho kiểm tra, xác minh sau khi Báo Người Lao Động phản ánh.
Cũng từ thông tin thu thập được, chiều 10-7, chúng tôi chuyển đến ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai. Ông Nhĩ nói đã tiếp nhận báo cáo từ cấp dưới là chỉ do người dân vào lấy gỗ về làm nhà (?). "Tôi đã yêu cầu anh em xác minh, báo cáo rõ có việc lâm tặc phá rừng hay không. Hôm nay, anh em vẫn đang tiếp tục đi xác minh" - ông Nhĩ phân trần.
Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho rằng trong khi Thủ tướng chỉ đạo đóng cửa rừng mà nếu để xảy ra phá rừng như thế là rất nghiêm trọng. Do đó, ông Kpă Thuyên chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND huyện Mang Yang chỉ đạo lực lượng chức năng, chủ rừng tổ chức tuần tra, truy quét, ngăn chặn nạn khai thác rừng trái phép trên địa bàn; làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan.
Về thông tin cán bộ kiểm lâm huyện Mang Yang không tiếp nhận thông tin phản ánh phá rừng, ông Kpă Thuyên cho rằng nếu đúng như vậy là thiếu trách nhiệm, cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm.
Phá rừng vẫn còn phức tạp
Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI đang diễn ra, HĐND tỉnh này nêu rõ tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn phức tạp. Bên cạnh đó, công tác trồng rừng chưa được quan tâm, đến nay chỉ mới trồng được 694/7.228 ha rừng, ước đạt 9% kế hoạch; chăm sóc rừng chỉ đạt 35% kế hoạch, số vụ vi phạm bảo vệ rừng tuy giảm 15,6% so với cùng kỳ nhưng vẫn còn ở mức cao.
Bình luận (0)