Hơn 10 ngày qua, một nhóm người ngang nhiên vận chuyển máy móc, thiết bị vào vùng lõi rừng Khe Đương (thuộc tiểu khu 29, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phá rừng. Khi bị người dân địa phương phát hiện, nhiều "lâm tặc" đã tẩu tán máy móc, thiết bị và chạy ra khỏi rừng.
Tại điểm cao nhất của tiểu khu 29 là những lán trại được công nhân của Công ty TNHH MTV Bông Sen Vàng Đà Nẵng (gọi tắt Công ty Bông Sen Vàng) dựng lên để khai thác vàng tại Khe Đương. Phía sâu trong rừng được "lâm tặc" mở con đường nhỏ khoảng hơn 2 km, đủ một người đi. Dọc đường này, hàng chục cây gỗ rừng tự nhiên trên 20 năm tuổi vừa bị đốn. Nhiều khúc gỗ được cắt gọn, đóng thành bè chờ vận chuyển.
Hiện trường vụ phá rừng tại vùng lõi tiểu khu 29
Có mặt tại vùng lõi thuộc tiểu khu 29 vào ngày 1-6, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng phá rừng kinh hoàng. Ngay lõi rừng, một xưởng xẻ gỗ di động được dựng lên. Những khúc gỗ to được cắt khúc chuẩn bị xẻ phách, quẳng la liệt xung quanh. Cạnh đó, những cây rừng lớn bị đốn, phủ lớp vỏ cây để ngụy trang, phải dùng cành cây xới lên mới thấy.
Được biết, ngày 21-4, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ký Quyết định số 2188/QĐ-UBND thu hồi 21 ha rừng thuộc khoảnh 6, tiểu khu 29 giao Công ty Bông Sen Vàng để trồng rừng, quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh. Trong đó, có 14,5 ha rừng tự nhiên ở trạng thái trung bình (IIIA2); 0,4 ha rừng đang phục hồi (IIB)... UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu UBND huyện Hòa Vang ban hành quyết định thu hồi rừng và thu hồi đất của từng cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, đồng thời quản lý diện tích rừng thu hồi trước khi bàn giao cho Công ty Bông Sen Vàng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Công ty Bông Sen Vàng lập phương án quản lý, bảo vệ rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng đối với diện tích được giao.
Trả lời về vụ phá rừng đang diễn ra, bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, khẳng định: "Đây chỉ là tin đồn. Nếu có việc phá rừng thì chúng tôi biết ngay". Bà Hà cũng cho biết nhiều người hỏi về vấn đề này nhưng đó là tin đồn thất thiệt. "Việc quản lý và bảo vệ rừng ở xã Hòa Bắc đã được nói nhiều từ trước nên chúng tôi luôn có biện pháp để kiểm soát và quản lý địa bàn" - bà Hà khẳng định.
Nhận bảo vệ rừng nhưng phá rừng?
Nhiều hộ dân sống phía dưới chân núi gần tiểu khu 29 cho biết khi thấy nhóm người đưa máy móc, thiết bị vào rừng, họ theo vào và ghi được cảnh chính các công nhân của Công ty Bông Sen Vàng đang chặt phá rừng, xẻ gỗ lấy phách để tẩu tán ra bên ngoài. Tất cả khoảng 20 người.
Bình luận (0)